Những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của nước ta một lần nữa càng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, là nhân tố hàng đầu quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trải qua 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Với tinh thần “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[1] nhân dân ta đã tiến hành 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động địa cầu, giải phóng miền Bắc. Tiếp đó là cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống lại ách xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất. Thắng lợi của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc đã góp phần làm sáng tỏ một chân lý lớn của thời đại: “Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới đang ở thế tiến công, một dân tộc đất không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác – Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ”[2].
Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội VI năm 1986 là đỉnh cao của sự kết hợp trí tuệ Việt Nam, là cánh cửa để đất nước ta hội nhập với thế giới bên ngoài, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam - người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chúng ta có thể khẳng định rằng, được trang bị bằng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin và đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, khả năng lãnh đạo nhân dân Việt Nam không chỉ thắng lợi trong đấu tranh giành và giữ chính quyền mà cả trong xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng đất nước theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”[3].
Hiện nay, xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và những vấn đề toàn cầu như chiến tranh, bạo lực, xung đột, ô nhiễm môi trường… đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các nước, nhất là đối với các nước đang phát triển. Hơn nữa, đối với riêng những nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được. Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, đòi hỏi Đảng phải giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt, đồng thời đảm bảo tính đúng đắn, sáng tạo, sáng suốt trong mọi chủ trương, đường lối, quyết định lãnh đạo, chỉ đạo. Muốn hoàn thành được sứ mệnh đó, Đảng ta cần phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, Đảng luôn kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong mọi hoàn cảnh, phải vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối Đổi mới. Tiếp tục đổi mới, phát triển lý luận của Đảng lên một tầm cao mới; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cũng cần tiếp tục trau dồi đạo đức cách mạng, trí tuệ, bản lĩnh, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới trong những chặng đường tiếp theo. Đảng cần phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, ý chí, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển của toàn dân tộc để thực hiện tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, chú trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân…
Trải qua 90 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, quãng thời gian chưa dài nhưng những gì mà dân tộc đã thực hiện được quả là phi thường. Nếu không phải là một đảng Mác xít-Lêninnít chân chính như Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc thì chưa hẳn đạt được nhiều kỳ tích đến như vậy.
Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề chiến lược có tính nguyên tắc. Vì vậy, cần kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng tiếp tục tích cực tổng kết thực tiễn kết hợp với nghiên cứu lý luận để nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng; không ngừng bổ sung, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội nói chung và các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói riêng trong tình hình mới hiện nay./.
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 480.
[2]. ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 37, tr.489.
[3]. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.16 - 17.