Thảo luận phần học, môn học là một trong những nội dung bắt buộc của chương trình TCLLCT - HC. Hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận áp dụng phương pháp thảo luận chung trên lớp, thay vì tổ chức thảo luận tại từng tổ. Vì vậy, thảo luận là phương pháp mà học viên không làm việc cá nhân mà là làm việc chung với nhau ngay trên lớp và thảo luận về những vấn đề do khoa chủ quản phụ trách bộ môn đó đề ra, nhằm mục đích giúp học viên tìm hiểu kỹ hơn một số nội dung quan trọng của phần học với sự giám sát, điều hành chung của lớp trưởng hay của giảng viên. Ưu điểm của việc thảo luận phần học, môn học của chương trình TCLLCT – HC sẽ giúp học viên tìm tòi và giải đáp những vấn đề mà khoa chủ quản đưa ra. Học viên phải trình bày ý kiến của mình trước cả lớp và thảo luận để làm rõ hơn nội dung cần nghiên cứu. Thông qua hoạt động này, tinh thần hợp tác giữa các học viên trong lớp sẽ được phát huy và hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, việc học tập sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Thảo luận trong lớp cũng là dịp để các học viên được bộc lộ và phát huy những khả năng thuyết trình, hỏi đáp, chất vấn của mình. Đây cũng chính là cơ hội để cho học viên học tập lẫn nhau. Đồng thời, khi được thầy cô tổng kết và giải đáp, học viên sẽ hiểu bài hơn, nhớ lâu hơn và có thể vận dụng tốt hơn những kiến thức đã học vào thực tiễn.
Tuy nhiên, việc thảo luận của các lớp TCLLCT - HC, hệ tập trung của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cũng gặp một số bất cập như sau:
Theo quy định trước khi thảo luận, học viên phải chuẩn bị đề cương thảo luận và nộp lại cho khoa chủ quản môn học; nhưng trên thực tế việc chuẩn bị đề cương vẫn còn nhiều bất cập như chuẩn bị chưa chu đáo, còn mang tính hình thức, sao chép lẫn nhau ... Bên cạnh đó, trách nhiệm thảo luận của một số học viên chưa cao, thường ỷ lại vào ban cán sự lớp hoặc một số học viên lớn tuổi, nhiệt tình.
Khi lớp thảo luận hoạt động dưới sự giám sát của giáo viên, những thói quen xấu ít nhiều sẽ bị loại trừ. Tuy nhiên, đôi khi giảng viên của khoa đi công tác và không thể dự cùng với lớp thì những việc như: nói chuyện riêng, thiếu tập trung, đùn đẩy việc thảo luận cho một vài cá nhân... diễn ra khá thường xuyên; điều đó, ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng của buổi thảo luận. Ngoài ra, nếu lớp càng đông mà không không có giáo viên quản lý thì việc thảo luận càng trở nên hình thức.
Từ những bất cập trên, thiết nghĩ cần có một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng thảo luận như sau:
Thứ nhất: Để khắc phục tâm lý ỷ lại vào ban cán sự lớp, các thầy cô nên chỉ định học viên không phải là ban cán sự lớp hay ban cán sự tổ phát biểu, điều đó sẽ làm giảm tâm lý ỷ lại, buộc thành viên nào trong lớp cũng phải chú ý phát biểu.
Thứ hai: Không nên bố trí quá 3 lần thảo luận trong một môn học (nhiều lần quá chưa hẳn đã tốt vì chương trình phần học có hạn). Ở một góc độ nào đó, cũng không nên lạm dụng thảo luận vì sẽ gây nhàm chán nơi học viên.
Thứ ba: Nội dung thảo luận nên là những vấn đề mở (chưa có giải đáp trong giáo trình) thì mới gây được hứng thú cho học viên tìm tòi, đầu tư suy nghĩ... Không nên chọn những đề tài đã có lời giải sẵn trong giáo trình.
Thứ tư: Kết luận sau buổi thảo luận để neo chốt kiến thức, giải đáp thắc mắc, làm rõ những nội dung còn tranh luận là một việc làm mà thầy cô không nên bỏ qua.
Hoạt động thảo luận có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của học viên vì thảo luận sẽ phục vụ tốt cho công tác học tập của học viên nói riêng và công tác đào tạo của trường chính trị tỉnh nói chung. Thực hiện hoạt động này một cách nghiêm túc, sẽ giúp cho học viên hiểu sâu hơn kiến thức đã được học và vận dụng những kiến thức vào thực tiễn công tác; có như vậy việc học tập lý luận chính trị mới có ý nghĩa thiết thực./.