Tin mới nhất

Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Bình Thuận tròn 90 năm tuổi

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, từ khi thành lập đến nay, Đảng luôn khẳng định là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành vì lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng đã lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên XHCN, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(1).

Ra đời vào ngày 03/02/1930, tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chỉ trong vòng 15 năm, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành 3 cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945), để đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào ngày 02/9/1945.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, cách mạng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cùng một lúc phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "không có gì quý hơn độc lập, tự do"; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của kẻ thù, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975. Thắng lợi đó "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"(2).

Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì đất nước có một Đảng Cộng sản kiên cường, trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng.  

Tỉnh Bình Thuận tiếp thu đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ  năm 1930, khi đồng chí Dương Chước, đảng viên của chi bộ Hòn Khói, Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) đến làng Đại Nẫm, phủ Hàm Thuận (nay là xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết) và làng Phú Hội (nay là xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin cho thanh niên trong hai làng Đại Nẫm, Phú Hội. Sau một thời gian xây dựng, đồng chí kết nạp một số đảng viên mới: Nguyễn Tỵ, Phan Xích, Ngô Đức Tốn.

Đồng chí Ngô Đức Tốn, sau khi vào Đảng đã về làng Tam Tân tập hợp quần chúng yêu nước thành lập tổ chức “Phản đế đồng minh Hội”. Từ những hạt nhân của “Phản đế đồng minh Hội”, 06 quần chúng tốt đã được kết nạp vào Đảng là: Cao Có, Lê Chạy, Lê Thanh Lư, Hồ Vũ, Nguyễn Hữu Lợi, Nguyễn Gia Bát. Cuối năm 1930, tại dốc Ông Bằng ở làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi), cuộc họp thành lập chi bộ được tiến hành, gọi là Chi bộ Tam Tân, do đồng chí Ngô Đức Tốn làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Bình Thuận.

Cùng thời gian trên, đồng chí Hồ Quang Cảnh, một đảng viên cộng sản từ Sài Gòn về  móc nối với một đảng viên người xứ Nghệ cũng từ Sài Gòn về xây dựng phong trào cách mạng ở Bình Thuận. Sau một thời gian hoạt động dưới hình thức tổ chức Nông Hội, năm 1931, các đồng chí Nguyễn Tương, Nguyễn Gia Tú, Trần Hoành… được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Những đảng viên được kết nạp những năm đầu khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là những hạt nhân của việc hình thành, phát triển cơ sở Đảng, đảng viên ngày càng lớn mạnh và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược tại Bình Thuận. Tuy kẻ thù đàn áp tàn bạo, các đồng chí đảng viên và cơ sở đảng lần lượt sa vào cảnh tù đày, phong trào cách mạng luôn gặp khó khăn và tổn thất, nhưng phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ở Bình Thuận vẫn phát triển.

Cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, nhân dân Bình Thuận đã cùng nhân dân cả nước giành chính quyền về tay nhân dân. Tuy nhiên, khi Pháp xâm lược lần thứ hai, Bình Thuận tiếp tục rơi vào tay thực dân Pháp.

Khi thực dân Pháp bị thất bại bởi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng, Mỹ đã hất chân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam, nhân dân Bình Thuận tiếp tục cùng nhân dân cả nước nhất tề đứng lên chống đế quốc Mỹ cứu nước. Trong cuộc chiến đấu này, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận đã không quản hy sinh, gian khổ, nêu cao truyền thống “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt thắng lợi vẻ vang”, viết nên những trang sử hào hùng của quê hương, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975 tiến tới 30/4/1975). Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận bắt tay xây dựng quê hương với vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng luôn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cùng cả nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Trải qua 13 kỳ Đại hội, tính đến ngày 31/12/2019, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 477 tổ chức cơ sở Đảng và 36.607 đảng viên.

Nhìn chung thời gian qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã thực hiện đem lại nhiều thành tựu to lớn, đó là: Cùng với cả nước, tỉnh ta đã vượt qua không ít những khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chính trị tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; cơ sở vật chất và năng lực các ngành, các lĩnh vực được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội có những tiến bộ mới; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, mức sống nhân dân được nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ngày càng nâng cao hơn vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội... Đó là những kết quả tạo nền tảng cơ bản, quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh hơn trong thời gian đến(3).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bình Thuận, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nỗ lực phấn đấu, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Tiềm lực về KT – XH được khai thác và phát huy đã làm cho bộ mặt KT – XH không ngừng thay đổi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, GDP bình quân hàng năm tăng 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại. Thu hút đầu tư vượt chỉ tiêu đề ra. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, những biệu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác đối ngoại nhân dân có bước phát triển tích cực, góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh và vị thế của Bình Thuận không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn đối với bạn bè quốc tế./.


(1) Nguồn: baochinhphu.vn

(2) Bài nói chuyện của GS.TS. Hoàng Chí Bảo

(3) Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - những mốc lịch sử hình thành và phát triển Đảng bộ tỉnh Bình Thuận - Ban Tuyên giáo tỉnh ủy.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số