Tin mới nhất

Cảm tưởng qua chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa

Cùng với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và đầy ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930. Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận tổ chức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng của nhà trường về nguồn; chuyến đi nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, sự hy sinh gian khổ của thế hệ cha ông, sự ra đời của tổ chức Đảng cộng sản tại Dốc Ông Bằng ở Làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã LaGi).

Chuyến hành trình về nguồn đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi công chức, viên chức của nhà trường khi dừng chân tại Dốc Cây Cờ nghe đồng chí Trần Nhật Nghĩa - Phó Chủ tịch Cựu tù Chính trị (nguyên trưởng Khoa Dân vận - trường Chính trị tỉnh) kể về phong trào cách mạng của đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong những năm 1930 - 1931, từ tổ chức Phản đế đồng minh Hội, tiến tới việc thành lập Chi bộ Cộng sản tại Tam Tân. Làng Tam Tân là một vùng biển có nhiều hải sản, đất đai trù phú dưới thời kỳ thực dân phong kiến, đa phần người dân đều an phận với cảnh nghèo, suốt đời là bạn ghe, gặt mướn, ở trại…chịu sự bóc lột của chủ thuyền, hàm hộ, điền chủ. Khi hệ thống chính quyền phong kiến thực dân đã mở rộng thì sự quản lý, kiểm soát và sưu thế của chúng càng khắt khe hơn. Chính sách “ngu dân dễ trị” của thực dân phong kiến chỉ dành cho số ít người được đi học để biết chữ, còn lại trình độ dân trí lúc bấy giờ rất thấp. Năm 1928, Tân Việt cách mạng đảng, một tổ chức yêu nước từ các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ đã có những hoạt động tốt đến phong trào yêu nước tỉnh nhà. Trong đó các đồng chí Lê Trọng Mân, Trần Hữu Duyệt, Trần Hữu Chương…đứng ra gầy dựng các cơ sở hoạt động trong tỉnh. Đến năm 1930, phong trào cách mạng ở Bình Thuận mới thực sự tiếp nhận được đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Dương Chước (bí danh Trợ Châm) lúc đó là một đảng viên từ Khánh Hòa vào và xây dựng các tổ chức, tuyên truyền về chủ nghĩa Cộng sản cho một số Thanh niên ở Hàm Thuận và kết nạp vào đảng một số đảng viên mới, trong đó có đồng chí Ngô Đức Tốn.

Đồng chí Ngô Đức Tốn quê Hà Tĩnh nhưng ra Hà Nội sống với người bác ruột là Ngô Đức Kế, nhà trí thức tiến bộ, khi tiếp thu sự giáo dục giác ngộ cách mạng của người bác và ông đã hưởng ứng chủ trương “vô sản hóa” sau đó ông về phía Nam để thực hiện lý tưởng đấu tranh cách mạng. Ngô Đức Tốn vào làng Tam Tân dạy học, mỗi buổi lên lớp của thầy giáo Tốn đã những câu chuyện kể về lòng yêu nước, lên án sự tàn ác của giai cấp địa chủ bóc lột, bọn cường hào ác bá để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho tầng lớp lao động nghèo khổ, chủ thuyền, thầy thuốc, hương chước tiến bộ đều đồng tình hưởng ứng gia nhập vào tổ chức Phản đế Đồng minh Hội; lúc đầu thành lập có khoảng 30 hội viên với chủ trương: “đả thực bài phong”. Cuối năm 1930, thông qua tổ chức Hội Phản đế, Ngô Đức Tốn phát triển thêm một bước mới là kết nạp 06 đảng viên các ông Lê Thanh Lư, Lê Chạy, Hồ Vũ, Cao Có, Nguyễn Hữu Lợi, Nguyễn Gia Bát và thành lập Chi bộ đảng Cộng sản tại Tam Tân. Cuộc họp chi bộ Cộng sản đầu tiên diễn ra tại khu rừng cây cối rậm rạp dưới chân một đồi cát có tên dốc Ông Bằng, thuộc ngảnh Tam Tân; cuộc họp chi bộ thống nhất cử đồng chí Ngô Đức Tốn làm Bí thư.

Mùa hè năm 1931, đồng chí Ngô Đức Tốn đi dự lớp tu nghiệp sư phạm hàng năm tại Phan Thiết. Sau khi đi liên hệ một số cơ sở và mối kết thân cũ ở Đại Nẫm trở về nhà người bạn là Nguyễn Phú Dư ở Trinh Tường đột nhiên bị cơn đau dữ dội, được bạn đưa đến nhà thương Phan Thiết nhưng ngày hôm sau bệnh càng nặng và chết. Đám tang của đồng chí Ngô Đức Tốn được các đồng nghiệp giáo dục quyên góp lo liệu mai táng và chôn ở nghĩa địa Bia Đài (Phan Thiết). Cái chết bất ngờ của đồng chí Ngô Đức Tốn trong lúc hoạt động của chi bộ Tam Tân còn nhiều việc phải làm là một tổn thất lớn đối với tổ chức. Ngay sau đó chi bộ Tam Tân sớm ổn định và củng cố tổ chức quần chúng Phản đế Đồng minh Hội. Cuộc họp truy điệu bày tỏ sự thương tiếc đồng chí Ngô Đức Tốn tại nhà ông Lê Thanh Lư; sau đó, tiếp tục con đường đấu tranh cách mạng của Đảng và cử đồng chí Lư làm Bí thư chi bộ Tam Tân. Cùng thời gian này, Ngô Đình Diệm về nhậm chức Tuần Vũ tại Bình Thuận. Do vậy, với những âm mưu thủ đoạn vô cùng thâm độc nhằm triệt phá phong trào Cộng sản đang phát triển ở Bình Thuận, một số đảng viên, quần chúng bị bắt, nhiều người chưa có kinh nghiệm đối phó và chịu không nổi sự tra tấn dã man của địch nên đã khai báo và đầu hàng. Từ sự bể vỡ tổ chức ở Phan Thiết, Hàm Thuận dẫn đến tổ chức Hội phản đế Đồng minh cũng bị bại lộ và ảnh hưởng đến hoạt động của chi bộ Tam Tân. Đầu tháng 9/1931 lãnh binh Phan Gia Chung đưa linh khố xanh từ Phan Thiết vào Tam Tân bắt 35 người, phần đông là đảng viên Phản đế Đồng minh; các đảng viên chi bộ Tam Tân có Lê Thanh Lư, Lê Chạy, Hồ Vũ, Cao Có, Nguyễn Gia Bát, Nguyễn Hữu Lợi…bị bắt và giải giao về giam ở nhà lao Phan Thiết. Các đảng viên Lê Chạy, Lê Thanh Lư bị kết án 3 năm, không bị giam cầm trong nhà lao nhưng vẫn bị quản thúc tại địa phương và cùng các đồng chí khác. Lắng xuống một thời gian, tuy có những nỗ lực nối lại từ các tổ chức đảng ở Phan Thiết nhưng lực lượng quần chúng bị phân tán sau những đợt khủng bố của địch, nên việc củng cố hoạt động bất thành.

Tóm lại, phong trào cách mạng và sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản tại Tam Tân tuy ngắn ngủi nhưng có sự tác động lớn đối với một nơi mà tầng lớp lao động nghèo khó phải triền miên chịu đựng những bất công, áp bức của chế độ thực dân phong kiến; đồng thời đã đặt móng, xây nền cao phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ và về sau. Tuy sự kiện chi bộ Tam Tân và Hội Phản đế bị địch đánh phá nhưng cũng tạo ra tín hiệu mới làm thức tỉnh quần chúng để hướng tới cuộc đấu tranh đánh đổ thực dân phong kiến, giành lại độc lập tự do cho quê hương. Không những tại làng Tam Tân mà các làng lân cận Phong Điền, Hiệp Nghĩa, La Gi…đối với người dân có một nhận thức đấu tranh cách mạng rõ ràng và sự ngấm ngầm chuyển động. Rồi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm1945, nhân dân Tam Tân đã cùng nhân dân cả nước giành chính quyền về tay mình. Sau đó, thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, Bình Thuận tiếp tục rơi vào tay thực dân Pháp. Khi Mỹ hất chân Pháp xâm lược miềm Nam Việt Nam, nhân dân Bình Thuận nói chung và Tam Tân nói riêng tiếp tục cùng nhân dân cả nước đánh Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã không quản hy sinh, gian khổ, nêu cao truyền thống “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”, viết nên những trang sử hào hùng cùa quê hương, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận bắt tay xây dựng quê hương với vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng luôn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cùng cả nước từng bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xà hội đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Qua chuyến đi về nguồn bản thân có đôi điều suy ngẫm, những người cộng sản lúc bấy giờ chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, quyết chí bền gan đi theo con đường, lẽ sống mà mình đã chọn dù lắm chông gai thử thách... Động cơ, động lực của những hội viên, đảng viên lúc đó không gì khác hơn là chống áp bức bất công đánh đuổi quân xâm lược, sẵn sàng hiến dâng tất cả vì lòng yêu nước, thương dân và căm thù giặc. Ngày nay người đảng viên cộng sản Việt Nam phải chiến đấu trước kẻ thù, điều kiện, cám dỗ mới không hề đơn giản, đòi hỏi mỗi người đảng viên cộng sản trong thời kỳ mới phải có bản lĩnh, luôn tu dưỡng, rèn luyện không ngừng. Là giảng viên, bản thân cảm thấy rất tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của các anh hùng cách mạng của tỉnh nhà. Qua đó, sẽ cố gắng tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa về lịch sử tỉnh Bình Thuận để bổ sung kiến thức cho bản thân; mặt khác, với nhiệm vụ là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, sẽ cố gắng chuyển tải những nội dung được nghiên cứu đến với học viên một cách tốt nhất để mọi người có thể hiểu thêm về lịch sử đấu tranh của nhân dân Bình Thuận. Từ đó, mỗi người học nâng cao hơn nữa về nhận thức truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ đến sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để có hành động thiết thực trong sự nghiệp xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp và góp phần vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số