Tin mới nhất

Đôi điều xung quanh chiếc khẩu trang mùa dịch Covid-19

Chúng ta đang oằn mình chống lại đại dịch Covid-19. Tính đến 7h00 ngày 20/3/2020, thế giới có 10.015 người chết do virut corona với số ca nhiễm là 244.615 người. Tại Việt Nam có 85 ca nhiễm Covid-19 trên 15 tỉnh, thành phố;  trong đó có 17 ca đã được chữa khỏi. Ngoài ra, có 122 ca nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ, 41.918 trường hợp tiếp xúc với các ca nghi nhiễm, nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi (cách ly), trong đó có 34.443 người cách ly tại nhà. Riêng Bình Thuận, hiện có 09 ca nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh.

Thế giới đang trải qua những ngày dịch bệnh tồi tệ. Ngay cả các nước Châu Âu, vốn ban đầu xem thường căn bệnh này, cũng điêu đứng vì số người nhiễm và người chết gia tăng chóng mặt hàng ngày. Các quốc gia đang chạy đua tìm kiếm vacxin, thuốc điều trị. Trong tình hình đó, cách phòng, tránh dịch Covid-19 hữu hiệu, cơ bản nhất là đeo khẩu trang và vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Chính vì thế, trong những ngày đầu có thông tin về dịch bệnh, hai vũ khí lợi hại này nhanh chóng cháy hàng, đặc biệt là chiếc khẩu trang. Cũng từ đó, xung quanh chiếc khẩu trang nhỏ bé này, vật dụng thông thường, quen thuộc của người Việt Nam đã cho thấy nhiều điều cần suy ngẫm.

Thứ nhất: Sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của đồng bào ta.

Xã hội lên án những người lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá khẩu trang, thu gom, ghim hàng, làm giá gây rối loạn thị trường, làm cho nhân dân hoang mang. Các cơ quan chức năng đã xử lý một số trường hợp như vậy.

Nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Chúng ta đã thấy tình yêu thương, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của đồng bào ta trong thời gian qua. Những người thợ may dành thời gian để may khẩu trang tặng người nghèo, những điểm phát khẩu trang miễn phí bên đường, các bạn thanh niên chờ ở chốt đèn giao thông để phát và nhắc nhở mọi người việc đeo khẩu trang. Các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, đoàn thể chung tay đóng góp mua khẩu trang để hỗ trợ cho bà con không có điều kiện. Rồi cả việc các hội nhóm trên zalo, facebook cùng nhau mua chung để được giá rẻ, mua giúp nhau không lợi nhuận…Bỗng thấy ấm tình người trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Chiếc khẩu trang trở thành vật gắn kết mọi người với nhau: giúp nhau mua khẩu trang, tặng người lạ chiếc khẩu trang, nhắc đồng nghiệp đeo khẩu trang, hướng dẫn cho mọi người cách đeo khẩu trang. Sự tương trợ, cần thiết nương tựa vào nhau mà trước đây có lúc ta không thấy rõ.

Thứ hai: hiểu thêm về cách sử dụng khẩu trang - cũng là cách chia sẻ, thông cảm cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

Những ngày đầu, do chưa hiểu đúng nên mọi người ùn ùn đi mua khẩu trang y tế, vì cho rằng chỉ có khẩu trang y tế mới phòng tránh được virut corona. Do đó đã dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt hàng này, nguy hiểm hơn là việc các y, bác sỹ trực tiếp điều trị trong mùa dịch và bệnh nhân nhiễm Covid-19 không đủ khẩu trang y tế để dùng. Hiện nay, nhờ tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng, tránh dịch, trong đó có việc sử dụng khẩu trang đúng cách, nên nhiều người đã tự tin sử dụng khẩu trang vải, khẩu trang thông thường thay thế khẩu trang y tế. Đây cũng là sự thông cảm, chia sẻ, hợp tác với ngành y tế, với các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống, chữa trị căn bệnh này.

Thứ ba: phải xóa bỏ suy nghĩ, hành vi thiếu văn minh trong nhận thức về chiếc khẩu trang và người đeo khẩu trang.

Ở đây ta thấy rất rõ sự khác biệt giữa Việt Nam, một số quốc gia Châu Á, với các nước Châu Âu, Mỹ mà ta thường gọi là phương Tây về cách ứng xử với chiếc khẩu trang. Chính sự khác biệt này là một trong những nguyên nhân quan trọng đang làm cho dịch Covid-19 ở các nước Mỹ, Ý, Châu Âu bùng phát dữ dội và chưa có dấu hiệu bị kiềm chế. Vốn dĩ ở những đất nước thường tự hào cho mình là đại diện cho nền văn minh, tiến bộ của trái đất, tôn trọng nhân quyền rất kỳ thị đối với những người đeo khẩu trang. Với họ đó là những người bị mắc bệnh truyền nhiễm, chỉ những người bị bệnh mới phải đeo khẩu trang; và khi bạn đeo khẩu trang sẽ phải chịu cái nhìn soi mói, xa lánh thậm chí bị xua đuổi, bạo hành. Chính vì vậy, dù đang trong tâm dịch, đa số người đân ở đây vẫn không đeo khẩu trang. Đã có học sinh gốc Việt tại Mỹ bị đánh hội đồng vì đeo khẩu trang trong những ngày gần đây; hay các du học sinh của ta tại Đức, dù lo sợ dịch bệnh nhưng vẫn không dám đeo khẩu trang ở nơi công cộng vì sợ bị kỳ thị, bạo lực. Khi chiếc khẩu trang vẫn là điều xa lạ, đáng khinh bỉ thì covid-19 vẫn còn đất để hoành hành.

Những đề xuất

1. Thủ Tướng Chính phủ đã ra quy định từ ngày 16/3/2020 thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…. Như vậy việc đeo khẩu trang từ hành vi tự phát của mỗi người dân, đã được nâng lên thành hành vi có tính bắt buộc trong xã hội. Đây là quyết định đúng đắn và cần thiết trong lúc này. Quyết định này phải được thực hiện nghiêm túc, kể cả đối với người Việt Nam hay người nước ngoài khi đến Việt Nam. Phải kiên quyết không phục vụ, không tiếp đón đối với hành khách, khách hàng không tuân thủ quy định.

2. Mãi đến ngày 12/3/2020, Bộ Y tế mới ban hành Quyết định số 870/QĐ-BYT về hướng dẫn kỹ thuật khẩu trang vải phòng dịch tại cộng đồng; điều này cho thấy công tác phòng chống dịch bệnh của chúng ta vẫn còn những điểm hạn chế cần phải được rà soát bổ sung đầy đủ, kịp thời. Phương châm” Chống dịch như chống giặc” nhưng phải đợi ban hành hướng dẫn về kỹ thuật khẩu trang như vậy là chưa kịp thời. Những việc này nhất thiết phải có sẵn khi chưa có dịch. Và như vậy, hiện nay trên thị trường rất nhiều khẩu trang kháng khuẩn giả đang được bán với giá của hàng thật. Đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý thị trường phải vào cuộc kiểm soát kịp thời để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng đồng thời đảm bảo sức khỏe của nhân dân trong đợt dịch bệnh này./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số