Tin mới nhất

Mấy vấn đề góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XIV

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng Bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV được chuẩn bị một cách công phu, phản ánh khá toàn diện về các mặt làm được, những mặt còn hạn chế của nhiệm kỳ XIII (2015 - 2020) và đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ XIV (2020 - 2025). Bên cạnh cơ bản nhất trí với những vấn đề được đề cập trong dự thảo, chúng tôi có một số ý kiến đóng góp cụ thể như sau:

1. Phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020)

Việc đánh giá kết quả thực hiện NQ Đại hội XIII: “… đạt được nhiều kết quả tích cực, tương đối toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, tạo động lực để tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”. Theo quan điểm của chúng tôi, mức đánh giá như vậy là đúng, phù hợp với thực tế những gì đã đạt được ở địa phương trong nhiệm kỳ qua. Tuy vậy, cần bổ sung ở những điểm sau:

Về đánh giá những hạn chế, khuyết điểm: Ở trang 19; đánh giá: “Tình hình nhiều mặt của tỉnh phát triển còn chậm, chưa vững chắc, chưa tạo đột phá trong chất lượng tăng trưởng”.

Đánh giá như vậy là đúng nhưng chưa đầy đủ; cần bổ sung thêm cụm từ: “chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương”. Góp ý bổ sung vấn đề này là có cơ sở, bởi Bình Thuận có thế mạnh giàu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, cho nên hình thành 03 trung tâm Quốc gia (1) Trung tâm năng lượng, (2) Trung tâm du lịch - thể thao biển, (3) Trung tâm khai thác, chế biến sâu khoáng sản). Thế mạnh này không phải địa phương nào cũng có được như Bình Thuận.

Ở mục 2.7 (trang 13). Đánh giá  hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh. Nội dung này không thấy đề cập đến kết quả của cải cách hành chính (cả về mặt ưu cũng như hạn chế), trong khi đây là chủ trương lớn của trung ương và được lãnh đạo địa phương rất quan tâm; đồng thời sự cố gắng của các ngành, các cấp chính quyền địa phương Bình Thuận trong nhiệm kỳ qua.

Dự thảo chưa đánh giá cụ thể các chỉ tiêu về KT-XH cuả NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, có bao nhiêu chỉ tiêu được thực hiện hoàn thành, bao nhiêu chỉ tiêu chưa hoàn thành. Điều này rất cần thiết, bởi qua đó để biết được năng lực tổ chức thực hiện NQ XIII của BCH Đảng bộ cũng như các cấp, các ngành của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong nội dung dự thảo Văn kiện chỉ thấy đề cập 3 trụ cột: (1) Công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo; (2) Du lịch biển, dã ngoại; (3) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy vậy, không thấy đề cập đến 3 trung tâm của Quốc gia đã được xác định: (1) Trung tâm năng lượng, (2) Trung tâm du lịch - thể thao biển, (3) Trung tâm khai thác - chế biến sâu khoáng sản). Ba Trung tâm này là thế mạnh về tiềm năng tài nguyên thiên nhiên của tỉnh nhà, nhưng chưa được đề cập tới. Như vậy coi như chưa phát huy đúng lợi thế của tỉnh nhà. Hay phải chăng ba trụ cột đã thay thế cho 3 trung tâm?

Về các bài học kinh nghiệm (bốn bài học) còn mang tính phổ biến chung, chưa thể hiện tính đặc thù của Bình Thuận. Do đó đề nghị bổ sung thêm bài học kinh nghiệm: “Đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh và những mặt hạn chế về kinh tế - xã hội của địa phương. Nhạy bén trong nắm bắt thời cơ và nguy cơ đểcó giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm phát huy thế mạnh và thời cơ, đẩy lùi nguy cơ và khắc phục hạn chế”.

2. Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển 5 năm (2020-2025)

Phần những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: theo chúng tôi, còn thiếu giải pháp quan trọng cần phải bổ sung thêm, đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới”. Bổ sung nhiệm vụ, giải pháp này là rất cần thiết, bởi như điều Bác Hồ đã chỉ rõ “Cán bộ là cái gốc của công việc; mọi việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”; thế nhưng trong những nhiệm vụ, giải pháp chưa thấy đề cập đến vấn đề hết sức quan trọng này.

Tại mục 9 (trang 32) ở đoạn văn thứ 5 đề ra: “Thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.”. Đề ra ở mức độ như vậy là chưa đúng tầm với lĩnh vực khó khăn, phức tạp và nhạy cảm này. Hiện nay ở Bình Thuận vấn đề tiếp công dân, nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đang có xu hướng tăng (năm 2019, đã tiếp 7.176 lượt với 7.978 người, tăng 2.385 lượt so với năm 2018); đồng thời phản ánh chưa đầy đủ nội dung (chỉ mới đề cập giải quyết khiếu nại và tố cáo; còn thiếu phần kiến nghị, phản ánh của công dân). Do đó đề nghị điều chỉnh, bổ sung như sau: “Làm tốt công tác tiếp dân ở các cấp, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc để tránh xảy ra những điểm nóng”.

Ở mục 11.2 (trang 33) Về công tác xây dựng tổ chức cán bộ: Phần “Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ”. Nội dung này mới đề cập chủ yếu là “xây”, chưa đề cập về “phòng và chống” tiêu cực trong công tác cán bộ (xây và chống là 2 mặt tất yếu cần phải có trên các lĩnh vực). Chống tiêu cực trong lĩnh vực công tác cán bộ hiện nay đang được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt là Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hết sức quan tâm. Do đó chưa lúc nào BCH TW và Bộ Chính trị ban hành nhiều văn bản về quản lý cán bộ các cấp như hiện nay, trong đó hết sức nhấn mạnh chống tệ “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ” trong công tác cán bộ. Đây là vấn đề có thể xảy ra ở mọi cấp, mọi ngành, từ trung ương đến địa phương. Vì vậy cần bổ sung vào dự thảo Văn kiện: “Đấu tranh phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, kiên quyết chống tệ chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ trong công tác cán bộ”. Làm như vậy để lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ có chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin của nhân dân./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số