Tin mới nhất

Nâng cao chất lượng hoạt động thư viện nhà trường

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị, thư viện đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là đối với hoạt động giảng dạy. Thư viện là một bộ phận cơ sở vật chất thiết yếu, là cầu nối giữa thông tin và người sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học cũng như xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên và học viên. Đồng thời, nó còn tạo cơ sở để từng bước thay đổi phương pháp dạy và học, hình thành văn hóa đọc trong môi trường giáo dục và xã hội.

Trường chính trị tỉnh Bình Thuận là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cho tỉnh nhà. Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, học tập tại trường, để đảm bảo cho quá trình dạy học và các hoạt động nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả, trong thời gian qua Nhà trường luôn đẩy mạnh quan tâm và chú trọng đến việc trang bị cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết để phục vụ tốt cho hoạt động của thư viện cũng như xây dựng thói quen đọc sách cho cán bộ, công chức, viên chức. học viên, nhất là đội ngũ tham gia vào công tác giảng dạy và học viên.

 Hiện nay, tại thư viện được đầu tư rất nhiều nguồn sách, tài liệu, tư liệu có giá trị để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của đọc giả; hệ thống sổ sách theo dõi, quản lý việc mượn, trả tài liệu đã tổ chức khoa học hơn, ngày càng có nhiều nhiều giảng viên tìm đến thư viện để tìm kiếm những nguồn tư liệu cần thiết phục vụ cho hoạt động giảng dạy hay hoạt động nghiên cứu của mình… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, thư viện cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: trang thiết bị cơ sở vật chất, bàn ghế phục vụ còn thiếu thốn và ngày càng xuống cấp trầm trọng (do cơ sở mới đang được xây dựng, không sửa chữa, nâng cấp cơ sở cũ); nguồn sách, tài liệu, tư liệu chưa phong phú và chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người đọc; việc tra cứu tài liệu vẫn rất còn phổ thông, chưa cập nhật thông qua hệ thống mạng internet, sắp xếp giáo trình, tư liệu còn lộn xộn nên dẫn đến khó khăn cho việc tìm kiếm tư liệu; số lượng học viên và giảng viên đến đọc và tìm hiều nguồn tư liệu vẫn còn rất hạn chế. Chủ yếu là giảng viên và chỉ khi nào cần thì họ mới tìm đến; công tác vệ sinh và bảo quản nguồn tài liệu vẫn chưa được chú trọng…

Trước thực trạng nêu trên, bản thân thiết nghĩ, để hoạt động của thư viện trong thời gian tới hoạt động hiệu quả hơn, cần phải lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường cơ sở vật chất cho thư viện

Hiện nay, không chỉ ở thư viện mà hầu như toàn bộ cơ sở vật chất ở trường đều bị xuống cấp trầm trọng. Nhà trường phải sử dụng một phòng để làm thư viện, do phòng nhỏ, bàn ghế không đủ nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, trong thời gian tới, tại cơ sở mới, trường cần đầu tư thỏa đáng cho thư viện được rộng rãi, thoáng mát, đầu tư bàn ghế, máy tính nhằm đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho người đọc. Đặc biệt, cần phải hướng tới đầu tư xây dựng mạng lưới thông tin và tra cứu tài liệu điện tử hiện đại để dễ dàng cho việc tra cứu tư liệu cũng như công tác bảo quản, quản lý được tốt hơn.

Thứ hai, đầu tư, bổ sung thêm nhiều nguồn tài liệu, sách tham khảo…

Trong nhiều năm qua, thư viện nhà trường cũng rất quan tâm đến việc bổ sung các nguồn sách, tư liệu khác nhau làm phong phú thêm nguồn tư liệu phụ vụ cho người đọc, nhưng thực chất không nhiều, nguồn sách chưa chưa đa dạng nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Mặt khác, phần lớn tài liệu cũng đã cũ nên số liệu không đủ và ít mang tính thời sự. Nhà trường cần bổ sung và cập nhật kịp thời các tài liệu mới, nhất là những tư liệu phục vụ cho các chuyên ngành.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý thư viện

Thực tế, công tác quản lý thư viện hiện nay của trường còn rất nhiều hạn chế. Cách sắp xếp tư liệu không khoa học, còn mang tính thủ công nên khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin. Người làm công tác thư viện không được đào tạo về chuyên môn. Công tác bảo quản, lưu trữ những đầu sách quan trọng cũng như việc giữ gìn vệ sinh vẫn chưa được chú trọng.

Trong thời gian tới, Nhà trường cần phải tổ chức sắp xếp lại nguồn tư liệu cho hợp lý, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý thư viện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác thư viện. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý thư viện cần tăng cường công tác kiểm tra, bảo quản các đầu sách khi có người mượn, ghi chép đầy đủ, cần có biện pháp nhắc nhở và quy định cụ thể thời gian mượn, trả sách để tránh thất lạc tài liệu cũng như thuận tiện cho người mượn sau.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức đọc sách trong nhà trường và học viên

Hiện nay độc giả của thư viện chủ yếu là giảng viên, học viên. Nhưng nhìn chung số lượt đến thư viện tìm kiếm tư liệu còn ít, một phần vì tư liệu không đủ, một phần là do nhu cầu văn hóa đọc hiện nay vẫn chưa cao. Có nhiều học viên đến học, thậm chí họ cũng chẳng biết có thư viện hay thư viện nằm ở vị trí nào. Vì vậy, những người làm công tác thư viện và các phòng, khoa có chức năng liên quan cần lên kế hoạch tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức văn hóa đọc cho người đọc, giới thiệu các loại sách, tài liệu mới cho học viên thông qua các hình thức khác nhau như trang web, các buổi khai giảng lớp học…

Tóm lại, thư viện có vai trò rất quan trọng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động thư viện là một việc làm hết sức cần thiết, đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu, sự phối hợp giữa các phòng khoa, sự cố gắng của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên và cả tâm huyết của người làm công tác thư viện. Có như vậy, chất lượng hoạt động của thư viện trong thời gian tới mới được nâng cao và sẽ đáp ứng được nhu cầu của người đọc nói riêng và của Nhà trường nói chung./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số