Tin mới nhất

Một số giải pháp nhằm tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn Bình Thuận hiện nay

Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là cầu nối giữa hệ thống chính trị ở cơ sở với nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện và vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương.

Trên địa bàn Bình Thuận hiện nay có 124 xã, phường, thị trấn, với đội ngũ cán bộ, công chức là 3029 người và những người không chuyên trách là 2573 người. Do đó chuẩn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ những người công tác trong hệ thống chính trị nói chung và ở chính quyền ở cấp xã ở địa phương Bình Thuận là vấn đề hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới.

Chuẩn hóa  đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là làm cho cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà pháp luật đã quy định. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói riêng. Luật cán bộ, công chức 2008 đã có riêng một chương (Chương V) quy định về cán bộ, công chức cấp xã, và Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định quy định về công tác thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức cấp xã, như: Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;  đồng thời Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều Thông tư quy định tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, gần đây nhất là sự ra đời của Thông tư số 13/2019/TT-BNV về hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được ban hành ngày 06/11/2019 thay thế cho Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, chính quyền cấp xã phải coi đó là những chuẩn mực trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tại địa phương mình.

Tại Điều 3, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn quy định tiêu chuẩn chung của công chức cấp xã đó là: Hiểu biết về lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Có năng lực tổ chức vận động nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Có trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, có đủ năng lực và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; Am hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư trên địa bàn công tác.

Tại Điều 1, Thông tư 13/2019/TT-BNV quy định công chức cấp xã phải có đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 3, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn và các tiêu chuẩn cụ thể như sau: Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên; Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông; Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại các xã: miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Trình độ tin học: Được cấp chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và truyền thông.

Như vậy, việc tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải căn cứ theo những quy định của pháp luật, trong đó về tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn cụ thể cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Để thực hiện được hiệu quả, cần xây dựng những giải pháp phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, trình độ và năng lực theo quy định, trong đó cần chú trọng một vài giải pháp như sau:

Thứ nhất, về phẩm chất chính trị tư tưởng

Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể trong công tác giáo dục nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.  Ngoài ra, cán bộ, công chức phải là người gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, về phẩm chất đạo đức, lối sống

Để đạt được tiêu chuẩn theo quy định thì cán bộ công chức cấp xã cần phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng cho mình đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị, gần gũi với nhân dân. Tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về đạo đức, lối sống. Rèn luyện bản lĩnh, kiên quyết và kiên trì trong cuộc đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu, rèn luyện lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với nhân dân.

Uỷ ban nhân dân cấp xã cần phải xây dựng và hoàn thiện quy chế công vụ dựa theo quy định về tiêu chuẩn quy định cho từng loại, từng chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể hóa những giá trị đạo đức như cần, kiệm, liêm chính,… thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi công vụ.

Thứ ba, về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước

Căn cứ tiêu chuẩn của công chức cấp xã quy định tại Khoản 1, Điều 1, Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã trong từng kỳ tuyển dụng; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ).

Đối với quy định công chức cấp xã phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt nghiệp đại học trở lên, căn cứ các quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố  và Thông tư số 13/2019/TT-BNV về hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thực hiện việc quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thực hiện các chế độ, chính sách hoặc thực hiện tinh giản biên chế.

Đối với công chức đã tuyển dụng trước khi Thông tư 13/2019/TT-BNV có hiệu lực thi hành mà chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định thì trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ theo quy định. Do đó, lãnh đạo UBND cấp xã cần phải tích cực quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức được học tập, nâng cao trình độ đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Ngoài ra, cũng cần chú trọng hơn nữa đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trưởng các tổ chức đoàn thể.

Tóm lại, chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động cải cách hành chính trên cả nước nói chung và tại tỉnh Bình Thuận nói riêng. Chính vì thế đòi hỏi sự nổ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt đối với chính quyền cấp xã cần chủ động triển khai thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số