Tin mới nhất

Một số ứng dụng công nghệ thông tin góp phần tích cực trong phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 tại Việt Nam

Dịch bệnh COVID -19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra) đến nay đã lan ra 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người và sự an toàn, phát triển của mỗi quốc gia. Đại dịch đã làm thế giới chao đảo bởi mức độ nguy hiểm của nó. Tính đến thời điểm hiện tại (6 giờ ngày 13/4/2020,) số ca mắc bệnh COVID - 19 gây ra trên toàn cầu đã lên tới 1.851.480 trường hợp (Việt Nam 262 trường hợp), trong đó 114.171 ca tử vong. Với số liệu trên cho thấy thế giới hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế, xã hội, kinh tế chưa từng có tiền lệ và buộc phải áp dụng các biện pháp đặc biệt. 

Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại bước vào “cuộc chiến đấu trong thời bình”. Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID -19  với tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động là “Chống dịch như chống giặc”. Để phòng, chống được “kẻ thù vô hình” này, chúng ta đã thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Trước hết, có thể nói đến ứng dụng NCOVI được Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị toàn dân sử dụng để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch một cách chủ động bắt đầu từ ngày 10/3. Đây cũng là kênh chính thức để cơ quan nhà nước gửi các khuyến cáo tới người dân về tình hình dịch bệnh. Ứng dụng NCOVI giúp người dân chủ động khai báo thông tin sức khỏe của bản thân và gia đình mọi lúc, mọi nơi; nhanh chóng gửi phản ánh thông tin dịch bệnh, đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh xung quanh khu vực mình sinh sống; cập nhật thống kê thông tin dịch bệnh nhanh chóng, chính thức từ Bộ Y tế; nhận được khuyến cáo, hướng dẫn phòng tránh dịch bệnh một cách hiệu quả, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Cùng chung tay với ngành Y tế để phòng chống dịch bệnh, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp cùng Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp viễn thông gửi nhiều thông điệp tới người dân cả nước, như nhắn tin tới tất cả thuê bao di động trên toàn quốc để truyền tải các thông điệp: “Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết” ; “Nếu buộc phải ra ngoài luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m”; “Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn”; “Vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa”; “Lau rửa thường xuyên các bề mặt, các điểm hay tiếp xúc”; “Cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế”… hay nội dung âm báo từ các cuộc gọi với thông điệp “Bộ Y tế đề nghị mọi người dân không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết”. Điều này thể hiện sự đoàn kết, chung tay của các doanh nghiệp viễn thông, với mong muốn mỗi người dân khi sử dụng điện thoại sẽ cân nhắc sự cần thiết khi ra khỏi nhà, góp phần cùng cả xã hội trong phòng, chống dịch bệnh.

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID -19. Để hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc trực tiếp, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và đáp ứng yêu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Cán bộ, công chức, viên chức cả nước thực hiện các nhiệm vụ công sở tại nhà. Lãnh đạo các cơ quan sử dụng các phần mềm hội nghị trực tuyến để chỉ đạo, hội họp, giao ban…với cán bộ, công chức toàn cơ quan. Học sinh, sinh viên được học tập tại nhà thông qua trực tuyến đảm bảo cung cấp đủ những kiến thức cơ bản trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó thanh toán trực tuyến cũng được đẩy mạnh như thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh…

Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội, các cá nhân, tổ chức, nhóm thực hiện các sản phẩm tuyên truyền, các clip ngắn, đơn giản, dễ hiểu về cách thức phòng, chống dịch COVID-19 như clip “Ghen Cô Vy” và “Vũ điệu rửa tay” đăng trên Youtube, Facebook… gửi đi những thông điệp tích cực không chỉ tại Việt Nam mà còn có lan tỏa  đến các nước trên thế giới về việc phòng, chống đại dịch. Hay trên trang fanpage “Covid -19 updated information for foreigners in Vietnam” đã liên tục cập nhật các thông tin về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID -19 tại Việt Nam bằng tiếng Anh. Thông tin được dịch từ các nguồn chính thống như fanpage Thời sự VTV, Thông tin Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam. Sự sáng tạo này giúp người nước ngoài tại Việt nam có thể nắm bắt kịp thời các thông tin chính xác về dịch bệnh COVID-19 để phòng, chống bệnh tốt hơn.  Với mong muốn lan toả thông điệp “Ở nhà là yêu nước, ở nhà là chung tay cùng cả nước chống dịch”, trào lưu ghép tên ủng hộ ở nhà là yêu nước được người dùng mạng xã hội không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp, vùng miền… tham gia để thể hiện tinh thần tích cực phòng, chống COVID- 19 của mình đến với cộng đồng dù là đang ở nhà.

Việc kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, giáo dục truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động trên đã đem lại những kết quả rõ rệt. Những phương thức tuyên truyền sáng tạo này là một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID - 19. Tin tưởng rằng, sự chung tay đoàn kết với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID -19./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số