Tin mới nhất

Giảp pháp cho doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đã lan rộng tới hầu khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ, trở thành đại dịch toàn cầu và có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và doanh nghiệp. Việt Nam đang ở giai đoạn căng thẳng trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Hơn hai tháng chống chọi với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản nếu không tìm ra hướng đi phù hợp.

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của COVID-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu COVID-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.

Thách thức và nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thị trường hàng hóa ngưng trệ, không bán được hàng, không có doanh thu, không trả nợ được ngân hàng, buộc phải cho lao động nghỉ việc, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, các giải pháp mà các doanh nghiệp sử dụng hiện nay chỉ mang tính ứng phó, giảm thiểu khó khăn trong ngắn hạn như cắt giảm lao động (gần 39%), cắt giảm chi phí (21%), tạm dừng kinh doanh (4%) và cho nhân viên nghỉ không lương (khoảng 4%). Đáng chú ý có khoảng 19% số doanh nghiệp trả lời khảo sát hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Hầu hết vẫn chưa có những giải pháp mang tính chiến lược, dài hạn. Để doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ chính các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước.

Vể phía Nhà nước, bên cạnh mục tiêu phòng, chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, giữ tốc độ tăng trưởng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Tờ trình số 47/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.  Bộ Tài chính cũng đề nghị để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp với số tiền hơn 61.600 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 11.100 tỷ đồng; thuế của nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là hơn 3.000 tỷ đồng; tiền thuế thuê đất hơn 4.500 tỷ đồng. Tổng số tiền gia hạn nộp thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính là 80.200 tỷ đồng.

Ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Việt Nam đã chuẩn bị các gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Đó là, gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Ngoài ra, số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng cần giải ngân hết trong năm nay.

Về phía doanh nghiêp, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp như: thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp; thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp; sử dụng các công cụ quản lý doanh nghiệp hiện đại; tìm hướng đi mới, thay đổi cách thức marketing và bán hàng; chú trọng khai thác thị trường nội địa với gần 100 triệu dân; thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí; đào tạo và đào tạo lại nhân viên. Điều quan trọng là khi thực hiện các giải pháp này, doanh nghiệp phải kiên quyết, chủ động, thực hiện đồng bộ, nhanh chóng để sớm khắc phục những khó khăn, duy trì hoạt động và phát triển.

Tóm lại, với các giải pháp mạnh, cụ thể, hiệu quả từ Chính phủ và sự quyết tâm, nỗ lực từ các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể tin rằng, doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua những thử thách, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo nên cú hích lớn thúc đẩy tăng trưởng, vực dậy nền kinh tế của nước nhà./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số