Anh sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Thanh Hóa. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nên gia đình anh phải vào Nam lập nghiệp. Đất Bình Thuận là nơi dừng chân để sinh sống. Từ đó anh xem Bình Thuận như quê hương thứ hai của mình. Anh kể Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) lúc đó rất khó khăn, thiếu thốn đủ đường, vừa đi học vừa phải phụ giúp gia đình để có củ khoai, củ sắn qua ngày. Sau khi học xong lớp 12, cuộc sống của gia đình anh cũng không khá hơn là mấy cho nên anh đành phải gác lại việc học để phụ giúp gia đình, nhìn bạn bè cùng trang lứa vào đại học anh thấy trong lòng buồn lắm nhưng hoàn cảnh gia đình như thế nên đành chịu. Từ đó, anh bắt đầu bươn chải làm đủ thứ nghề từ thợ hồ cho đến làm vàng mã để kiếm sống. Anh tự nhủ bây giờ còn sức khỏe thì còn làm thợ hồ được, mai mốt lớn tuổi thì sức đâu mà làm nổi, nên trong thâm tâm anh lúc nào cũng nung nấu quyết tâm chuyển đổi việc khác phù hợp với sức khỏe và vươn lên vượt qua đói nghèo.
Trong thời gian làm thợ hồ anh đã đi nhiều nơi nên cũng tham quan được nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Đến năm 2015, sau nhiều đêm trăn trở, anh bàn với gia đình đầu tư nuôi gà thả vườn trên diện tích hơn 1000m2 đất của gia đình. Nguồn vốn tích góp bấy lâu nay ít nên anh chỉ đầu tư nuôi hơn trăm con gà ta và sau khi bán đã có lãi chút ít. Thấy việc nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả mà lại ít nặng nhọc hơn việc đi làm thợ hồ. Nên anh vay mượn thêm bạn bè quyết định đầu tư mở rộng thêm chuồng trại và số lượng đàn gà tăng lên vài trăm con. Nhờ chăm sóc chu đáo nên đàn gà lớn rất nhanh, mới hai tháng mà có con đã hơn 1 kg. Anh nghĩ chẳng mấy chốc mà xuất chuồng được nhưng mọi việc không như anh nghĩ. Vẫn như thường lệ, sáng anh ra cho gà ăn thì thấy vài con buồn buồn có triệu chứng bỏ ăn và đến chiều thì lăn ra chết, anh thấy kỳ lạ và không hiểu nguyên nhân. Chuyện không dừng lại ở đó, số gà chết ngày một tăng với triệu chứng như nhau. Chẳng mấy chốc nhìn lại đàn gà mấy trăm con giờ còn mấy chục con, anh thật sự hoang mang, bao nhiêu công sức phút chốc tan thành mây khói. Anh chạy đôn chạy đáo tìm cách cứu chữa, nào là hỏi các kỹ sư nông học, tra tài liệu trên mạng, nhưng một triệu chứng có rất nhiều nguyên nhân mà anh lại không xác định được nguyên nhân chính của nó. Sau này anh mới biết đàn gà chết do mắc bệnh Mares, để phòng bệnh này thì lúc gà mới nở phải phun thuốc diệt khuẩn đặc chủng trực tiếp lên gà con.
Sau thất bại đó, anh vẫn không nản chí và bắt đầu tìm tòi nghiên cứu sâu hơn về các loại bệnh mà gà hay mắc phải qua các thời kỳ sinh trưởng để tìm cách chữa trị. Bên cạnh đó, anh đã gặp gỡ các bác sĩ thú y, các kỹ sư nông học, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông để tìm hiểu thêm, nhưng thất bại vẫn đeo bám. Trong quá trình chăm sóc, anh đã tuân thủ các quy trình nhưng vẫn không giử được đàn gà; hay là có sai sót gì trong khâu chọn giống vì giống gà đang nuôi là giống không rõ nguồn gốc cho nên chưa được khử khuẩn, tiêm phòng lúc mới nở. Anh bắt đầu nghiên cứu tìm kiếm các cơ sở cung cấp con giống ở trong, ngoài tỉnh và được một người quen giới thiệu “thử dùng con giống của Công ty TNHH Phong Dầu Sơn ở tỉnh Khánh Hòa xem sao”. Như “con chim sợ cành cong” anh không dám đầu tư lớn mà chỉ dám mua 100 con nuôi thử, mà cũng không còn vốn để đầu tư nhiều. Nếu lần này mà không thành chắc không bao giờ nuôi gà nữa.
Như đã thử đủ lòng kiên nhẫn ở anh lần này đã thành công. Lấy lại được sự tự tin, anh vay ngân hàng để sửa sang lại chuồng trại và mua 500 con giống của Công ty TNHH Phong Dầu Sơn để tiếp tục nuôi. Sau khi nuôi thành công hai lứa liên tiếp, anh nghiệm ra rằng chọn con giống ở những công ty có uy tín sẽ bảo đảm hơn, tuy rằng giá hơi cao hơn so với các con giống trôi nổi trên thị trường, nhưng bù lại hao hụt trong quá trình nuôi gần như 0%.
Từ thành công bước đầu, năm 2016, anh Dũng đã mở rộng quy mô đàn gà lên 1500 con. Mặc dù đã “quen tính quen nết” con gà Khánh Hòa như lời anh nói, nhưng anh vẫn tích cực tham gia các nhóm chăn nuôi gia cầm trên mạng xã hội để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên. Hỏi về kỹ thuật chăn nuôi gà, anh nhiệt tình cho biết: yêu cầu đầu tiên là chọn giống chuẩn, sạch bệnh; chuồng trại cần thông thoáng, đủ ánh sáng, mát vào mùa hè, khô ráo vào mùa mưa. Để gà sinh trưởng tốt, ít mắc dịch bệnh, người nuôi cần tiêm ngừa vắc xin, nhỏ thuốc mắt, mũi và loại bỏ hoặc cách ly những con gà bệnh, tránh lây chéo trong đàn. Ngoài ra, người nuôi gà cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng... Khi gà còn nhỏ thì cho gà ăn cám công nghiệp để gà mau lớn nhằm tăng khả năng chống chịu với thời tiết và dịch bệnh; khi gà có trọng lượng từ 0,4 kg/con trở lên thì cho gà ăn các loại ngô, thóc, rau cỏ, giun quế... để gà mau lớn và có chất lượng thịt thơm ngon. Các loại thức ăn này, gia đình vừa tự túc vừa mua thêm ở bên ngoài. Trong nuôi gà, gia đình thường nuôi gối đầu để đảm bảo vừa có gà đang tuổi lớn và vừa có gà đến tuổi xuất bán.
Qua vài năm, anh đã trả hết nợ và có một số vốn kha khá. Anh đưa gia đình về định cư tại Phường Phú Trinh từ năm 2017. Tại Hàm Liêm, anh cũng đã cải tạo nhà cũ trở thành nhà nuôi chim yến. Bên cạnh diện tích chuồng trại nuôi gà, hiện nay anh đã có 3500m2 đất nông nghiệp để trồng các loại cây như: mãng cầu ta, ổi, đu đủ… Hỏi về thu nhập của gia đình, anh cho biết sau khi trừ các chi phí còn lại khoảng 20 đến 30 triệu đồng/tháng tùy vào từng thời điểm.
Anh cho biết, với niềm đam mê về nông nghiệp trong thời gian tới đây gia đình anh dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích, quy mô trồng nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt hướng đến cây trồng có thể cung cấp ra thị trường quanh năm, mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh còn cho biết thêm, hiện nay anh đang mở rộng dịch vụ cung cấp tổ yến thô, gà làm sẵn đến tận tay khách hàng trên địa bàn thành phố Phan Thiết.
Qua những kết quả đạt được nêu trên, từ 2 bàn tay trắng giờ anh đã có được cơ ngơi mà nhiều người nông dân mơ ước; anh là một trong những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên, xứng đáng để mọi người học tập và noi theo. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và với ý thức của một công dân ở địa phương, anh Nguyễn Duy Dũng còn thường xuyên tham gia tích cực các hoạt động xã hội, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất cho bà con. Tuy nhiên, anh cho biết, hiện nay anh vẫn chưa là hội viên Hội Nông dân, vì cũng chưa thấy Hội vận động. Hy vọng rằng, trong thời gian đến, Hội Nông dân địa phương cần vận động những người sản xuất giỏi như anh vào Hội. Qua đó, dựa vào tổ chức Hội để anh tiếp tục có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp nhiều hộ nông dân khác về kinh nghiệm sản xuất của mình. Hy vọng rằng, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó như anh Nguyễn Duy Dũng trên quê hương Bình Thuận để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vừa làm giàu bản thân gia đình, vừa góp phần cùng với địa phương, đất nước phát triển kinh tế - xã hội./.