Tin mới nhất

Đổi thay trên quê hương Bình Thuận

45 năm với chiến thắng 19/4/1975 - 19/4/2020, giải phóng thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã đi vào lịch sử dân tộc ta và Nhân dân tỉnh Bình Thuận như một mốc son chói lọi, làm thay đổi cục diện và tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nếu như trong kháng chiến, Bình Thuận được biết đến là một mảnh đất kiên trung của miền cực Nam Trung Bộ với những chiến công oanh liệt, tô thắm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc thì 45 năm sau ngày giải phóng, Bình Thuận được biết đến với một vùng đất đang “trỗi dậy” hướng tới trở thành Trung tâm năng lượng, là điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Nhớ về những ngày sau ngày đất nước thống nhất, mảnh đất Bình Thuận phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức mà chiến tranh để lại. Thiếu thốn muôn vàn, thiếu điện, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, hạn hán liên tiếp xảy ra đã làm cho đời sống người dân của Bình Thuận phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Song, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khắc phục khó khăn, phấn đấu đi lên. Nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa... đã được đầu tư xây dựng. Nhất là những năm gần đây, khi chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận, chung sức của nhân dân, kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất của người dân được đầu tư, tạo bước đột phá ở vùng nông thôn của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã từng bước hình thành một số vùng chuyên cây trồng có lợi thế kết hợp với liên kết chuỗi sản xuất, đặc biệt là cây thanh long và cây lúa...

Không chỉ những người nhiều năm trở lại mới bỡ ngỡ trước sự thay đổi của Bình Thuận, mà cả người dân sinh sống trên địa bàn cũng cảm nhận rõ sự “chuyển mình” của tỉnh. Từ thành thị đến nông thôn ngày càng hiện đại, khang trang, mang lại cuộc sống ấm no cho mọi nhà.

Liên tục nhiều năm kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm nội địa) năm 2019 của Bình Thuận tăng 11,09%, đạt mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 đến nay. Quy mô tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh (GRDP theo giá hiện hành) của tỉnh tăng liên tục qua các năm (từ 45.433 tỷ đồng năm 2015 lên 84.044,5 tỷ đồng năm 2020); kinh tế tăng trưởng khá (trong 5 năm 2016 - 2020, GRDP tăng bình quân hàng năm là 8,30%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (tăng 6,86%/năm); chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp được cải thiện (Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 20185,98% (thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 tăng 4,93%/năm; mục tiêu giai đoạn 2016 -2020 tăng 5,5%/năm). Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2018 là  32,48% (thực hiện giai đoạn 2011 - 201529,6%; mục tiêu giai đoạn  2016 - 2020 chiếm khoảng 30 -35%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong giá trị tăng thêm (VA) tăng từ 65,48% (năm 2015) lên  67,09% (năm 2018); nông - lâm - thủy sản giảm từ 38,33% (năm 2015) xuống còn 28,72% (năm 2020). Cơ cấu lại các ngành kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; các ngành kinh tế phát triển đồng đều, một số tiềm năng lợi thế của tỉnh tận dụng và khai thác ngày càng tốt hơn. Thu ngân sách Nhà nước năm 2019 đạt trên 13.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 9.400 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, năm 2019 đạt trên 44 triệu đồng/năm.

Từ khi Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2020; đã đạt được nhiều kết quả: huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 61.180 tỷ đồng, chiếm 35,47% GRDP (bao gồm: nguồn đầu tư của bộ, ngành và địa phương là 11.662 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 19%), vốn tín dụng 488 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ  0,8%), vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 44.897 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 73,4%), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.133 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ  6,8%); ước 5 năm 2016 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội huy động đạt 132.180 tỷ đồng, chiếm 38,87% GRDP... Tiếp tục thi công, khởi công mới nhiều công trình thủy lợi, các công trình đê, kè bảo vệ bờ biển, các khu tránh trú bão cho tàu cá. Đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa một số tuyến đường quan trọng; Cảng quốc tế Vĩnh Tân, Cảng vận tải Phan Thiết. Tháng 4/2019, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã khánh thành Bến cảng 50.000 DWT, góp phần nâng cao năng lực giao thông vận tải, giảm chi phí vận chuyển thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tạo động lực thu hút đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm cho tỉnh Bình Thuận. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thi công hoàn thành dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh.

Công tác hợp tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách. Tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị Xúc tiến đầu tư (năm 2017 và năm 2019), bước đầu đã thu hút một số dự án du lịch quy mô lớn đăng ký đầu tư vào khu vực Hòa Thắng - Hòa Phú, khu vực hai bên đường ĐT.706B và các dự án điện mặt trời, nông nghiệp công nghệ cao. Trong 4 năm (2016 - 2019), toàn tỉnh đã thu hút 436 dự án với tổng vốn đầu tư 130.259 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 1.545 dự án với tổng vốn đầu tư 315.460 tỷ đồng. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, đã có thêm 71 dự án khởi công xây dựng và 185 dự án đi vào hoạt động.

Cùng với đó, Bình Thuận tập trung khai thác thế mạnh và đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Sau gần 25 năm hình thành và phát triển, du lịch Mũi Né - Bình Thuận đã khẳng định là một thương hiệu “Du lịch biển” hấp dẫn của quốc gia, là lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế.

Một dấu ấn đậm nét trong quá trình xây dựng Nông thôn mới ở Bình Thuận là sự đồng lòng, chung sức của người dân với cấp ủy, chính quyền. nhờ đó, kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn ngày càng đồng bộ, góp phần giúp sản xuất nông nghiệp hình thành các vùng chuyên canh có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị cao.

Công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo gia đình chính sách, những người có công với đất nước được Đảng bộ và chính quyền đặc biệt quan tâm, mức sống các gia đình chính sách cơ bản ổn định, nhiều gia đình đã phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn trong những năm qua luôn được tỉnh quan tâm. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đa số có trình độ năng lực cao, có phẩm chất đạo đức tốt. Họ luôn năng động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến tham mưu cho tỉnh để đề ra những chủ trương, chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Bộ máy chính quyền được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. An ninh, quốc phóng được giữ vững.

45 năm qua, Bình Thuận đã “thay da đổi thịt”, vươn mình phát triển đầy ấn tượng; xứng đáng với truyền thống yêu nước vẻ vang của vùng đất kiên cường, để không phụ lòng đồng chí, đồng bào đã ngã xuống, Đảng bộ cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc./.


Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ Bình Thuận lần thứ XIII

2. Dự thảo Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ Bình Thuận lần thứ XIV

3. Số liệu do Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận cung cấp.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số