Tin mới nhất

Những nghĩa cử cao đẹp ấm áp tình người trong mùa dịch COVID-19

“Lá lành đùm lá rách” là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa tới nay và nó đang được thể hiện trong thời điểm khó khăn khi cả nước phải gồng mình để đối phó với dịch bệnh COVID-19. Những nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân trong cả nước như: tặng, phát đồ ăn thức uống, dụng cụ phòng dịch miễn phí cho người có thu nhập thấp và người nghèo. Đó là những việc làm ý nghĩa rất đáng trân trọng và cần được nhân lên trong xã hội.

Dịch bệnh này bắt đầu xuất hiện từ tháng 12/2019, với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận là thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung, Trung Quốc; đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến chiều ngày 16/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 2.090.920 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 135.227 người. Tại Việt Nam, tính đến hôm nay, cả nước ghi nhận 268 ca nhiễm COVID-19; trong đó có 171 ca điều trị khỏi, số ca còn lại đang được điều trị tại 15 cơ sở y tế trên toàn quốc.

Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển và Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời. Theo đó, Chính phủ đã khởi động một loạt các sáng kiến để ngăn chặn virus lây lan. Ngay từ ngày 01/02/2020, đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc; đóng cửa các trường học sau khi nghỉ Tết Nguyên đán. Sau đó, cả nước bước vào “giai đoạn 2”, khi chuyến bay VN0054, mang hơn 10 du khách có virus vào Việt Nam, khiến hàng nghìn người bị đặt trong tình trạng cách ly. Chính quyền một lần nữa kêu gọi toàn dân cộng tác để chống dịch. Đến ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Đây là thời điểm vàng để cả nước dập dịch; yêu cầu của Chỉ thị “Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết”.

Đồng hành cùng Chính phủ, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, sản xuất dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc làm, không có thu nhập. Việc tạm ngưng hoạt động xổ số kiến thiết trên toàn quốc khiến hàng nghìn người bán vé số gặp cảnh khó khăn ngưng việc tạm thời, nhiều người đã rơi vào tình trạng khó khăn... Trước tình trạng này, Chính phủ, các cấp ngành, cơ quan chức năng, đã kịp thời có những giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực cho người nghèo như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được nhận trợ cấp một lần cho 3 tháng (tháng 4,5,6). Ngoài ra, có rất nhiều cá nhân tổ chức trong và ngoài nước có những hành động nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách” cùng giúp nhau để vượt qua khó khăn điển hình như: không ít chủ trọ tại các tỉnh trong cả nước đã quyết định miễn, giảm tiền thuê phòng trọ cho sinh viên và người lao động nghèo; hay các câu lạc bộ thiện nguyện tổ chức chương trình tặng mì tôm, trứng, gạo… và một số nhu yếu phẩm khác, với thông điệp: “Ai cần cứ đến lấy, nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày”.  

Song song với nhiều nghĩa cử cao đẹp ấy, những ngày đầu của tháng 4/2020, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với một số đơn vị doanh nghiệp của nhiều tỉnh đã lắp đặt nhiều máy “ATM gạo nghĩa tình” nhằm góp phần chung tay hỗ trợ, san sẻ khó khăn với người nghèo bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Qua đó, phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, lan tỏa lối sống đẹp, tử tế với phương châm “ai cần thì lấy - ai có thì góp - ai biết thì cùng làm”. Riêng tỉnh Bình Thuận, máy “ATM gạo nghĩa tình” đầu tiên được lắp đặt tại UBND phường Mũi Né, TP Phan Thiết do anh Phan Ngọc An - một người quê ở Bình Thuận đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh lắp đặt, chính thức đi vào hoạt động, để tiếp tục chia sẻ khó khăn với những người dân bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19. Để đảm bảo gạo được phát đúng người, UBND phường Mũi Né giao cho trưởng các khu phố phát phiếu cho các hộ khó khăn, sau đó người dân dùng phiếu này đến trụ sở UBND phường để rút 2kg gạo. Tại điểm rút gạo, người dân được bố trí xếp hàng cách nhau 2m và được các bạn Đoàn viên thanh niên hướng dẫn rửa tay bằng thuốc sát khuẩn trước khi lấy gạo. 

Có thế thấy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thì ở khắp nơi trong cả nước đều lan tỏa những hành động đẹp của từng cá nhân trong cộng đồng, trợ giúp những người cần sự giúp đỡ. Bừng sáng tình yêu thương, những tình cảm và trách nhiệm đương đầu với dịch bệnh đã góp phần vơi đi sự căng thẳng, lo âu của toàn xã hội. Có thể khẳng định, những việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong trận chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ tháng 01/2020 đến nay, tại các địa phương sẽ giúp mỗi chúng ta vững tin hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; tạo động lực để người dân cả nước cùng quyết tâm, đồng hành vượt qua mọi khó khăn, lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái để đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số