Tin mới nhất

Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận tham dự Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành Kinh tế chính trị

Thực hiện Kế hoạch công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và giảng viên lý luận chính trị năm 2020, từ ngày 29/6 đến ngày 03/7/2020, Viện Kinh tế chính trị học phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ và các đơn vị liên quan mở Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành Kinh tế chính trị với chủ đề “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”.

Lớp bồi dưỡng có sự tham gia đông đảo của các giảng viên chuyên nghành kinh tế chính trị của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 04 Học viện khu vực; Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các cán bộ, giảng viên của Viện Kinh tế chính trị học, với số lượng 76 học viên. Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cử đồng chí Dụng Văn Duy, Phó Hiệu trưởng cùng tham dự lớp bồi dưỡng này.

Với chủ đề trên, chương trình của Lớp bao gồm 08 chuyên đề: Bối cảnh trong nước, thế giới (sau đại dịch Covid-19 và trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII) và những tác động, những yêu cầu đặt ra đối với phát triển kinh tế Việt Nam; Xây dựng nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và những thay đổi trong hệ giá trị phát triển sau đại dịch Covid-19; Luận cứ khoa học trong xác định mục tiêu, các đột phát chiến lược và những nội dung mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Một số nhận thức mới về định vị nền kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế thế giới, nền kinh tế quốc gia sau đại dịch Covid-19; Chuyển đổi sang nền kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Dự báo về cấu trúc nền kinh tế thế giới, khu vực sau đại dịch Covid-19 và những thay đổi trong hệ giá trị phát triển; Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nền kinh tế số và những vấn đề đặt ra trong lý luận kinh tế chính trị.

PGS.TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh đã đến dự khai giảng và phát biểu ý kiến. Đồng chí Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh vị trí vai trò của ngành kinh tế chính trị - một trong ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác - Lênin, cung cấp nền tảng tư duy quan trọng trong hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Chủ đề mà Viện Kinh tế chính trị học lựa chọn cho chương trình tập huấn lần này là một chủ đề mang tính lý luận và thực tiễn cao.

Lớp tập huấn có sự tham gia của các báo cáo viên là những chuyên gia của Hội đồng lý luận Trung ương, Viện Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam... và các giảng viên cao cấp có kinh nghiệm của Học viện. Trong các buổi học, các báo cáo viên đã thể hiện được sự nhiệt huyết, chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất, những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân giảng viên, báo cáo viên với hàm lượng tri thức cao để cung cấp cho các đồng chí học viên, đồng thời giải đáp những thắc mắc của học viên là cán bộ, giảng viên đang tham gia giảng dạy môn kinh tế chính trị.

Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành kinh tế chính trị đã huy động tính tích cực, tự giác của học viên, tăng cường trao đổi, thảo luận giữa giảng viên, báo cáo viên và học viên, đặc biệt là đối với giảng viên tham gia giảng dạy môn kinh tế chính trị. Ngoài ra, Lớp bồi dưỡng tổ chức nghiên cứu thực tế tại một số địa phương như: huyện Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Yên tỉnh Nam Định, đặc biệt là tham quan và nghiên cứu về mô hình phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định trong điều kiện và xu thế vận động của nền kinh tế cả nước và toàn cầu hiện nay./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số