Tin mới nhất

Vận dụng bài học lịch sử “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của cách mạng tháng Tám năm 1945 vào giai đoạn hiện nay

Thắng lợi của mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại cho Đảng và dân tộc ta nhiều bài học quý báu, một trong những bài học đó là nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Bài học ấy mang những giá trị thực tiễn hết sức sâu sắc trước bối cảnh thế giới và đất nước hiện nay.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi đầu tiên trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đập tan xiềng xích hơn 80 năm thống trị của chủ nghĩa thực dân, phát xít và chế độ phong kiến đã tồn tại hàng chục thế kỷ. Từ đây Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng Cộng sản Đông Dương từ một đảng hoạt động bí mật trở thành một đảng cầm quyền. Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Lịch sử đã chứng minh một đất nước không có độc lập thì dân tộc đó mất đi quyền tự do. Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ở các thời kỳ đất nước ta bị đô hộ thì nhân dân ta phải chịu cảnh áp bức, bóc lột, cuộc sống cùng cực. Ở thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Nhân dân ta đã giành lại độc lập, tự do, trở thành người chủ của đất nước, có quyền quyết định tương lai, vận mệnh của mình và đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự soi sáng của Chủ nghĩa Mác – LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã nâng cao vị thế quốc tế của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đã phá tan một mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải trừ chủ nghĩa thực dân và giải phóng dân tộc trên thế giới. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Nó chứng tỏ rằng: ở thời đại chúng ta, một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo hoàn toàn có khả năng thắng lợi ở một nước thuộc địa. Cuộc cách mạng đó quan hệ mật thiết với cách mạng vô sản ở “chính quốc”, nhưng không lệ thuộc vào cách mạng ở “chính quốc”. Trái lại, nó có thể giành được thắng lợi trước khi giai cấp công nhân “chính quốc” lên nắm chính quyền.

Ngày nay, trong bối cảnh phức tạp mới của tình hình thế giới khi mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, phong trào cách mạng thế giới bị khủng hoảng, chủ nghĩa tư bản có những sự điều chỉnh và phát triển. Ở nước ta, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Ðảng và Nhân dân ta giành được trong gần 35 năm đổi mới, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi; tình trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa... Bên cạnh đó, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" kết hợp gây bạo loạn lật đổ nhằm chống phá Ðảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lợi dụng những khó khăn hiện nay, họ cho rằng "chủ nghĩa xã hội là con đường không có tương lai", "đi vào ngõ cụt", "đã bị lịch sử phủ định"; "lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là do ý chí chủ quan của Ðảng”. Quan điểm đó là sai lầm, là phủ nhận thực tiễn lịch sử cách mạngViệt Nam.

Đại hội VII của Đảng ta, với “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” đã khẳng định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”[1]. Tiếp theo đó,  Đại hội XI, với việc khẳng định lại trong Cương lĩnh bài học “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH”[2] .Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở vững chắc cho độc lập dân tộc. Ngoài ra, “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta”[3], điều này đã cho thấy: với nước ta, đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Sau gần 35 năm đổi mới với những thành quả đạt được đã cho thấy sự đúng đắn trong việc “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, đất nước ta chưa bao giờ có tiền đồ như hôm nay: kinh tế-xã hội phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững; Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới; vị thế Việt Nam không ngừng được củng cố và nâng cao. Sở dĩ đạt được những thành tựu như vậy là nhờ Đảng ta đã vận dụng bài học“nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” trong giai đoạn hiện nay, thể hiện như sau:

Thứ nhất: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ.

Thứ hai: Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thứ ba: Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Thứ tư: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn của lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế

Thứ năm: Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ sáu: Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có nghĩa lịch sử sâu sắc không những đối với Đảng, Nhà nước và mỗi người dân Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn, đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng, Nhà nước và cả dân tộc ta. Quá trình vận dụng, cần nắm vững nội dung của bài họcnắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” vì độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở vững chắc cho độc lập dân tộc thì hiệu quả đạt được cho công cuộc xây dựng đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế sẽ hết sức to lớn, toàn diện. Nhất định Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta sẽ ngày càng cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, như lúc sinh thời Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong muốn./.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, Hà Nội, 2007, trang 139

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, trang 65.

[3] Sđd, tr. 24.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số