Đảng chính trị bao giờ cũng mang bản chất giai cấp. Đảng chính trị luôn đại diện cho hệ tư tưởng, quyền lực và lợi ích của giai cấp nhất định. Một giai cấp có thể có nhiều đảng chính trị (điều này là phổ biến ở các nước tư bản chủ nghĩa) nhưng mỗi đảng đều mang bản chất của một giai cấp nhất định. Không thể có đảng chính trị nào là phi giai cấp, là siêu giai cấp. Thực tế đã chứng minh, dù ở thời đại nào, nước nào cũng không thể có một đảng chính trị vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp bóc lột thống trị lại vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp, tầng lớp bị bóc lột.
Trong một nước có thể có nhiều đảng phái chính trị của các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau cùng tồn tại, đối lập, đấu tranh với nhau đòi chia sẻ vai trò lãnh đạo chính trị và chi phối đời sống chính trị - xã hội của quốc gia, đó là các nước thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Song cũng có những nước chỉ có duy nhất một đảng chính trị chi phối quyền lực chính trị - xã hội; tức là thực hiện chế độ một đảng, nhất nguyên chính trị.
Chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đã trở thành phổ biến trong các nước Tư bản chủ nghĩa (TBCN). Sự đa nguyên hay đa đảng chủ yếu diễn ra trong tranh cử, trong đấu tranh ở nghị trường để giải quyết các vấn đề chính trị của đất nước. Trong các quốc gia theo chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị, các đảng chính trị thường tranh giành quần chúng, chia rẽ quần chúng, kích thích sự thèm khát quyền lực của quần chúng, tạo thêm nhiều điều kiện để tham nhũng phát triển. Chế độ chính trị ở các nước này thường không ổn định, xã hội luôn tiềm ẩn những xung đột do sự tranh giành quyền lực của nhiều đảng phái khác nhau; tệ tham nhũng là căn bệnh trầm kha; trong cạnh tranh để đạt mục tiêu chính quyền nhà nước thì các đảng chính trị không từ một thủ đoạn nào, kể cả những thủ đoạn không văn minh: khủng bố, mua chuộc, hối lộ, tung tin giả, nói xấu lẫn nhau…
Chế độ đa nguyên về hình thức có vẻ rất dân chủ, các đảng đều có quyền tự do cạnh tranh luận, ứng cử và bầu cử...; để trở thành Đảng cầm quyền. Nhưng thực chất chỉ có những đảng lớn, có thế lực và có sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản lớn, được pháp luật dành cho sự thuận lợi mới có khả năng thắng cử và trở thành đảng cầm quyền. Các đảng lớn thay thế nhau cầm quyền nhưng xét cho cùng dù là đảng nào trong giai cấp tư sản giành thắng lợi (cầm quyền) thì mục tiêu chính trị cũng là trước hết phục vụ giai cấp tư sản. Các đảng cầm quyền tư sản luôn tìm mọi cách che đậy thực chất của sự chuyên chính tư sản và họ cố gắng điều chỉnh phần nào quan hệ lợi ích giữa các giai cấp và tầng lớp để làm dịu bớt những mâu thuẫn của CNTB hiện đại bằng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội...
Trong khi đó, các nước XHCN đều theo chế độ một Đảng nhất nguyên chính trị là do xuất phát từ điều kiện lịch sử. Từ khi phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ra đời cho đến nay, thực tế cho thấy chưa có Đảng Cộng sản nào giành thắng lợi thông qua con đường nghị trường dù đã tranh thủ tối đa khả năng đó. Lịch sử đã chứng minh các Đảng Cộng sản giành chính quyền thắng lợi chỉ bằng bạo lực cách mạng và sau khi giành chính quyền thắng lợi sẽ thiết lập hệ thống chính trị, trong đó Đảng Cộng sản giữ vai trò duy nhất lãnh đạo xây dựng chế độ mới. Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cũng như trong xây dựng chế độ mới, không có một giai cấp nào, một lực lượng nào có thực lực, có tín nhiệm với nhân dân để có thể “đối trọng” với Đảng Cộng sản.
Trong Chủ nghĩa xã hội (CNXH), Đảng Cộng sản là tổ chức duy nhất chịu hoàn toàn trách nhiệm về vận mệnh của quốc gia dân tộc, lãnh đạo quần chúng giành chính quyền từ giai cấp bóc lột, lãnh đạo hệ thống chính trị - xã hội. Lênin đã từng khẳng định rằng: Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất có thể “đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy, làm người dẫn đường, làm lãnh tụ của tất cả những người lao động và những người bị bóc lột để giúp họ tổ chức đời sống xã hội của họ”(2). Hơn nữa, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ngày càng tăng lên theo sự nghiệp xây dựng CNXH: phải tập trung lãnh đạo thống nhất các quá trình phát triển XH, chống sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động. Chỉ có sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản mới có thể ổn định chính trị, tập họp được sức mạnh của toàn dân để xây dựng CNXH. Nếu thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì chỉ có lợi cho các lực lượng chống phá cách mạng.
Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một sự kiện trọng đại, đánh dấu một bước ngoặt của Cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước trước những năm 1930 của các phong trào cách mạng và thay vào đó là ngọn cờ cách mạng vô sản theo đường lối Chủ nghĩa Mác-Lênin do Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền bá và sáng lập Đảng. Đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả sàng lọc khách quan, đáp ứng yêu cầu của lịch sử khi mà không có một lực lượng chính trị nào đảm đương nổi. Từ khi bước lên vũ đài chính trị, Đảng ta đã gánh vác trách nhiệm lịch sử giao phó lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân dân Việt Nam đã gắn bó máu thịt với Đảng suốt quá trình cách mạng của dân tộc hơn 90 năm qua.
Lịch sử nước ta từ cách mạng tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay đã chứng minh: không thể có và cũng không cần phải có một lực lượng chính trị nào khác có thể “đối trọng” với Đảng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia dân tộc được thực hiện và đang tiến hành công cuộc đổi mới mạnh mẽ. Sự sụp đổ của các mô hình xây dựng XHCN ở Liên Xô và Đông Âu vừa qua, là một bài học đắt giá đối với các nước XHCN. Đồng thời, cũng chứng minh rằng các nước thực hiện sự cải cách, đổi mới đã thu được những thắng lợi căn bản và vững bước đi theo con đường CNXH đều đã kiên trì nguyên tắc: nhất nguyên chính trị, giữ vững sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cả hai (sự tổn thất và thành công trên) đều là bài học vô giá - về thế nào là tự do, dân chủ - không chỉ đối với người cộng sản chân chính mà còn có ý nghĩa đối với nhân loại có tiến bộ. Vì vậy, nhất nguyên chính trị với một Đảng Cộng sản lãnh đạo là quy luật cơ bản của cách mạng XHCN. Hơn nữa nhân dân ta cũng không chấp nhận sự lãnh đạo của bất kỳ ai khác ngoài Đảng ta, mà cũng không cho phép một lực lượng chính trị nào có thể “đối lập” với Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo như lời Bác “Đảng ta là đảng chỉ có một điều là phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ CNXH và Chủ nghĩa cộng sản. Ngoài ra không còn có lợi ích nào khác”(3). Tại khoản 1, điều 4 Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều này chứng tỏ toàn thể dân tộc Việt Nam chỉ lựa chọn và tin theo sự lãnh đạo của Đảng.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH ở nước ta, Đảng ta đã khẳng định: định hướng XHCN dứt khoát phải thực hiện chế độ một đảng, nhất nguyên chính trị, không chấp nhận đa đảng, đa nguyên chính trị, “kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”(4). Đây là một nguyên tắc nhất quán của Đảng ta. Nếu thực hiện “đa nguyên chính trị” “đa đảng đối lập”, thì điều này không những trái với quy định của lịch sử cách mạng Việt Nam, mà còn tổn hại đến lợi ích nhân dân lao động và tiền đồ của dân tộc. Nếu tồn tại đảng đối lập với Đảng ta thì đó là đảng gì? của ai? đem lại lợi ích cho giai cấp nào? Chắc rằng chúng ta đều đã rõ!
Cách mạng nước ta đã chuyển sang thời kỳ mới, trong xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa, các thế lực thù địch thường xuyên tung ra những luận điệu xuyên tạc như: vi phạm dân chủ, nhân quyền; thiếu tự do chính trị vì chế độ một Đảng lãnh đạo…hòng ép chúng ta chấp nhận “đa nguyên, đa Đảng”. Chúng chỉ nhằm mục đích xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó xoá bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm xương máu của mình, Đảng và nhân dân ta ý thức sâu sắc trách nhiệm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo duy nhất đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, thì sự kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, không chỉ là vấn đề có tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng Việt Nam, mà còn là đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, đó cũng là sự lựa chọn sáng suốt của Đảng và nhân dân ta trên bước đường tiến lên xây dựng thành công CNXH.
Trong không khí Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang diễn ra, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Đại hội sẽ nhất định nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, đổi mới và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc, bởi lẽ đây là công việc cực kỳ hệ trọng vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước. Qua đó giúp nước ta ổn định về chính trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đặc biệt là uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn vừa qua đã tạo được dấu ấn, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo duy nhất của Đảng mà trước đó không một lực lượng nào có thể làm được./.
(1) Anthony Downs, An Economic Theory of Democracy, New York: Harper & Brothers, 1957, tr. 25.
(2) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 33, tr. 33.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 271.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.148.