Tin mới nhất

Điểm mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời không ngừng hoàn thiện cơ quan Quốc hội, ngày 19/6/2020 tại Kỳ họp thứ 9, với 422/451 đại biểu tán thành, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2021; để giúp bạn đọc có điều kiện nghiên cứu, nắm bắt nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, bài viết giới thiệu những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cơ bản vẫn giữ nguyên những quy định của Luật hiện hành (Luật Tổ chức Quốc hội 2014). Bên cạnh đó, có những sửa đổi, bổ sung phù hợp trong điều kiện mới, trong đó có những điểm mới đáng chú ý như sau:

Thêm điều kiện về quốc tịch của đại biểu Quốc hội

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội 2014, để trở thành đại biểu Quốc hội phải đáp ứng 05 điều kiện quy định tại Điều 22 là: trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội…Để tránh tình trạng đại biểu Quốc hội có quốc tịch nước ngoài, đảm bảo đại biểu Quốc hội là người Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội bổ sung thêm 01 điều kiện nữa, đó là đại biểu Quốc hội phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam([1]).

Nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách

Theo quy định tại Điều 23, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Trong đó, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là ba mươi lăm phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, số đại biểu hoạt động chuyên trách đã được nâng lên, cụ thể: số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội ([2]). Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Bổ sung nguyên tắc hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Một điểm mới nữa được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung lần này là việc bổ sung thêm nguyên tắc hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội.  Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành. ([3]).

Đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ủy ban về các vấn đề Xã hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và đổi tên Ủy ban về các vấn đề Xã hội thành Ủy ban Xã hội, được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV([4]).

Thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Trong Luật này, Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời quy định lộ trình thành lậpVăn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14 tháng 10 hăm 2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2021([5]).

Như vậy, cùng với Luật Tổ chức quốc hội 2014 hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc hội ban hành năm 2020, trong đó có những nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời không ngừng hoàn thiện cơ quan Quốc hội, đảm bảo Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng mới./.


1.  Khoản 1, Điều 1, Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

2.  Khoản 2, Điều 1,  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

3.  Khoản 5, Điều 1,  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

4. Khoản 16, Điều 1, Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

5. Khoản 2, Điều 2, Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số