Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất, Nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp theo ý thực hệ phong kiến, dân chủ tư sản. Mặc dù phong trào đấu tranh giai đoạn đó diễn ra vô cùng sôi nổi nhưng tất cả đều bị thất bại, cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Yêu cầu đặt ra là cần phải có một tổ chức cách mạng tiên phong với đường lối cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc.
Những năm 1929, đầu 1930 khi chủ nghĩa Mác – Lênin ngày càng được truyền bá sâu rộng vào Việt Nam cùng phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ngày càng lên cao đã dẫn đến sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929); An Nam Cộng sản Đảng (11/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (01/1930). Tuy nhiên, sự tồn tại và hoạt động riêng rẽ của ba tổ chức cộng sản làm cho lực lượng và sức mạnh của phong trào cách mạng bị phân tán, không thống nhất về tổ chức, tư tưởng và hành động. Thực tế đó kéo dài sẽ làm cho tình hình trở nên phức tạp, nguy hiểm. Kẻ thù có thể lợi dụng để chia rẽ các tổ chức cộng sản, chia rẽ bộ phận lãnh đạo với phong trào đấu tranh của quần chúng, triệt tiêu sức tranh đấu của cách mạng Việt Nam. Do đó, yêu cầu bức thiết của cách mạng là phải hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất, vì chỉ có một đảng cộng sản thống nhất trong cả nước thì mới có thể quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi.
Trước thời điểm lịch sử đầy sôi động nhưng cũng không ít khó khăn, phức tạp của phong trào cách mạng Việt Nam, một lần nữa trách nhiệm lịch sử lại đặt lên vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, với tài năng trí tuệ, sự nhạy bén về chính trị, sau quá trình bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường giải phóng cho toàn thể dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (06/01-07/02/1930 ), tại Hương Cảng (Trung Quốc). Bên cạnh đó, Hội nghị thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Cương lĩnh đã xác định đúng đắn những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam; đáp ứng những yêu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại và định hướng đúng đắn cho tiến trình cách mạng Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh Chính trị đầu tiên là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam vì đã mở ra cho cách mạng nước ta một giai đoạn lịch sử mới, chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước của các phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng ra đời còn là thành quả của quá trình vận động, phát triển và thống nhất của phong trào cách mạng trong cả nước, thành quả của sự chuẩn bị công phu về mọi mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, của sự đoàn kết nhất trí của những chiến sĩ tiên phong vì lợi ích giai cấp và dân tộc. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được lịch sử giao cho sứ mệnh nắm quyền lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam, đã chỉ ra con đường cứu nước đúng đắn, đó là đi theo con đường cách mạng vô sản, đã đưa dân tộc Việt Nam sang những trang sử mới, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tạo tiền đề và nhân tố quyết định đưa cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi rất vẻ vang. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa đến sự ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm thay đổi cả vận mệnh dân tộc, thay đổi cả thân phận của người dân Việt Nam; mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước xây dựng đất nước đi lên CNXH trên tinh thần độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế trong sáng.
Như vậy, những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ khi Đảng ra đời chính là minh chứng hùng hồn, khẳng định nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”[1].
Trải qua những biến đổi thăng trầm cùng với những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã để lại cho Đảng ta những bài học sâu sắc, tạo tiền đề, nền tảng căn bản để đất nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn ra hết sức phức tạp, các thế lực thù địch không ngừng chống phá quyết liệt, đòi hỏi Đảng phải kiên định vững vàng không xa rời mục tiêu lý tưởng của mình, tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo, không ngừng đổi mới, nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra nhằm đưa đất nước ta tiếp tục phát triển và vị thế được nâng cao hơn nữa trên trường quốc tế./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr . 406