Tin mới nhất

Quyết sách chính trị đúng đắn, một trong những nhân tố đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Quyết sách chính trị xác định những mục tiêu, phương hướng chủ yếu trong cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân, của chính đảng thuộc giai cấp đó và của lực lượng cách mạng nói chung trong một giai đoạn lịch sử tương đối dài nhằm đạt mục tiêu chủ yếu. Quyết sách của đảng cầm quyền trở thành đường lối hoạt động của nhà nước, quy định chiều hướng vận động cơ bản của xã hội, nhất là ở thể chế một Đảng lãnh đạo như nước ta hiện nay. Chính vì vậy, quyết sách chính trị có vai trò quan trọng đặc biệt đối với sự tồn vong của Đảng cầm quyền. Nó bảo đảm tính tự giác, tính định hướng đúng đắn và tính hiệu quả của hoạt động chính trị nhằm biến đổi xã hội theo hướng tiến bộ. Thực tế lịch sử nhân loại đã cho thấy: nơi nào, đảng nào đề ra được quyết sách chính trị và tổ chức thực hiện quyết sách đúng, nhận thức đầy đủ vai trò của quyết sách chính trị thì đó sẽ là bước quyết định cho thắng lợi của cách mạng.

Quyết sách chính trị của Đảng Cộng sản chính là khoa học và là nghệ thuật lãnh đạo chính trị của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh nhằm từng bước cải biến xã hội (XH) cũ, xây dựng XH mới. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 mươi năm qua đã chứng minh trước những nguy cơ, những biến cố của lịch sử, Đảng ta luôn có những quyết sách chính trị đúng đắn, sáng suốt kịp thời giành độc lập tự do cho dân tộc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đang vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách để giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đạt được những thành quả cách mạng trên là do Đảng ta có quyết sách chính trị đúng đắn, khoa học, bám sát thực tiễn.

Minh chứng là quyết sách chính trị của Đảng ta được thể hiện đúng đắn trong chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt của Đảng tại hội nghị thành lập Đảng (từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930), tuy còn sơ lược nhưng đã vạch ra đường lối cơ bản, đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, và là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, đó là: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản[1]. Với Cương lĩnh của Đảng, nhiệm vụ vủa cách mạng tư sản dân quyền là đánh đuổi đế quốc Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai, làm cho nước nhà độc lập, tự do; tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, phong kiến chia cho dân cày nghèo, quốc hữu hoá toàn bộ xí nghiệp của bọn đế quốc, thành lập chính phủ công nông binh và tổ chức quân đội công nông. Đồng thời, Cương lĩnh xác định lực lượng cách mạng trước hết là công - nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, song phải lôi kéo cho được nhiều thành phần tiểu tư sản, trí thức, trung nông về phía cách mạng. Đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản Việt Nam chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng hoặc trung lập, bộ phận nào rõ mặt thì phải đánh đổ.

Tính đúng đắn của Cương lĩnh đã đánh dấu một bước ngoặt căn bản của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kì khủng hoảng về đường lối cứu nước, là sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển cách mạng Việt Nam.

Quyết sách chính trị còn được Đảng ta vận dụng trong quá trình thực hiện cách mạng tháng Tám năm 1945 với khẩu hiệu “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Khi được tin Nhật đầu hàng thì Đảng ta ra quân lệnh tổng khởi nghĩa ngay đêm 13/08/1945 và sau hơn 2 tuần lễ, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, ngày 02/9/1945 chính thức khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, kết thúc chế độ phong kiến hàng nghìn năm, sự thống trị gần 80 năm của thực dân, mở đầu kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập đi lên CNXH ở nước ta. “Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kì kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng[2].

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt, cơ hội giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến thì quyết sách chính trị đúng đắn của Đảng ta một lần nữa mang tính chất quyết định: Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn, ra quyết định lịch sử: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng tư năm nay, không để chậm[3].

Thực tế, từ ngày 04/3/1975 bằng ba đòn tiến công chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước cùng tiến lên xây dựng CNXH.

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã khẳng định các quyết sách lãnh đạo của Đảng ta là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn với tình hình thực tiễn và là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi.

Quyết sách chính trị còn được cụ thể hóa ở những bước đi cụ thể cho từng giai đoạn cách mạng để từ đó tránh được bệnh hữu khuynh và tả khuynh. Điều này thể hiện rõ nét trong thực hiện cách mạng XHCN: Đảng ta đã chủ quan, nóng vội về một số vấn đề có tính chiến lược về xây dựng mô hình kinh tế, hợp tác hoá…, chúng ta đã xác định sai lầm trong bước đi, tập trung xây dựng phát triển công nghiệp nặng, làm nhanh, làm nhiều, không tận dụng và phát triển lực lượng sản xuất đã có, cải tạo ồ ạt, nhanh chóng xoá bỏ thành phần kinh tế tư nhân để xác lập một cách phổ biến hình thức sở hữu tập thể và toàn dân đối với tư liệu sản xuất ngay cả khi lực lượng sản xuất còn thấp kém, duy trì quá lâu mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp đã đưa đến sự trì trệ và khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đã đánh giá thực trạng tình hình đất nước, thẳng thắn chỉ ra: "Những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan... Đó là tư tưởng tiểu tư sản vừa “tả” khuynh vừa “hữu” khuynh. Những sai lầm và khuyết điểm đó bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”[4]. Từ đó Đảng đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, đề ra con đường biện pháp và bước đi thích hợp, phản ánh đúng quy luật vận động khách quan của lịch sử và thực trạng tình hình kinh tế, nhờ đó mọi mặt của đời sống xã hội dần dần ổn định và phát triển vượt bậc.

Trong khi đại dịch Covid 2019 đang hoành hành trên toàn thế giới, ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ với khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau”, đó cũng là một quyết sách chính trị hợp lòng dân. Từ 23/1 đến 25/2/2020 khi nước ta xuất hiện 16 ca bệnh Covid-19, lập tức ngày 21/3, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ 0 giờ ngày 22/3, đồng thời thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với mọi trường hợp nhập cảnh. Từ ngày 27/3 đến 25/4/2020, đã có 3 chỉ thị được Thủ tướng ban hành, đáp ứng tình hình cực kì cấp bách của đất nước:

Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: “yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc, giãn cách xã hội, “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng”.

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết”.

Ngày 25 tháng 4, Thủ tướng tiếp tục ban hành chỉ thị 19 nhằm tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 "trong tình hình mới": “thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội”.

Đối với công dân Việt Nam đang “mắc kẹt” ở nước ngoài, ngày 10/4/2020 Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đưa người về nước. Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương thiết lập đường dây nóng bảo hộ công dân hoạt động 24/7; với tinh thần quyết tâm và coi công tác bảo hộ, đưa công dân về nước trong bối cảnh đại dịch không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là “mệnh lệnh đến từ trái tim”, là một quyết sách an dân, hợp lòng dân.

Như vậy, quyết sách chính trị đúng thì chính là xu hướng chính trị tiến bộ, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phát triển nhanh, ổn định và ngược lại. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, để xây dựng xã hội mới, xã hội XHCN. Những quyết sách sai lầm tất nhiên sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền, nẩy sinh những hậu quả nghiêm trọng. Quyết sách đúng hay không đúng có liên quan đến sự tồn vong, hưng suy của một quốc gia. Quyết sách chính trị của Đảng từ Trung ương đến địa phương đều trở thành cơ sở của các chính sách và pháp luật của Nhà nước, tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân và của toàn dân tộc. Qua đó làm cho quyết sách chính trị có được sức mạnh của thực tiễn. Vì vậy, mỗi sai lầm nhỏ của quyết sách chính trị đều có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của toàn thể nhân dân. Có nghĩa là quyết sách chính trị của Đảng phải xuất phát từ thực tiễn và được kiểm chứng từ thực tiễn sinh động của quần chúng nhân dân, và điều này cho thấy nếu xây dựng mục tiêu sai, quyết sách sai thì không bao giờ có hành động đúng.

Từ những đường lối chính trị đúng đắn đó, thông qua việc thể chế hóa đường lối bằng những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức chính chính trị XH, việc thực hiện đường lối chính trị của Đảng thời gian qua đã được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân nhờ tính đúng đắn, phản ánh được xu thế vận động của lịch sử, đồng thời phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chân chính của đại đa số nhân dân. Chính đường lối cách mạng của Đảng có vai trò to lớn trong việc thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, củng cố niềm tin vào Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi những khuynh hướng lệch lạc về chính trị và tư tưởng.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, để có được quyết sách chính trị đúng đắn phù hợp với điều kiện đất nước và xu thế thời đại, đòi hỏi Đảng ta nói chung và các nhân tố trong hệ thống chính trị nói riêng phải quán triệt sâu sắc yêu cầu, nội dung cơ sở phương pháp luận về quyết sách chính trị để đề ra đường lối, nghị quyết, chủ trương đúng đắn phù hợp nhằm đưa đất nước phát triển theo con đường mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng 26/01/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên, Nhân dân đang mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để khơi thông mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiếp tục đà phát triển đất nước nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đó là tiền đề, là cơ sở lí luận khoa học để Đảng, Nhà nước ta ban hành những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn, phù hợp với lòng dân, đáp ứng được những nhu cầu mà toàn dân đang mong đợi trong công cuộc phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội; xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trường tồn./.


Tài liệu tham khảo

“Chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975”, TS Trần Hữu Huy, Hội viên Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Báo Tin tức/TTXVN, ngày 15-4-2020.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 1

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 539

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.36, tr.95

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, Phần 1, tr. 24


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số