Tin mới nhất

Hồ Chí Minh - Cuộc hành trình của thời đại

  • /
  • 6.6.2012 - 16:23

Rời bến Nhà Rồng, bước xuống con tàu La-tút-sơ Tê-rê-vin-lơ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lúc đó mới 21 tuổi

       Anh quyết định sang châu Âu tìm đường cứu nước, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ. Cắt nghĩa thế nào về một quyết định táo bạo và đầy nguy nan, mạo hiểm đó? Phải chăng chỉ có thể lý giải, đó là kết quả của một quá trình tự ý thức đã đạt đến đỉnh cao về trách nhiệm của một công dân với Tổ quốc, với đồng bào mình. Sau này, chính Hồ Chí Minh kể lại: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi: Ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy cần phải ra đi nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi…”. Chân lý quả bao giờ cũng thật giản dị. Song ở vào thời điểm bấy giờ nhất định đó phải là sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, một sự lựa chọn đầy trí tuệ; nó thể hiện một nhân cách chính trị đã được bộc lộ rất sớm ở người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

       Sau nhiều năm bôn ba hầu hết các lục địa, lao động kiếm sống, vừa quan sát tìm hiểu, vừa quan hệ móc nối với cách mạng; từ châu Âu qua châu Phi, châu Mỹ rồi trở về châu Âu; từ Véc-xây qua Niu oóc, Luân Đôn rồi trở lại Pa-ri; đến Liên Xô, Trung Quốc … vừa tham gia phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc, vừa thấm nhuần văn hóa phương Đông, vừa học tập văn hóa phương Tây, để rồi tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin... Một cuộc hành trình lớn đã mở mang tri thức, nâng tầm nhìn thời đại ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành - nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc cho tương lai của dân tộc.

       Từ cuộc hành trình lịch sử đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc ta đã đoàn kết lại thành một khối vững chắc làm nên một Điện Biên Phủ có sức chấn động toàn thế giới và một đại thắng mùa xuân năm 1975, đưa non sông về một mối.

       Hôm nay, khi con thuyền đất nước đang giong buồm vươn ra biển rộng,  nhìn lại thác ghềnh của lịch sử, càng vững tin vào sức mạnh mãnh liệt của dân tộc – một sức mạnh được chính Hồ Chí Minh khơi nguồn từ cuộc hành trình của mình. Hồ Chí Minh đã tin vào dân tộc mình, biết cách khởi động và đẩy tới đỉnh cao sức mạnh đó bằng đường lối đại đoàn kết dân tộc. “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên”. Hai tiếng “đồng bào” của Hồ Chí Minh gọi dậy không sót một ai: “Bất kỳ đàn ông đàn bà, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Vũ khí vạn năng của “người Việt Nam” ấy là lòng yêu nước và ý chí quật cường lưu truyền trong huyết quản.

       Có thể nói, Hồ Chí Minh là hiện thân một trí tuệ lớn của thời đại. Trí tuệ đó thể hiện ở tầm nhận thức đúng đắn hiện thực xã hội, ở quy luật vận động phát triển tất yếu của lịch sử, tìm ra yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng - yếu tố con người. Với kiến thức thâm sâu, uyên bác, trình độ dự báo khoa học đến thiên tài, Hồ Chí Minh đã vạch đường đi cho dân tộc, xác định chiến lược cho cách mạng Việt Nam bằng vốn lý luận và kinh nghiệm thực tiễn sinh động của mình. Quan điểm “thêm bạn bớt thù”, “dựa vào dân”, “đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công”... được hình thành do đánh giá đúng khả năng, nguyện vọng của mọi tầng lớp quần chúng trong và ngoài nước, thể hiện sự nhận thức chính xác vấn đề lực lượng cách mạng, từ đó quy tụ được đông đảo các tầng lớp xã hội, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân loại tiến bộ, tạo thế và lực cho cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

      Một tấm lòng yêu thương rộng mở, bao dung, một trí tuệ thông kim bác cổ, một ý chí quật cường hội tụ vào một con người - con người Hồ Chí Minh, một trong những nhân cách lớn của thời đại trong thế kỷ XX. Nhân cách ấy có ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của bao thế hệ cách mạng cho đến ngày nay và mai sau trên đất nước ta. Có người nước ngoài băn khoăn đặt câu hỏi: “Hồ Chí Minh là một con người bình thường hay là một ông Thánh?”. Phạm Văn Đồng, người đồng chí, người học trò xuất sắc và gần gũi với Hồ Chí Minh đã trả lời dứt khoát: “Hồ Chí Minh trước hết là một con người và cuối cùng cũng chỉ là một con người...”. Con người Hồ Chí Minh, với cuộc hành trình của một thời đại, đã làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam./.

                                                                                                           Dụng Văn Duy

                                                                                                Trường Chính trị Bình Thuận


  • |
  • 1001
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số