Ghi nhận qua chuyến thăm rừng Sác Cần Giờ

Chiến khu rừng Sác - địa danh gắn liền với các chiến sỹ đặc công Đoàn 10 thời kháng chiến chống Mỹ. Qua 40 năm chiến tranh, những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của họ vẫn còn vang mãi.

Di tích căn cứ Rừng Sác nằm ở huyện Cần Giờ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km về hướng Đông Nam. Để vào tham quan nơi đây có 2 cách, đi bộ hoặc ca nô. Phần lớn du khách chọn ca nô để có những trải nghiệm thú vị để được hưởng cái cảm giác sảng khoái khi cano lướt vòng vèo dưới tán rừng đước rễ chùm to, đan xen chồng chéo lên nhau bám chắc vào bùn đất ven sông. Sau chừng 10 đến 15 phút lướt trên con lạch ngoằn ngoèo, ca nô sẽ cập bến. Dưới tán cây Rừng Sác, một không gian nhỏ tái hiện gần giống như chiến khu năm xưa một phần cuộc sống và chiến đấu của bộ đội đặc công Trung đoàn 10 thời Mỹ ngụy. Những lán nhỏ mái lá rải rác khắp nơi là Hội trường, trạm xá, Sở chỉ huy, nhà hậu cần, nhà chế tạo vũ khí tự tạo, những căn hầm trú ẩn… được nối với nhau bằng những con đường giữa rừng dựng từ tre nứa, thân mắm, đước.

Len lỏi trên kênh rạch giữa những hàng cây mắm, đước, bần chằng chịt, chúng tôi dừng lại trước pho tượng đài cao vòi vọi giữa rừng lặng lẽ đứng thấp hương. Điều đầu tiên làm tôi ấn tượng hơn cả là những bức tượng “sống” về các chiến sĩ đặc công Rừng Sác được tạo dựng ở đây họ đang trình bày phương án và hạ quyết tâm tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè. Nhìn xa xa phía trước là những bức tượng một nhóm mình trần, quần xà lỏn đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Đi về phía tay phải dưới con lạch là một bức tượng chiến sỹ đang quần nhau với cá sấu. Chuyện kể rằng, trong một lần hành quân chiến sĩ Hoàng Dương bị cá sấu lao vào cắn vào vai trong giây phút nguy nan anh đã bình tĩnh rút con dao đeo bên người đâm vào mắt cá sấu khiến nó phải buông mồi, nhiều chiến sĩ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng đã thoát thân nhờ lòng dũng cảm, mưu trí đánh lại cá sấu. Ở giữa Rừng Sác dưới những tán cây cao ngời ngợi là bể nước mưa được hứng từ ngọn cây, do trong rừng thiếu nước ngọt để uống nên các chiến sỹ Đoàn 10 hứng nước mưa từ những tán cây cao, bên cạnh đó các chiến sỹ còn lấy nước mặn để nấu thành nước ngọt theo kiểu chưng cất như nấu rượu. Trung bình 2 chiến sĩ nấu 24h đồng hồ thu được 300 lít nước ngọt đủ cho một trung đội ăn uống trong 1 ngày. Sáng kiến này đã giải quyết được 1 trong những khó khăn lớn nhất của Trung đoàn. Đến thăm Rừng Sác mọi người được tận mắt nhìn thấy khung cảnh sinh hoạt, chiến đấu của những người lính Cụ Hồ trong lòng mỗi người trào dâng những tình cảm trân trọng, khâm phục xen lẫn sự biết ơn.

Rừng Sác - địa danh đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 40 năm sau chiến tranh, chiến khu Rừng Sác đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu dũng cảm của quân dân Nam bộ. Di tích Căn cứ Rừng Sác - Cần Giờ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia trong năm 2005./.

                                                                                                            


Các tin khác