Kết quả 02 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Ngày 12/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội  dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014.  Nội dung chỉ thị yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo: trên cơ sở chương trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu tập huấn, tài liệu tham khảo đã được phê duyệt và hướng dẫn của các bộ ngành liên quan, tổ chức xây dựng kế hoạch giảng dạy, biên soạn giáo án, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và tổ chức hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc điểm của cơ sở giáo dục, đào tạo.   

Đối với Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, từ tháng 11/2009, thực hiện chương trình đào tạo Trung cấp LLCT - HC ban hành kèm theo Quyết định số 1845/QĐ-HVCT-HCQG, ngày 29/7/2009 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trường đã chủ động giảng dạy lồng ghép Luật phòng, chống tham nhũng vào các chuyên đề của phần II.2: Những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật XHCN tại 25 lớp trung cấp LLCT - HC hệ tập trung và hệ tại chức với 2.032 học viên.

Từ tháng 9/2014 đến nay, chương trình đào tạo Trung cấp LLCT - HC ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG, ngày 21/4/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chỉnh sửa, bổ sung năm 2014), đã bố trí giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng thành 01 chuyên đề độc lập trong 4 tiết: Bài 9 - Phần IV: Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Căn cứ hướng dẫn thực hiện chương trình của Vụ Các trường chính trị; Trường đã nhanh chóng họp phân công Khoa Xây dựng Đảng cùng với Khoa Nhà nước và pháp luật phối hợp thực hiện việc giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng; đồng thời, cử giảng viên chuyên ngành luật có kinh nghiệm giảng dạy đảm nhận bài giảng này. Nội dung giảng dạy tập trung vào các vấn đề: Một số vấn đề chung về tham nhũng; quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

Cho đến nay, sau 02 năm thực hiện chương trình chỉnh sửa, bổ sung năm 2014, Nhà trường đã giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng cho 15 lớp trung cấp LLCT - HC (hệ tập trung và hệ tại chức) với 1.167 học viên là CB, CCVC ở các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh và tại các huyện, thị xã, thành phố.  

Qua học tập, học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về phòng, chống tham nhũng như: khái niệm, đặc điểm và các hành vi tham nhũng; nguyên nhân, tác hại của tham nhũng; công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua…; từ đó giúp học viên nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng.  

Nhà trường đã gắn công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm xây dựng lối sống trong sạch, giản dị, đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên, quần chúng của trường và học viên. Năm 2015, Đảng ủy nhà trường tổ chức quán triệt chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức    Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” cho toàn thể đảng viên, quần chúng của Đảng bộ và học viên các lớp trung cấp LLCT - HC, hệ đào tạo tập trung học tại trường.

Đạt được kết quả trên trước hết là nhận thức của Ban Giám hiệu nhà trường về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng đối với học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị, chính vì nhận thức đúng đắn đó, nên Ban Giám hiệu đã quyết định tự biên soạn và bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy khi chưa có chỉ đạo của các cấp.

Thứ hai, Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính (chỉnh sửa bổ sung năm 2014) của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã được Ban Giám hiệu triển khai lập tức khi có giáo trình, do đó số lớp và số lượng học viên được học tập nội dung phòng, chống tham nhũng theo giáo trình của Học viện được triển khai tối đa theo kế hoạch hàng năm.

Thứ ba: giáo trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số tài liệu về phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Bình Thuận là cơ sở để giảng viên nghiên cứu, tham khảo và biên soạn bài giảng. Giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm giảng dạy, đảm bảo mục đích, yêu cầu của bài giảng.

Tuy nhiên, việc giảng dạy cũng gặp hạn chế, khó khăn nhất định như: thời lượng của bài giảng chỉ có 4 tiết nên việc thực hành các bài tập tình huống có liên quan đến nội dung phòng, chống tham nhũng khó thực hiện. Việc thanh tra, dự giờ, lấy phiếu ý kiến phản hồi của người học, đánh giá chất lượng giờ giảng chuyên đề này chưa được thực hiện. Việc bố trí giảng viên tham gia giảng dạy chuyên đề còn mỏng, chưa đảm bảo có người thay thế khi cần thiết.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,  Nhà trường cần phải tăng cường công tác dự giờ, thao giảng, lấy phiếu ý kiến người học về chuyên đề này. Khoa chủ quản cần phải tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi về kinh nghiệm, những vấn đề cần quan tâm khi giảng dạy chuyên đề về phòng, chống tham nhũng. Ban Giám hiệu nhà trường nghiên cứu bố trí thêm giảng viên có khả năng tham gia giảng dạy. Và trên hết là tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên về tầm quan trọng, ý nghĩa của nội dung phòng, chống tham nhũng để từ đó có sự chuẩn bị chu đáo hơn trước mỗi buổi lên lớp./.


Các tin khác