Tiết kiệm để ích nước, lợi nhà

Từ xa xưa, ông cha ta đã truyền tụng  câu ca dao “Buôn ghe, bán tàu không giàu bằng tiết kiệm”. Điều đó để nói lên tiết kiệm có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đời sống, vì nó mang lại lợi ích cho từng cá nhân, cho mỗi gia đình và toàn xã hội. Trong lúc đất nước còn nghèo, khoản nợ công phải trả còn rất lớn, năng suất lao động thấp, đời sống của một bộ phận không ít người dân còn khó khăn thì mỗi cá nhân, tổ chức - từ nhận thức cho đến hành vi của mình, luôn lấy tiết kiệm làm phương châm hành động trong cuộc sống, trong công tác để mang lại kết quả thiết thực, giúp ích cho nước, mang lợi cho nhà. 

Nghèo nhưng còn phung phí!

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Nhà nước ta thể chế hóa về mặt pháp lý bằng Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ban hành năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2013 để điều chỉnh các hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, nhân lực lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tuy vậy, thực tế tình trạng lãng phí đang xảy ra trên rất nhiều mặt hoạt động từ gia đình đến xã hội, trong mỗi ngành, mỗi cấp. Hiện nay, có những  địa phương đang dần khôi phục tục lệ cưới hỏi, đám đình rình rang, phô trương, hình thức, gây tốn kém về nhiều mặt. Với quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên sau mỗi dịp Tết cổ truyền hằng năm là việc tổ chức lễ hội tràn lan ở nhiều địa phương, và  đang bị biến tướng thành nơi bạo lực, cướp giật, gây phản cảm; đồng thời lãng phí không ít thời gian, tiền của trong nhân dân và xã hội. Có lẽ, ít ở đâu như Việt Nam, mật độ quán cà phê, quán nhậu mọc lên san sát; lượng khách tại các quán sá lúc nào cũng đông, kể cả vào thời điểm giờ làm việc hành chính. Kiểu tư duy phóng khoáng: “ăn chơi hoành tráng, lai láng rượu, bia”. Do vậy, không ít những tiệc tùng liên hoan được tổ chức thừa mứa!. Cho nên một con số chẳng lấy gì làm tự hào khi lượng tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam được xếp đứng đầu Đông Nam Á và thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc!. Liên quan vấn đề này, tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp thường niên 2015, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đã nêu dẫn chứng: “Việt Nam xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, nhưng chi ra 3 tỷ USD để tiêu thụ bia. Vậy bao nhiêu công sức của nông dân vật lộn với ruộng đồng làm ra gạo xuất khẩu chỉ đáng ngang tiền uống bia”. Không chỉ trong  tiêu dùng của đời sống xã hội mà ngay trong hoạt động của hệ thống các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước, tình trạng lãng phí cũng  xảy ra không ít; từ việc nhỏ như sử dụng văn phòng phẩm, điện, nước đến các loại tài sản, trang thiết bị mua sắm bằng  ngân sách nhà nước đắt tiền nhưng hiệu quả sử dụng kém: như trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập, mua sắm xe công vượt quá tiêu chuẩn quy định. Lĩnh vực  đầu tư công thiếu quy hoạch, trùng lắp, gây lãng phí rất lớn.  Vấn nạn quy hoạch “treo” ở các dự  án kéo dài nhiều năm không chỉ cản trở sinh hoạt đời sống, mà còn làm ngưng trệ việc sản xuất, kinh doanh của người dân, tổn thất không ít về kinh tế.

Trong khi năng suất lao động của Việt Nam theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2013, thuộc nhóm thấp nhất Châu Á-Thái Bình Dương; so với Nhật Bản, cao gấp Việt Nam 11 lần, Hàn Quốc gấp 10 lần; so với các nước Đông Nam Á, Thái Lan cao gấp 2,5 lần, Malaysia gấp 5 lần; đặc biệt so với Sigapore, gấp Việt Nam 15 lần. Cuối tháng 2 năm 2016,  Ngân hàng Thế giới (WB) chính thức công bố báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Dân chủ, Công bằng", cho biết mục tiêu đặt ra  năm 2035 là GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD, gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010. Như vậy Việt Nam phải đi thêm chặng đường 20 năm nữa, GDP bình quân đầu người mới bằng Malaysia cách đây 6 năm. Điều đó đáng để mọi người phải suy ngẫm. Ba điểm yếu kém là năng suất lao động thấp, lãng phí, tệ nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi đang là lực cản lớn trên con đường phát triển của mỗi địa phương và cả nước. Nếu không sớm khắc phục tình trạng này, chúng ta khó có thể rút ngắn được khoảng cách tụt hậu so với các nước trong khu vực, nói chi đến vươn lên làm giàu!

Tiết kiệm là quốc sách

Đó là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước xác định trong quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong lúc cả nước và tỉnh Bình Thuận chúng ta tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện tự lực, tự cường, phát huy nội lực là chính thì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng phải được quán triệt sâu sắc từ nhận thức đến hành động của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan, và từ gia đình cho đến xã hội. Phải thực sự thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”.  

Thực hành chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động ở cơ quan, những năm qua Trường Chính trị Bình Thuận đã có nhiều hoạt động cụ thể như: Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó đã khoán chi các khoản văn phòng phẩm và sử dụng điện thoại cơ quan, khoán tiền xe đi công tác cho các đối tượng không thuộc diện sử dụng xe cơ quan. Quy định hạn mức thời gian được thanh toán công tác phí cho hoạt động nghiên cứu thực tế, mức thanh toán công tác phí trong và ngoài tỉnh, thanh toán tiền thuê phòng nghỉ cho công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan đi công tác ở những nơi không bố trí phòng nghỉ; quán triệt cho mọi thành viên ý thức, trách nhiệm tiết kiệm điện, nước và  bảo quản tài sản cơ quan. Đáng lưu ý, năm 2015, số các đồng chí giảng viên của Trường có số giờ giảng vượt nghĩa vụ, nhưng không hưởng tiền thanh toán vượt giờ, do đó đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước lên đến gần 150 triệu đồng.  Những  quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở Trường Chính trị, không chỉ mang lại lợi ích cho mọi thành viên trong cơ quan, mà còn tiết kiệm kinh phí cho cơ quan và ngân sách của Nhà nước.

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua; đồng thời tiếp tục nhiệm vụ trước mắt phải thực hiện tốt những quy định tại Quyết định số  253/2016/ QĐ-TTg ngày 17/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, trong đó một số điểm có liên quan đến hoạt động của Trường Chính trị như: tiết kiệm 10% chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tiếp khách, tổ chức lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm;  tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học; tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện quản lý chặt chẽ thời giờ lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng và đảm bảo hiệu quả công việc của công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan.

Năm 2016 là năm thứ 10 thực hiện chủ trương của Đảng về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mọi cấp, mọi ngành; mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác về mọi mặt, trong đó thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là điều phải hết sức quan tâm thực hành thật tốt./.


Các tin khác