Điện Biên Phủ - chiến thắng vĩ đại của tinh thần đoàn kết quân, dân

Những ngày này, cả nước đang hướng về Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi này, trong đó phải nhắc đến sự quyết tâm cao độ, tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng của quân và dân ta chi viện, chiến đấu cho tiền tuyến Điện Biên Phủ.

Để tập trung giành thắng lợi, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước huy động tối đa sức mạnh vật chất, tinh thần, với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ; tất cả để chiến thắng”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhân dân dồn sức người, sức của chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Một hệ thống tuyến đường vận tải gồm cả thủy, bộ được tổ chức chặt chẽ, hàng trăm ô tô, hàng nghìn thuyền mảng, hàng chục nghìn xe thồ, ngựa thồ, dân công vượt qua những đoạn đường hiểm trở bị địch đánh phá ác liệt, ngày đêm vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men cung cấp cho chiến dịch.

210 ngày (từ tháng 11/1953 đến tháng 7/1954), với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, quân dân Việt Nam đã đảm bảo cung cấp cho chiến dịch về mọi mặt bao gồm:

3.168 người là quân số hậu cần chiến dịch, được phân bố trong 7 đội điều trị, 1 đội vận tải ô tô 446 xe, binh trạm 18 và trạm điều chỉnh giao thông, kho quân nhu, quân khí. Lực lượng tăng cường có: 4 tiểu đoàn công binh sửa đường, 2 đại đội thông tin, 2 tiểu đoàn 37mm (24 khẩu) và đại đội 12,7mm.

261.453 dân công với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ, 18.200 cán bộ và đội viên thanh niên xung phong.

Vũ khí, quân trang, lương thực, thực phẩm được quân dân vận chuyển, cung cấp cho Chiến dịch gồm: 25.056 tấn gạo (trong đó Việt Bắc: 5.229 tấn, Liên khu III: 1.464 tấn, Liên khu IV: 9.052 tấn, Tây Bắc: 7.331 tấn, khu vực Nậm Hu và Thượng Lào 2.000 tấn); 1.824 tấn thịt và thực phẩm:  Trong đó, 907 tấn thịt (Việt Bắc: 454 tấn, Liên khu III: 64 tấn, Tây Bắc: 389 tấn), 917 tấn các loại thực phẩm khác; 1.860 lít dầu ăn và 280 kg mỡ; 71 tấn quân trang, 1.783 tấn xăng dầu, 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y; 10.130 thương binh và bệnh binh đã được điều trị; 30.759 tấn vũ khí đạn dược được cung cấp cho chiến dịch, trong đó tiêu thụ hết 19.989 tấn.

Trừ số tiêu hao dọc đường, số hàng tới được mặt trận để cung cấp cho quân đội là 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô, 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu và 177 tấn vật chất khác. Số lượng hàng hóa bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó 53.830 là bộ đội chủ lực (dự kiến 35.000 người) và 33.300 thanh niên xung phong/dân công phục vụ chiến dịch; vận chuyển và cứu chữa 8.458 thương bệnh binh (dự kiến 5.000).

500-600 km là khoảng cách từ hậu phương đến chiến trường Điện Biên Phủ, với điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới đã hư hỏng, không có đường thủy, thời tiết khí hậu thất thường, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu. Nhân dân Việt Nam đã tiến hành một cuộc vận động nhân dân chi viện tiền tuyến lớn lao chưa từng có trong kháng chiến chống Pháp, đã huy động một khối lượng lớn sức người, sức của ở cả vùng tạm bị địch chiếm, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Việt Bắc và đặc biệt là Tây Bắc - hậu phương hậu cần tại chỗ của chiến dịch.

56 ngày đêm, với 3 đợt chiến đấu (đợt 1 từ 13 đến 17/3/1954; đợt 2 từ 30/3 đến 30/4/1954; đợt 3 từ 01/5 đến 07/5/1954), tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, trung tâm đề kháng của địch, quân và dân ta đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của địch, đánh bại biện pháp tác chiến chiến lược cuối cùng, những nỗ lực quân sự cuối cùng của địch, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Xác định Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định, xoay chuyển cục diện chiến tranh đã khẳng định sự tài tình trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng.

16.200 tên địch bị tiêu diệt và bắt sống, trong đó có 11.721 tù binh. Số quân sĩ Pháp bị tiêu diệt và bị bắt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng 4% quân số địch ở Đông Dương, 20% lính Âu - Phi. Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bị bắt là 1.706 người, gồm 1 chuẩn tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Về không quân, Pháp bị tổn thất 59 phi cơ bị phá hủy; ngoài số máy bay bị phá hủy, còn có 186 phi cơ khác bị hư hại ở các mức độ khác nhau. Về vũ khí, Pháp mất toàn bộ trang bị vũ khí, xe tăng và pháp binh ở Điện Biên Phủ. Quân đội Việt Nam đã thu giữ 28 khẩu đại bác và súng cối các loại, 5.915 khẩu súng bộ binh lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng, bắn rơi 62 máy bay và một số quân trang, quân dụng khác.

4.020 chiến sĩ hy sinh, 792 chiến sĩ mất tích, 9.118 chiến sĩ bị thương là con số mất mát và đau thương của quân đội Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chỉ 1 ngày sau khi Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau Hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. 

Để có được chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đã có những tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Có thể kể đến những tấm gương tiêu biểu của các anh hùng Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện.

Anh hùng Phan Đình Giót

Phan Đình Giót sinh năm 1922, là người con của Hà Tĩnh. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cùng với bạn bè cùng trang lứa anh xin tham gia tự vệ chiến đấu. Đến năm 1950, anh xung phong đi bộ đội chủ lực. Mùa Đông năm 1953, đơn vị anh được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiều 13/3/1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo. Các chiến sĩ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều.

Lòng căm thù quân giặc lên cao, Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Lợi dụng thời cơ địch hoang mang, anh lao lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh bị thương ở vai và đùi, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng bất ngờ từ hỏa lực lô cốt số 3 của địch bắn rất mạnh vào đội hình của ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, anh cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng duy nhất là dập tắt lô cốt này. Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi rướn người lấy đà lao cả tấm ngực vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phan Đình Giót hy sinh lúc 22h30p ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Phan Đình Giót được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 31/3/1955.

Anh hùng Tô Vĩnh Diện

Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, là người con của tỉnh Thanh Hóa. Năm 1946, anh tham gia dân quân ở địa phương, đến năm 1949 anh xung phong đi bộ đội.

Tháng 5/1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ. Trong quá trình hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1.000km tới vị trí tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn nhận những nhiệm vụ khó khăn, nặng nhọc, động viên giúp đỡ đồng đội kéo pháo đến nơi an toàn.

Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối, đường hẹp cong và rất nguy hiểm, anh cùng đồng chí pháo thủ Lê Văn Chi xung phong lái pháo. Đến nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng lái cho pháo thẳng đường. Nhưng một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Chi bị hất văng ra. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo”, và anh buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó các anh em đồng đội kịp ghìm giữ pháo lại. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của anh đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Ngày 7/5/1955, Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Bế Văn Đàn

Bế Văn Đàn sinh năm 1931, là người con của tỉnh Cao Bằng. Năm 1948, anh xung phong vào bộ đội giữa lúc cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra quyết liệt. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta lúc bấy giờ đang ở giai đoạn quyết liệt, Đảng cộng sản Đông Dương quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, đơn vị hành quân đi chiến dịch, anh được phân công làm liên lạc tiểu đoàn. Một đại đội của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây giữ Pháp ở Mường Pồn. Lúc đó khi thấy lực lượng của Việt Minh ít, quân Pháp tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị quân Việt Minh đánh bại. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt, quân Pháp liều chết xông lên, quân Việt Minh kiên quyết ngăn chặn chốt giữ.

Nhận lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, tạo điều kiện các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch. Mặc dù Bế Văn Đàn vừa đi công tác về nhưng khi thấy chỉ huy thông báo, anh đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Anh vượt qua lưới đạn dày đặc của Pháp, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trận đấu càng ngày càng diễn ra ác liệt hơn, anh được lệnh ở lại đại đội chiến đấu cùng đồng đội.

Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội Việt Minh bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng không bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn nói: “Kẻ thù trước mắt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi”. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh bị thêm hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Sự hy sinh của Bế Văn Đàn đã trở thành tấm gương tiểu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ngày 31/8/1955, Bế Văn Đàn được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 Minh Hoài (tổng hợp)


Các tin khác