Hướng đến kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, nhân dân ta, vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời gian khổ hy sinh, nhưng vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Trong đó, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toát lên tính “chân thành, thân thiện” trong suốt cuộc đời cống hiến cho hoạt động cách mạng, hy sinh vì đất nước. “Đó là phong cách của một con người với nhân cách siêu việt, cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí minh mẫn, cái hành mực thước, phong cách của một lãnh tụ, một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản chân chính, người anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là nhà văn hóa kiệt xuất”[1]. Phong cách đó không phải được hình thành ngay một lúc mà là một quá trình lâu dài xuyên suốt cuộc đời của Người. Đó là một sản phẩm mang dấu ấn của văn hóa dân tộc và nhân loại, bản lĩnh cũng như sự trải nghiệm sâu sắc của Người.
Người tiếp biến những giá trị ứng xử truyền thống của dân tộc; làm giàu phong cách ứng xử của mình bằng giá trị tích cực về cách ứng xử trong các học thuyết của phương Đông như Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo… và những giá trị tích cực trong ứng xử của văn hóa phương Tây. Nhưng tuyệt nhiên “Hồ Chí Minh không phải là số cộng của Việt Nam và thời đại, mà là sự kết tinh dân tộc và thời đại, tạo thành một hợp chất mới đầy sáng tạo”[2]. Do đó, phong cách ứng xử chính trị Hồ Chí Minh còn là sản phẩm của nhân cách Hồ Chí Minh. Chính những nhân tố khách quan được lắng đọng và thẩm thấu qua nhân cách của Người để tạo thành những giá trị, hình thành nên một trong những đặc trưng cho phong cách ứng xử Hồ Chí Minh: “Chân thành, thân thiện”.
Nhà sử học người Pháp Charles Fourniau[3] đã nhận xét: “Con người mà sự có mặt phi thường như choáng hết cả gian phòng, có thể nói làm xóa nhòa sự có mặt của những người khác; nhưng sự săn sóc, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp và hòa nhã của Người đối với khách làm cho người ta trong phút giây đầu thấy đôi chút lúng túng, nhưng sau đó lại tạo ra bầu không khí thân mật, thoải mái ngay”[4]. Đây là cảm nhận chung của những người đã có dịp được tiếp xúc với Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, Người đã chủ động xóa đi mọi nghi thức, đến thẳng với trái tim con người bằng một tình cảm thân thiết, gần gũi như người nhà, không một chút gắng gượng. Sự ân cần, niềm nở đó xuất phát từ cái tâm của Hồ Chí Minh, một tấm lòng chân thành và trong sáng. Sự chân thành, tự nhiên trong phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh còn được thể hiện trong các cuộc gặp mặt hay những buổi hay những buổi làm việc trang trọng, chỉ một lời chào hỏi thân tình, một thái độ giao tiếp niềm nở, Người đã xóa đi mọi sự cách biệt về đẳng cấp, chức vụ, giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân. Trong không khí trang trọng của ngày 02/9/1945, khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, người đã dừng lại hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, câu nói đó đã xóa đi khoảng cách giữa Người với Nhân dân, đồng bào đang đứng dưới quảng trường. Đây là một kiểu giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng Nhân dân.
“Lên thềm nắm tay dắt
Vào nhà vui liên hoan
Rượu ngon trong chén ngọc
Ba chén một hơi tròn
Rằng gặp người tri kỷ
Ngàn chén chẳng từ nan”[5]
Đó là những vần thơ xúc động của nhà thơ Quách Mạt Nhược, khi đó là Viện trưởng Viện khoa học Trung Quốc khi gặp gỡ Hồ Chí Minh. Người đã đối đãi nhà thơ bằng tấm chân tình của mình, như một người anh em tri kỷ.
Sự chân thành đó Hồ Chí Minh còn dành cho cả những người đã từng ở bên kia chiến tuyến. Trong bức thư gửi J. Sainteny[6] vào tháng 02/1947 - thời điểm chiến tranh Việt - Pháp đã bùng nổ, Hồ Chí Minh viết: “Bạn thân mến!...Tôi muốn được nhắc lại với ông, mặc dù mọi việc đã xảy ra, giữa ông và tôi, chúng ta vẫn còn là bạn”[7]. Sau Hiệp định Giơnevơ, ông làm lãnh sự đầu tiên của nước Cộng hòa Pháp tại Hà Nội. Sau mười năm gặp lại với những cử chỉ thân tình Hồ Chí Minh đã để lại trong J. Sainteny những ấn tượng khó quên “Chúng tôi cũng mất đến một phút nặng nề trôi qua, không, không đến một phút đâu…, có lẽ chỉ vài giây thôi, rồi ông Hồ tiến lại phía tôi mà nói rằng “Nào, chúng ta ôm hôn nhau đi chứ!”. Và chúng tôi đã ôm hôn nhau. Chính lúc đó ông ấy nói với tôi: “Chúng ta đã đánh nhau, đánh nhau quá nhiều, song rất trung chính. Bây giờ cần quên đi tất cả những cái đó, cần cùng nhau làm việc..”[8]. Hồ Chí Minh chào đón J. Sainteny bằng tình bạn, chứ tuyệt nhiên không phải là sự kiêu ngạo của người chiến thắng. Tấm lòng chân thành, thân thiện và tình cảm trong sáng của Hồ Chí Minh đã chinh phục được những người không cùng chí hướng với cách mạng Việt Nam.
Sự chân thành ở Hồ Chí Minh là không dấu diếm ý định và mục đích của mình, trình bày nó một cách công khai. Mục đích chính trị của Người là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân và sự tiến bộ của nhân loại. Bằng ngòi bút và những hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã dám bóc trần tội ác của thực dân Pháp ngay tại Pari. Tháng 12/1920 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp, khi được hỏi tại sao bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, Người đã trả lời: “Rất đơn giản, Quốc tế III nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ, vì vậy tôi bỏ phiếu tán thành Quốc tế III. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[9].
Đối với quốc dân, với bạn bè, đồng chí… Hồ Chí Minh luôn ân cần, chu đáo, quan tâm. Nhưng khi giải quyết những vấn đề liên quan tới vận mệnh của dân tộc, của nhân dân thì chân thành đi liền với sự tỉnh táo dựa trên sự phân tích khoa học những vấn đề chính trị, trên cơ sở hiểu rõ thời thế cũng như thái độ, sự tính toán của các quốc gia, lực lượng có liên quan và dựa trên sức mạnh nền tảng của dân tộc.
Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh luôn kêu gọi Mỹ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tuân thủ những điều khoản trong Hiệp định Giơnevơ. Rõ ràng, mục đích chính trị của Hồ Chí Minh luôn rõ ràng và nhất quán, luôn chân thành, đó là mong muốn được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, có quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không gây thù oán với một ai. Sự chân thành đó được thể hiện xuyên suốt cuộc đời hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh, nó phù hợp với lương tri thời đại và góp phần thức tỉnh lương tri thời đại.
Như vậy, phong cách “chân thành, thân thiện” của chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới sự thanh cao, giản dị, ung dung, tự tại, tinh thần nhân văn, lạc quan và tình yêu cuộc sống. Chính phong cách ấy luôn có sức tỏa sáng và quy tụ triệu triệu con người, là động lực to lớn để những người “đày tớ trung thành” nguyện phấn đấu hết mình vì hạnh phúc của Nhân dân; bởi từ lâu chúng ta đã nhận thức được rằng: cán bộ là “cái gốc của mọi việc”; vì vậy “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đó cũng chính là việc học tập, thực hành phong cách ứng xử “chân thành, thân thiện” của cán bộ, đảng viên; trong công việc, trong mối quan hệ với Nhân dân có cách ứng xử chuẩn mực, lập trường chính trị vững vàng, tận tụy và trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng lành mạnh, điều đó chẳng những có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và uy tín cá nhân, mà đó còn là niềm tin của Nhân dân, là uy tín của Đảng và Nhà nước./.
ThS. Huỳnh Văn Thông
Khoa NN&PL
[1] Nguyễn Văn Khoan (2005), Nhân ái Hồ Chí Minh, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, tr.150
[2] Phạm Văn Đồng (2012), Hồ Chí Minh - tinh hoa và khí phách dân tộc, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.239
[3] Ông sinh ngày 17/9/1920, đỗ thạc sĩ năm 1949 và tiến sĩ sử học năm 1983 với luận án Cuộc chinh phục Trung Kỳ và Bắc Kỳ 1885-1896 (La conquête de l’Annam et du Tonkin 1885-1896). Ông đã viết nhiều sách như: Trung Kỳ - Bắc Kỳ 1885-1896: Sĩ phu và nông dân Việt Nam đối đầu với cuộc chinh phục thực dân (Annam - Tonkin 1885-1896: Lettrés et paysans viêtnamiens face à la conquête coloniale ) (1989); Việt Nam: Sự thống trị thuộc địa và cuộc kháng chiến dân tộc 1858-1914 (Vietnam: domination coloniale et résistance nationale 1858-1914) (2002).
[4] Song Thành (2010), Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.171.
[5] Lê Huy Tiêu (2010)< http://www.honvietquochoc.com.vn/baiviet/1342-hinh-anh-ho-chu-tich-trong-tho-van-trung-quoc.aspx>. Truy cập 29-02-2024.
[6] Jean Sainteny (1907-1978) là một chính khách và cựu sĩ quan tình báo người Pháp. Ông là người giữ vai trò quan trọng đại diện cho chính phủ Pháp tại Đông Dương trong những năm 1945-1946. Ông đại diện cho phía chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946.
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.79
[8] Song Thành (2010), sđd, tr.173
[9] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 53