TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN

  • /
  • 2.5.2013 - 10:23

Là một nhà chính trị vừa là một thầy giáo, hơn ai hết Bác Hồ thấy rõ không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng, sách báo chính là một nguồn quan trọng cung cấp và phổ biến lý luận cách mạng cho quần chúng. Đối với Bác tác dụng của sách báo và thư viện rất quan trọng, nó không chỉ giúp ích cho việc học tập, nâng cao trình độ mà trong những bối cảnh nhất định, nó còn có tác dụng to lớn hơn cả bom đạn.

Là một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của dân tộc, Hồ Chí Minh đã có những ý tưởng, việc làm và dành rất nhiều sự quan tâm của mình đến công tác phát triển thư viện. Những năm bôn ba tìm đường cứu nước, sau những buổi làm tàu, làm bếp, quét dọn…Bác đều dành nhiều thời gian đến thư viện. Người đã từng là bạn đọc tích cực của một số thư viện, tiêu biểu là Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Đại học Phương Đông. Nhờ sử dụng sách báo tại các thư viện này mà Người đã có nhiều tư liệu quý báu để viết sách, báo và nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng. Đọc “Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử”, tập 1, chúng ta càng biết được về thời gian và số lần cụ thể Bác đến thư viện.

Có một điều rất thú vị và bất ngờ mà có thể trong chúng ta có người chưa biết, đó là trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lúc trực tiếp tham gia làm công tác thư viện. Ngay thời điểm Bác tham gia “Hội Liên hiệp thuộc địa” - một tổ chức tiến bộ kêu gọi các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng, vào những năm 1921 - 1922, Hội có  một thư viện nhỏ và thường xuyên phân công những thành viên trong Ban tổ chức của thay phiên nhau quản lý thư viện này. Do đó, trong thời gian này, ngoài việc đi làm thuê để kiếm tiền, tham dự các buổi mitting, Bác còn tham gia làm công tác thư viện cho Hội. Mặc dù không qua trường lớp đào tạo nhưng Bác đã làm hết sức cẩn thận và rất chu đáo.

Đến năm 1923, trước khi rời Pháp để sang Nga, Bác đã viết thư để lại cho bạn bè ở trong Hội và báo “Người cùng khổ”, trong đó Người đã không quên giao lại sổ thư viện. Bức thư có đoạn: “Sổ thư viện để trong ngăn kéo bên phải. Sách cho mượn đã lấy về trừ những sách cho những hội viên đi nghỉ mượn” (1).  

Sau này, trong cuốn “Đường kách mệnh” phần “Cách tổ chức công hội”, khi nêu ra lý do vì sao các hội viên phải đóng lệ phí, Bác đã nêu ra bảy điểm sẽ làm, trong đó điểm thứ ba là lập nơi xem sách báo cho công nhân được đặt bên cạnh việc lập trường học, nhà thương cho công nhân và cho con em họ. Điều đó chứng tỏ ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến công tác thư viện và việc phục vụ nhu cầu đọc sách báo, một nhu cầu thiết yếu của con người được đặt cùng với nhu cầu được học tập và nhu cầu được chữa bệnh khi đau ốm.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngay sau khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã ký "Sắc lệnh số 18 - ngày 31/01/1946 về cách tổ chức việc lưu chiểu văn hóa phẩm trong nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nội dung sắc lệnh được ấn định trong 6 chương và 19 điều" (2) . Sắc lệnh này được thi hành góp phần đảm bảo cho các thư viện có điều kiện thu thập, tàng trữ và sử dụng các tài liệu được xuất bản trên đất nước Việt Nam để đáp ứng nhu cầu đọc sách của mọi công dân và cán bộ. 

Nhận thức được sự cần thiết phải tổ chức công tác thư viện, Hồ Chí Minh đã luôn có những nhận xét, đánh giá về việc tổ chức và phát triển thư viện ở các nước khác nhau. Đánh giá về các triều đại đã qua, Người đã không đồng ý với Tần Thủy Hoàng - vị vua tuy có đầu óc cách tân nhưng đã có hành động bạo ngược “đốt sách chôn học trò”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất khâm phục đội quân Hồng Quân Liên Xô, đội quân  đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Hệ thống thư viện trong quân đội Xô Viết đã cung cấp sách báo cho các chiến sĩ, chính điều này đã góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh tinh thần cho đội quân ấy. 

Thấy được vai trò, tác dụng của thư viện và nhất là đã trực tiếp từng tham gia làm công tác thư viện, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều việc làm và sự đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển thư viện của nước nhà. Theo nhà văn Sơn Tùng - tác giả của “Búp sen xanh”: ngay từ khi còn trẻ, lúc làm thầy giáo ở Trường Dục Thanh - Phan Thiết (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh tỉnh Bình Thuận), thầy Nguyễn Tất Thành đã nung nấu suy nghĩ lập ra một thư viện trong nhà trường để cho các học trò đọc. Nhưng điều thiêng liêng ấy đã không thực hiện được, trước lúc rời xa, Người đã để lại một số tiền góp vào quỹ xây dựng thư viện của trường Dục Thanh (3).

Trong một lần khác, Hồ Chí Minh đã ngỏ ý nhờ đại sứ Cộng hòa dân chủ Đức tại Việt Nam mượn cuốn sách mà Người đã có dịp xem lúc còn hoạt động bí mật ở BecLin. Vị đại sứ đã tìm và xin được tặng cuốn sách ấy cho Hồ Chí Minh. Song,  trong sách lại có in dấu thư viện. Thấy vậy, Người đã kiên quyết trả lại. Và Người nhắc nhở: không được lấy sách thư viện để tặng như vậy. Đó chính là thái độ trân trọng của Người đối với các nguyên tắc sử dụng thư viện.

Và sau khi trở thành Chủ tịch nước, Người cũng luôn quan tâm đến việc xây dựng tủ sách cho các em thiếu nhi. Bằng nhiều cách khác nhau, Người luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để có sách cho các em đọc. Khi mọi người đề nghị Bác tổ chức sinh nhật, Người đã không đồng ý và nói đó là lãng phí, khi mà trẻ em thiếu sách, không có trường để học. Chính điều giản dị và thiết thực này, sẽ mãi là bài học cho chúng ta, mà trước hết, là cho những người đang và sẽ tiếp tục làm công tác thư viện trong giai đoạn mới hiện nay.

Bác đã đi xa, tên tuổi và sự nghiệp của Người sẽ còn sống mãi với non sông đất nước Việt Nam. Với những người làm công tác thư viện - những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận văn hóa, những  kỷ  niệm  và  công  lao  của  Người  trong việc xây dựng nên phong trào đọc sách ở trong nhân dân và đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ mãi là điều động viên, khích lệ cho chúng ta có nhiều việc làm và đóng góp sức mình để xây dựng cho sự nghiệp phát triển thư viện của nước nhà ngày càng vững mạnh hơn./.

                Phạm Thị Hoài

                  Phòng Nghiên cứu KH-TT-TL 


 

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 (1912 - 1924).-H.: Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011.- tr.209.

(2) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3 (1945 - 1946).- H.: Nxb Chính trị quốc gia, 2006.- tr.144.

(3) Tác phẩm Búp sen xanh.- Sơn Tùng.- H.: Nxb Kim Đồng, 2005.- tr. 257  đến  tr.289.


  • |
  • 1217
  • |

Các tin khác