Nhiều đề án, mục tiêu quốc gia của Việt Nam về bình đẳng giới như: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015”; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2025; Đề án Thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020; Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025,… đã và đang được triển khai đồng bộ, mang lại những thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam cũng giảm bất bình đẳng giới nhanh hơn hầu hết các nước đang phát triển trong 20 năm qua[1]. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được Mục tiêu phát triển Thiên niên kỉ về trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và có nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể:
Về chính trị, nhiều phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Trong đó, tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh trung bình toàn quốc đạt 16% (tăng 02% so với cuối nhiệm kỳ trước), vượt chỉ tiêu theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp. 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cán bộ nữ trong ban thường vụ; 09 bí thư nữ, 14 phó bí thư nữ; 35 tỉnh có tỷ lệ cấp ủy viên là nữ từ 15% trở lên (tăng 5 tỉnh so với nhiệm kỳ trước), trong đó cao nhất là tỉnh Tuyên Quang với tỷ lệ cấp ủy viên nữ là 29,2%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 27,31%, tăng 3,11% so với khóa XIII. Lần đầu tiên, Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia, cao hơn mức trung bình của thế giới là 25%. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng tăng hơn so với nhiệm kỳ 2010- 2015 ở cả ba cấp tỉnh, huyện và xã[2]. Tính đến tháng 7/2020, có 11/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt, đạt 36,6%; 19,63% Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có nữ lãnh đạo chủ chốt đạt 30,1%[3].
Về kinh tế, nữ giới cũng chiếm tỷ lệ cao và có vai trò rất quan trọng trong kinh tế. Tính đến tháng 10/2019, toàn quốc có 285.689 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước[4]. Bên cạnh đó, doanh nghiệp do nữ giới làm chủ thường có sự phát triển toàn diện, bền vững và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Về giáo dục, nữ giới có nhiều đóng góp to lớn, năm 2019, tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt 44,2% và nữ tiến sỹ đạt 28%[5]. Tỷ lệ biết chữ của nữ giới trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 97,33% so với nam giới là 97,98%. Tỷ lệ biết chữ của nữ độ tuổi từ 15 - 60 ở 14 tỉnh thành có điều kiện kinh tế khó khăn đạt 92,85%; tỷ lệ nữ là dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi từ 16 - 60 đạt 90,45%.[6]
Về y tế và chăm sóc sức khoẻ, bình đẳng giới trong lĩnh vực này cũng đạt được những kết quả tích cực. Tuổi thọ bình quân của nữ giới Việt Nam đạt 76 tuổi, cao hơn của nam giới (70 tuổi), cao hơn của nữ giới trong khu vực (73 tuổi), nữ giới ở châu Á (72 tuổi), và nữ giới trên thế giới (72 tuổi)[7].
Ngoài ra, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu việc thực hiện bộ 13 chỉ số trao quyền cho phụ nữ trên 3 phương diện: sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; và trao quyền kinh tế xã hội so với 12 nhóm quốc gia, khu vực đối chứng (gồm cả quốc gia phát triển và đang phát triển)[8].
Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) là 0,704 đưa Việt Nam vào nhóm phát triển con người cao và xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ[9]. Đáng chú ý, tiến bộ phát triển con người của Việt Nam đã đạt được với mức độ bất bình đẳng vừa phải và ổn định. Mức giảm giá trị HDI của Việt Nam do bất bình đẳng vào năm 2019 là 16,5%, giảm thu nhập do bất bình đẳng là 19,1% và hệ số GINI (đo lường bất bình đẳng thu nhập) ở mức 35,7 - một trong những mức thấp nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Để đạt được kết quả tính cực trên, Đảng và Nhà nước đã sớm xác định nam nữ bình quyền từ khi Đảng ra đời và thể hiện rõ trong Hiến pháp, trong Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ vào năm 1982, thông qua Luật Bình đẳng giới vào năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình vào năm 2007 cùng Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020.
Bên cạnh những thành tựu trên, Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc giải quyết bất bình đẳng giới. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động là 71,2%; nhưng vị thế công việc của phụ nữ còn thấp, trong đó 52,1% thuộc lao động đơn giản và 66,6% là lao động gia đình. Vì thế thu thập bình quân của phụ nữ là 5,22 triệu đồng/tháng, bằng 81,1% mức thu nhập bình quân của nam giới (5,92 triệu đồng/tháng)[10]. Không chỉ vậy, sự chênh lệch này đang ngày càng mở rộng ở nhóm lao động có trình độ, rõ nét nhất ở cấp độ chưa qua đào tạo. Thu nhập của lao động nữ thấp hơn so với lao động nam cùng trình độ là 8,1%, nhưng nếu ở nhóm trình độ đại học trở lên thì mức chênh lệch này lên tới 19,7%.
Lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.
Những vấn đề đã và đang tồn tại trên là trở ngại rất lớn cho công tác bình đẳng giới. Do đó, cần phải nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật, các chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới; tập trung vào chính sách giảm các rào cản tham gia thị trường lao động trên cơ sở giới để đảm bảo phát triển kinh tế, đặc biệt là tận dụng được toàn bộ tiềm năng của phụ nữ trên thị trường lao động, nhằm tăng hiệu quả kinh tế vĩ mô. Cần chú trọng vào việc tạo, tìm kiếm việc làm cho phụ nữ vì việc làm có thể trực tiếp giúp phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và các lợi ích liên quan. Ngoài ra, nâng cao cơ hội việc làm cho phụ nữ cũng có tác động thúc đẩy tích cực tới quyền tự quyết, khả năng kiểm soát, và quyền lực của phụ nữ, là những yếu tố quan trọng với hạnh phúc và thành công của họ.
Giải phóng và phát triển toàn diện đối với phụ nữ là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách và thành quả trong việc thực hiện giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong nhiều năm qua. Thành quả này sẽ được Việt Nam tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt mức cao hơn trong thời gian tới. Bởi lẽ bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà là nền tảng cần thiết cho một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển toàn diện và bền vững./.
[1] Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc, 2018.
[2] Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị do Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Oxfam Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 22/09/2020.
[3] Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020
[4] Số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ kế hoạch đầu tư
[5] Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
[6] Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020
[7] Theo số liệu của chuyên trang công tác Cán bộ nữ, Bộ nội vụ
[8] Báo cáo Phát triển con người năm 2019. Bất bình đẳng trong Phát triển con người ở thế kỷ 21 của UNDP.
[9] Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu năm 2020 - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[10] Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2020