Tin mới nhất

Một số trao đổi nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế đối với học viên các lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính

Lý luận và thực tiễn luôn gắn bó mật thiết với nhau, nghiên cứu lý luận trong nhà trường là cơ sở để học viên vận dụng lý luận để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Thực hiện tốt những yêu cầu này là góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ học tập lý luận Chính trị - Hành chính.

Phương châm hàng đầu của giảng dạy và học tập lý luận chính trị là: “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”. Trong chương trình trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính đã thực hiện hoạt động giảng dạy lý luận gắn liền với nhiệm vụ nghiên cứu thực tế đối với học viên.  Sau khi kết thúc chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, học viên phải thực hiện việc nghiên cứu thực tế nhằm nâng cao khả năng vận dụng lý luận của học viên vào thực tiễn cuộc sống.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lý luận phải đem ra thực hành, thực hành phải nhằm theo lý luận”[1]. Lý luận và thực tiễn luôn gắn bó mật thiết với nhau. Do vậy, nhiệm vụ nghiên cứu thực tế đối với học viên rất quan trọng. Hơn nữa, nghiên cứu thực tế được xem là nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính được nhà trường tổ chức vào cuối khóa học. Nghiên cứu thực tế giúp học viên rèn luyện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn để đánh giá, phân tích vấn đề cụ thể ở cơ sở, góp phần thực hiện nguyên tắc:“lý luận gắn với thực tiễn”. Sau khi kết thúc đợt đi thực tế, học viên phải viết bài thu hoạch theo nội dung kế hoạch nghiên cứu thực tế của trường. Nội dung các vấn đề nghiên cứu thực tế là những vấn đề cơ bản trong phần học của chương trình Trung cấp LLCT - HC, được tổ chức phù hợp và thiết thực, sát với mục tiêu, chương trình đào tạo của Học viện cũng như của nhà trường. Qua chuyến đi này, học viên sẽ được thâm nhập vào đời sống thực tế để làm rõ hơn những kiến thức đã được các giảng viên giảng dạy, như: Tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; quá trình, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền các cấp, mô hình tổ chức các đô thị, thành phố; các khu công nghiệp; các mô hình điển hình sản xuất kinh doanh giỏi… Bên cạnh đó, học viên còn được về với các địa danh lịch sử để sống lại với những năm tháng hào hùng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta dưới ánh sáng soi đường của Đảng cộng sản Việt Nam để giáo dục truyền thống, chủ nghĩa yêu nước và lòng tự hào dân tộc; được tìm hiểu về đời sống và các phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc thiểu số…

Trong nhiều năm qua, Trường Chính trị Bình Thuận đã thực hiện tốt công tác này và hiệu quả đạt được ngày càng cao. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu thực tế, bản thân thiết nghĩ cần phải nên quán triệt và thực hiện hiện tốt một số nội dung sau:

Trước hết, đối với học viên: cần có nhận thức đúng đắn, nghiêm túc về hoạt động nghiên cứu thực tế, đây là hoạt động thực tiễn, là nội dung bắt buộc được quy định trong Chương trình đào tạo trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính. Đời sống kinh tế - xã hội ở từng địa phương rất đa dạng, phong phú, luôn vận động và thay đổi từng giờ, từng ngày. Vì vậy, trách nhiệm của học viên qua nghiên cứu thực tế là nắm bắt cập nhật tình hình và những thông tin kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị để vận dụng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương, đơn vị mình công tác. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu thực tế cũng chính là hình thức học tập, học trong thực tiễn cuộc sống.

Đồng thời, học viên không được đồng nhất việc đi nghiên cứu thực tế với việc đi tham quan du lịch, nghỉ dưỡng. Trong chương trình đi nghiên cứu thực tế phải có sự chủ động nghiên cứu, thu thập nội dung để phục vụ tốt cho bài thu hoạch sau chuyến đi.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn địa điểm, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho chuyến nghiên cứu thực tế cũng là một điểm quan trọng. Cần thảo luận, bàn bạc dân chủ, kỹ lưỡng tạo sự thống nhất cao trong tập thể lớp để tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế phù hợp.

Thứ hai, đối với nhà trường: Cần làm tốt hơn công tác liên hệ về nội dung báo cáo cho đúng với chủ đề theo kế hoạch nghiên cứu thực tế. Nếu trong quá trình liên hệ có thay đổi nội dung thì người báo cáo phải có sự báo trước cho đoàn đi. Thực hiện tốt công tác này, sẽ giúp học viên có sự chuẩn bị sâu kỹ hơn, chủ động hơn trong quá trình tiếp thu nội dung báo cáo. Ngoài ra, phải thực hiện tốt việc hướng dẫn nội dung nghiên cứu thực tế, viết thu hoạch và đánh giá báo cáo thu hoạch một cách chất lượng, hiệu quả.

Tổ chức tốt các chuyến đi nghiên cứu thực tế, học viên thấy được tính gần gũi giữa lý luận và thực tế, từ đó tạo niềm tin mạnh mẽ vào lý luận, vào các chủ trương, chính sách và quyết tâm thực hiện, thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước trên các lĩnh vực là rất cần thiết.Với mục đích, ý nghĩa đó, để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường, chúng ta cần tổ chức thực hiện hoạt động này một cách khoa học, phù hợp./.

 


[1] Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr. 234 - 235.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số