Tin mới nhất

Đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong công tác giảng dạy ở trường chính trị

Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng.

Người nhấn mạnh: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]. Đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giảng dạy lý luận chính trị là yêu cầu cấp thiết và giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Theo quan điểm triết học Mác xít, thực tiễn là những hoạt động vật chất cảm tính, có mục đích, có tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo, làm biến đổi tự nhiên và xã hội. Lý luận là một hệ thống những tri thức được khái quát từ thực tiễn. Nó phản ánh những quy luật của từng lĩnh vực trong hiện thực khách quan.  Lý luận và thực tiễn thống nhất biện chứng với nhau. Sự thống nhất đó bắt nguồn từ chỗ: chúng đều là hoạt động của con người, đều nhằm mục đích cải tạo tự nhiên và cải tạo xã hội để thoả mãn nhu cầu của con người. Lý luận dựa trên nhu cầu của thực tiễn và lấy được chất liệu của thực tiễn. Lý luận không có mục đích tự nó mà mục đích cuối cùng là phục vụ thực tiễn. Sức sống của lý luận chính là luôn luôn gắn liền với thực tiễn, phục vụ cho yêu cầu của thực tiễn.

Sự thành công hay thất bại của hoạt động thực tiễn là tuỳ thuộc vào nó được hướng dẫn bởi lý luận nào, có khoa học hay không.  Sự phát triển của lý luận là do yêu cầu của thực tiễn, điều đó cũng nói lên thực tiễn không tách rời lý luận, không thể thiếu sự hướng dẫn của lý luận. Vai trò của lý luận khoa học là ở chỗ: nó đưa lại cho thực tiễn các tri thức đúng đắn về các quy luật vận động, phát triển của hiện thực khách quan, từ đó mới có cơ sở để định ra mục tiêu và phương pháp đúng đắn cho hoạt động thực tiễn. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như người nhằm mắt mà đi”[2]; “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”[3]. Trong thực tế, có nhiều cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm, làm được việc nhưng lại coi khinh lý luận hoặc lý luận suông, mắc bệnh chủ quan, không biết xem xét, cân nhắc sự việc cho rõ, xử trí cho khéo dẫn đến kết quả thường thất bại. Theo Hồ Chí Minh, nguyên tắc nhất quán trong học tập, nghiên cứu, vận dụng lý luận, đó là lý luận gắn liền với thực tiễn và tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận. Người nhấn mạnh: “Trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế”[4]; “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế, lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”[5].

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các Trường Chính trị từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; đội ngũ giảng viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, qua đó chất lượng đào tạo, bồi dưỡng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng còn nhiều hạn chế do một số nguyên nhân như: nội dung chương trình một số chuyên đề còn nặng về lý luận, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu, bài giảng chủ yếu là lý thuyết, thiếu sinh động và sức thuyết phục. Do vậy, để nâng cao chất lượng công tác giảng dạy lý luận chính trị trong tình hình mới, gắn lý luận với thực tiễn, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, giảng viên cần tích cực học tập, nâng cao trình độ lý luận. Có thể thấy, trong mọi giai đoạn cách mạng, việc học tập lý luận chính trị giúp cán bộ, đảng viên giữ vững bản lĩnh chính trị; củng cố, tăng cường niềm tin vào tương lai của dân tộc, của cách mạng, lý tưởng cộng sản; làm cho cán bộ, đảng viên tự tin hơn trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với một người giảng viên trường chính trị, việc học tập nâng cao trình độ lý luận càng cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hiện nay, một số giảng viên trẻ còn nhiều hạn chế trong nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; việc học tập, nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa kịp thời, thậm chí qua loa, hời hợt. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác giảng dạy. Do vậy, người giảng viên cần tự ý thức về tầm quan trọng của việc học tập, trau dồi trình độ lý luận. Giảng viên phải là những người đủ phẩm chất, năng lực, có niềm tin vững chắc, hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì tuyên truyền mới thuyết phục và truyền được cảm hứng, niềm tin cho người học.

Thêm vào đó, do thực tiễn vận động không ngừng nên một số nội dung lý luận sẽ bộc lộ những bất cập, tụt hậu nhất định. Vì vậy, giảng viên cần chú trọng đến việc cập nhật thông tin, khai thác các nguồn tư liệu mới, các công trình nghiên cứu khoa học mới được công bố trên các tạp chí lý luận hoặc các diễn đàn, hội thảo để bổ sung vào bài giảng.

Thứ hai, trong quá trình giảng dạy, từ những kiến thức lý luận, giảng viên cần hướng vào việc lý giải và làm sáng tỏ những vấn đề của thực tiễn đã và đang diễn ra. Ví dụ: Trong bài 8 - Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1986) (phần II.2, chương trình TCLLCT - HC), để lý giải về tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội ở nước ta cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, giảng viên cần nhấn mạnh đến nguyên nhân cơ bản nhất đó là do những hạn chế trong nhận thức lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và việc áp dụng một mô hình chủ nghĩa xã hội không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khi đó đang xây dựng, thực chất là chủ nghĩa xã hội thời chiến, chủ yếu bắt nguồn từ kinh nghiệm của Liên Xô, từng thích hợp với những điều kiện đặc biệt của nước Nga Xô Viết, nhưng lại được coi là mô hình duy nhất, phổ biến cho tất cả các dân tộc khi lựa chọn con đường phát triển theo chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, sau này, ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa đều lần lượt diễn ra quá trình đổi mới, cải tổ, cải cách… dù tên gọi khác nhau, nhưng đều giống nhau ở thực chất sửa chữa mô hình. Hoặc khi giảng bài 5 - Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chính sách xã hội (phần IV, chương trình TCLLCT - HC), để giải thích tại sao Đảng lại đề ra quan điểm gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, giảng viên cần làm rõ những vấn đề lý luận về mối quan hệ biện chứng, thống nhất giữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế. Một chính sách kinh tế tốt nhất luôn phải bao hàm, chứa đựng và tính tới việc cần thiết phải giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan. Bởi tăng trưởng kinh tế không tự nó giải quyết được các vấn đề xã hội. Trong nhiều trường hợp, chính sự phát triển kinh tế đã làm nảy sinh nhiều hơn các vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Bởi vì theo quy luật phát triển không đều, sự tác động của các quy luật kinh tế thị trường (quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh…) làm cho các chính sách kinh tế, các chương trình kinh tế không bao hàm hết, không chứa đựng hết các vấn đề xã hội vốn rất phức tạp về nội dung, đối tượng, cấp độ. Ngược lại, việc thực hiện các chính sách xã hội cũng có thể mâu thuẫn với chính sách kinh tế, bởi việc thực hiện các chính sách này vượt quá khả năng cho phép của nền kinh tế hoặc vi phạm nguyên tắc công bằng trong kinh tế sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, một chính sách xã hội muốn thực hiện có hiệu quả luôn phải tính tới mối quan hệ với các nguyên tắc và điều kiện thích ứng của chính sách kinh tế. Nguyên tắc cho sự kết hợp đó là: chính sách kinh tế phải tạo được động lực trong xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định; đến lượt nó, chính sách xã hội phải thúc đẩy nền kinh tế phát triển và phải phù hợp với điều kiện kinh tế cho phép, đồng thời luôn đặt ra những yêu cầu mới, hướng tới sự phát triển bền vững.

Thực tiễn công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay đang đặt ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần phải luận giải tường minh bằng lý luận như: Phát triển đất nước theo định hướng XHCN đòi hỏi phải kết hợp thường xuyên giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; đổi mới chính trị phải nhằm mục tiêu giữ vững định hướng XHCN, bảo đảm sự phát triển bền vững của chế độ; vấn đề đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường… Người giảng viên cần có sự tìm tòi, nghiên cứu, trau dồi trình độ lý luận, năng lực tư duy sắc bén để có thể phân tích, lý giải một cách khoa học những vấn đề của thực tiễn, qua đó đem đến niềm tin cho người học, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trước những vẫn đề thực tiễn đang diễn ra.         

Thứ ba, giảng viên thường xuyên quan tâm đến việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn;  cập nhật tình hình thế giới, tình hình trong nước và các địa phương; chú trọng công tác nghiên cứu thực tế. Giảng viên trường chính trị hiện nay phần lớn được học tập lý luận khá bài bản nhưng đội ngũ giảng viên trẻ lại chưa có nhiều cơ hội đi cơ sở, trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo, quản lý tại các địa phương, đơn vị nên kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn còn thiếu hụt. Do vậy, cần thường xuyên tiếp cận cơ sở, giao lưu với các đối tượng ở cơ sở, thâm nhập thực tế, tiếp cận các mô hình, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để từ đó nâng cao hiểu biết của mình. Trên cơ sở nắm chắc tình hình thực tiễn, trong mỗi bài giảng, nếu giảng viên biết lựa chọn những vấn đề đã và đang diễn ra ở địa phương để minh chứng  cho nội dung lý luận đang giảng dạy, học viên sẽ cảm thấy gần gũi, bị thuyết phục và thấy bài học thật có ích đối với bản thân và địa phương mình. Tuy nhiên, việc đưa nội dung thực tiễn vào bài giảng phải được chọn lọc, sắp xếp kĩ lưỡng phù hợp với từng chuyên đề, từng đối tượng học viên ở các ngành, địa phương, lĩnh vực công tác khác nhau, đảm bảo tính thời sự, điển hình, chính xác, tránh lạm dụng liên hệ tràn lan, dài dòng, hư cấu.

Thứ tư, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận để tạo hứng thú và phát huy vai trò tích cực, chủ động của người học. Sự phát triển khoa học - công nghệ ngày nay cho phép người giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng nhiều phương pháp linh hoạt để nội dung bài giảng sinh động, hấp dẫn học viên. Bên cạnh đó, giảng viên cần tăng cường trao đổi, thảo luận với học viên trong quá trình giảng dạy. Đối tượng học tập, bồi dưỡng lý luận hiện nay chủ yếu là cán bộ, đảng viên, có trình độ lý luận nhất định, đặc biệt là người trực tiếp làm việc ở cơ sở nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế, nắm bắt được những tích cực, hạn chế hay bất cập trong việc triển khai, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, cơ sở. Thông qua việc trao đổi, tiếp xúc, nghe ý kiến của học viên, giảng viên sẽ là người khâu nối những kiến thức thực tế đó với lý luận, giúp học viên thực sự tham gia vào bài học, hiểu sâu, nhớ lâu hơn. Và đó cũng là một cách để giảng viên tích lũy thêm tri thức cho mình. Ví dụ: Trong bài 7 - Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về dân tộc, tôn giáo (phần IV, chương trình TCLLCT - HC), giảng viên có thể yêu cầu học viên trao đổi tình hình dân tộc, tôn giáo và các giải pháp để nhằm giải quyết tốt vấn đề dân tộc, tôn giáo ở địa phương mình. Thực tế, tình hình của mỗi địa phương có những nét khác nhau và các địa phương cũng có những linh hoạt trong quá trình cụ thể hóa quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo. Qua trao đổi, học viên và cả giảng viên sẽ có một cái nhìn bao quát, đa diện hơn về vấn đề và đôi khi, đối tượng học viên là cán bộ lãnh đạo quản cơ sở hoặc trực tiếp làm công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương còn có thể học hỏi kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề ở địa phương bạn để áp dụng vào thực tiễn địa phương mình.

Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, là hoạt động có vai trò to lớn để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và “tự chuyển hóa”, “tự chuyển biến” trong nội bộ Đảng hiện nay. Muốn vậy, cần đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, gắn lý luận với thực tiễn. Tuy nhiên, đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong công tác giảng dạy lý luận là một yêu cầu khá cao đối với giảng viên. Người giảng viên trước hết phải nắm chắc và không ngừng làm giàu vốn tri thức lý luận của mình để có sự lựa chọn đúng, vận dụng hiệu quả vào việc lý giải , làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn, đồng thời phải thường xuyên bám sát thực tiễn để tiếp cận thực tiễn dưới các hình thức và mức độ khác nhau./.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.496

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.233

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.47

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.496

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.234


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số