Suy nghĩ về bình đẳng giới ở Việt Nam - từ chính sách đến thực tiễn

Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào không có đàn bà, con gái tham gia”

Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào không có đàn bà, con gái tham gia”. Sau khi giành được chính quyền (năm 1945), Nguyễn Ái Quốc lúc này đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng. Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”[1]. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo cho công tác phụ nữ, giúp phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, từng bước thực hiện được công tác bình đẳng giới.

Ngay từ năm 1946, Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quy định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều thứ 1), “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều thứ 9) và “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử” (Điều thứ 18). Từ khi mở cửa, hội nhập quốc tế đến nay, nước ta đã có nhiều chính sách để đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, từ Luật hôn nhân và gia đình (năm 1986) đến Luật Bình Đẳng giới (2006). Luật hôn nhân và gia đình (2014)… đã thế chế hóa công tác này. Chính sách bình đẳng giới còn được đề cập trong nhiều luật, nghị quyết và chính sách khác cho phụ nữ.

Do đó, theo báo cáo phát triển con người của Quỹ Phát triển của Liên Hiệp quốc, Việt Nam đứng thứ 91/117 (năm 2007-2008) về chỉ số phát triển giới, thuộc nhóm nước tốt nhất Đông Nam Á – Thái Bình Dương. Trong cuộc sống, bình đẳng giới đã được thực hiện ở mọi lĩnh vực từ gia đình đến xã hội, làm thay đổi các cơ sở kinh tế, các quan niệm về đạo đức, phong tục, tập quán theo “phụ quyền” và đặc biệt, làm thay đổi thân phận và địa vị của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, được luật pháp công nhận, có kinh tế độc lập và được nâng cao địa vị trong gia đình. Nhiều phụ nữ đã vươn lên vị trí lãnh đạo kinh tế và lãnh đạo chính trị.

Tuy nhiên, định kiến về giới trong xã hội Việt Nam vẫn còn nặng nề, thể hiện qua sự chênh lệch trong lao động về số giờ làm việc, vị trí công việc, mức thu nhập… Người phụ nữ ngoài công việc xã hội còn bị “đóng khung” trong các công việc gia đình như: làm vợ, làm mẹ và hàng tá các công việc không tên. Tỷ lệ trẻ em nam trên 100 trẻ em nữ vượt qua mức khuyến cáo đã cảnh báo sự mất cân bằng giới tính, dễ dẫn tới các hệ lụy cho xã hội đã được cảnh báo trong vài chục năm tiếp theo. Điều này có nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, do tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Vị thế của phụ nữ trong gia đình có sự thay đổi nhưng chưa toàn diện, còn rất hạn chế ở các vùng nông thôn. Trong xã hội, phụ nữ chưa được nắm giữ các vị trí quan trọng. Vai trò của truyền thông đại chúng trong việc bình đẳng giới còn mờ nhạt, có lúc còn có tác dụng ngược như việc đưa gương người phụ nữ đảm đang nuôi dạy con cái mà không đả động đến vai trò của người cha trong gia đình, vô hình chung đã đưa ra định kiến rằng, trách nhiệm nuôi dạy con là của người phụ nữ chứ không phải là của đàn ông.

Thứ hai, người phụ nữ chưa tự thay đổi tư duy, chưa hành động để giải phóng cho chính mình. Trong gia đình, người phụ nữ vẫn còn tư tưởng quý con trai hơn con gái; trong cơ quan, dù đồng giới nhưng phụ nữ vẫn đề cao nam giới hơn khi lựa chọn nhân sự cho các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thậm chí, lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp vẫn có xu hướng chọn lao động nam hơn là lao động nữ.

Thứ ba, tuy đã có chính sách cụ thể, nhưng chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Luật bình đẳng giới đã ra đời khá lâu, nhưng việc thực hiện trong thực tiễn chưa đem lại hiệu quả cao. Gần đây nhất là Nghị định số: 85/2015/NĐ-CP, ngày 07/10/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, trong đó có quy định cụ thể các doanh nghiệp phải hỗ trợ chi phí giữ trẻ, gửi trẻ, các chính sách về thai sản, nuôi dưỡng trẻ… Vấn đề đặt ra ở đây là các doanh nghiệp có sẵn sàng thực hiện theo đúng quy định hay không, hay lại “tiết kiệm” chi phí bằng cách hạn chế tuyển lao động nữ?

Thứ tư, vai trò của nam giới trong việc bình đẳng giới chưa được phát huy. Tính tự giác trong công việc gia đình chưa rõ ràng, nhất là trong việc tái sản xuất xã hội (sinh đẻ - kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con cái…) chưa được phân công rõ ràng, trách nhiệm luôn dồn vào phụ nữ, đòi hỏi phụ nữ luôn phải “hy sinh”.

Do đó, muốn bình đẳng giới thực sự cần phải “đả thông” tư tưởng cho cả phụ nữ, đàn ông tạo nên một động lực xã hội để tác động vào tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Phát huy mạnh mẽ sức mạnh của truyền thông trong công tác bình đẳng giới. Xây dựng các chế tài để đảm bảo việc thực hiện các quy định pháp luật của nhà nước. Nhưng trên hết, người phụ nữ cần nhận thức đầy đủ, rõ ràng vai trò, chỗ đứng của mình trong xã hội, từ đó mới có thể thay đổi mạnh mẽ tư duy và hành động để thực hiện việc bình đẳng giới hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, vai trò của người đàn ông cần phải được thể hiện rõ để giải phóng phụ nữ ra khỏi khuôn khổ gia đình, bước ra xã hội để có nhiều hơn những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đối với Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, một trong những điểm nhấn nổi bật trong các công tác ở trường chính là sự quan tâm, chăm lo cho công chức, viên chức nữ của Trường. Hiện nay, toàn trường có 50 công chức, viên chức và người lao động, trong đó, nữ giới là 26 đồng chí, chiếm 52%. Công chức, viên chức nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo từ Hiệu Trưởng đến trưởng, phó các phòng khoa gồm 11 đồng chí, chiếm 22% trong tổng số công chức, viên chức, người lao động của Trường.

Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới ở trường những năm qua chính là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với nữ giới được Ban Giám hiệu, Đảng ủy quan tâm, tạo điều kiện. Bên cạnh đó, nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới của toàn thể công chức, viên chức trong trường cũng là điều kiện, là sự đóng góp không nhỏ giúp cho nữ giới thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tròn trịa, xuất sắc. Trong đó, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tổ chức và tham gia vào nhiều hoạt động đoàn thể có ý nghĩa, vừa thực hiện nghĩa vụ cao cả của người vợ, người mẹ trong gia đình. Chính vì lẽ đó, hầu hết nữ giới trong trường đều hoàn thành tốt đến xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Phát huy tinh thần đó, phụ nữ Việt Nam nói chung và ở Trường Chính trị Bình Thuận nói riêng cần tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là mỗi người phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ, chính trị, văn hóa, kỹ thuật”[2]./.

 

 

[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB CTQG, H.2000, tập 11, tr.194

[2] Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB CTQG, H.2000, tập 10, tr.294-295


Các tin khác