Vài nét về kỹ năng tuyên truyền miệng

Để đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống hiệu quả thì công tác tuyên truyền có vai trò rất to lớn, nhằm xây dựng, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tri thức, đạo đức cách mạng. Có nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, tuy nhiên hình thức tuyên truyền miệng là một hình thức quan trọng và kỹ năng tuyên truyền miệng là kỹ năng đang được quan tâm bồi dưỡng.

Tuyên truyền miệng là giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ, làm theo. Là thông qua lời nói tác động trực tiếp vào trái tim, khối óc của người nghe. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng trong công tác tuyên truyền, nhằm tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách, truyền bá những quan điểm của Đảng, đưa tiếng nói của Đảng đến quần chúng Nhân dân.

Do vậy, để công tác tuyên truyền miệng được đảm bảo, có tác dụng rõ ràng và được sự ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân, thiết nghĩ, người cán bộ tuyên truyền cần có những kỹ năng sau:

Một là, kỹ năng gây thiện cảm ban đầu cho người nghe

Giữa người nói và người nghe, nhất là lần đầu bao giờ cũng có rào cản tâm lý ngăn cách. Vì vậy, việc gây thiện cảm ban đầu có ý nghĩa quan trọng đối với việc gây thiện cảm cho người nghe, củng cố niềm tin về vấn đề đang được tuyên truyền. Thiện cảm ban đầu thuộc biểu hiện của người nói khi bước lên bục tuyên truyền, danh tiếng, phẩm chất đạo đức, học hàm, học vị, chức vụ, dáng vẻ bề ngoài, y phục, nét mặt, cử chỉ, phong thái...

Hai là, kỹ năng tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng trong khi nói

Sự hấp dẫn, gây ấn tượng thể hiện bằng giọng nói, điệu bộ, ngôn ngữ. Việc sử dụng ngôn ngữ văn phong hội thoại là một trong những kỹ năng quan trọng trong nghệ thuật tuyên truyền miệng, đó là phải biết lựa chọn ngôn ngữ văn phong phát biểu miệng. Nói nôm na là chọn ngôn ngữ phù hợp với người nghe. Người tuyên truyền nên dùng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu. Người nói phải đặt mình vào vị trí của người nghe, xem người nghe là những đối tượng như thế nào, họ đã hiểu mình nói chưa và làm thế nào để người nghe hiểu được mình nói. Ngôn ngữ sử dụng trong phát biểu miệng phải là ngôn ngữ hội thoại. Sử dụng những câu đơn giản, thường là câu đơn để giúp người nghe tiếp thu thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng và nhớ lượng thông tin được lâu hơn. Tránh lối nói đều đều, giọng nói, âm lượng phải thay đổi theo nội dung, phải nhấn mạnh vào những điểm quan trọng. Động tác, điệu bộ cần phải phù hợp với nội dung và giọng nói để nhân hiệu quả tuyên truyền của lời nói. Vẻ mặt của người nói cần thay đổi theo diễn biến của nội dung. Việc thường xuyên nêu các số liệu, sự kiện để minh họa; đặt các câu hỏi và giải đáp chúng sẽ tăng thêm sự chú ý của người nghe.

Ba là, kỹ năng bảo đảm các nguyên tắc sư phạm

Từ bố cục bài nói, diễn đạt các đoạn văn, liên kết giữa các đoạn văn đến cách nói đều phải rõ ràng, mạch lạc, lôgic. Người nghe cần được dẫn dắt từ những vấn đề đơn giản đến những vấn đề cao hơn, có thể sử dụng phương pháp suy luận hoặc là phương pháp quy nạp và tuỳ từng vấn đề mà dùng lý luận soi sáng cho thực tiễn hoặc từ thực tiễn mà đi sâu vào lý luận. Tuy nhiên, dù có diễn giải rộng hay hẹp đều phải luôn bám sát trọng tâm của vấn đề mà mình cần trình bày.

Bốn là, kỹ năng sử dụng phương pháp thuyết phục

Tuyên truyền miệng chủ yếu dùng phương pháp thuyết phục là chứng minh, giải thích và phân tích.

Chứng minh: là cách thuyết phục chủ yếu dựa vào các dẫn chứng xác thực để làm sáng tỏ và xác nhận tính đúng đắn của vấn đề. Các dẫn chứng đưa ra gồm số liệu, sự kiện, hiện tượng, nhân chứng, danh ngôn, kinh điển. Các dẫn chứng này phải chính xác, tiêu biểu, toàn diện và sát hợp với vấn đề cần chứng minh.

Giải thích: là việc dùng lý lẽ để giảng giải giúp người nghe hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề. Lập luận trong khi giải thích phải chặt chẽ, chính xác, mạch lạc.

Phân tích: là mổ xẻ vấn đề nhằm tìm được đặc điểm, bản chất, điểm mạnh, điểm yếu, điểm tốt, điểm xấu, sự phù hợp, không phù hợp của vấn đề. Việc phân tích phải dựa trên cơ sở khoa học, không được cường điệu mặt này, hạ thấp mặt kia, tô hồng hoặc bôi đen sự việc. Sau khi phân tích phải có kết luận, đánh giá, hướng người nghe vào định hướng tư duy đúng đắn, không làm cho người nghe hoài nghi, dao động, hoang mang.

Trên đây là một số kỹ năng trong tuyên truyền miệng của người cán bộ. Thực hiện tốt các nội dung trên sẽ góp phần nâng cao tính thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.


Các tin khác