Hồ Chí Minh - Hành trình từ người yêu nước trở thành người cộng sản

Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn giản dị nhận mình là một người yêu nướ, cho dù thế giới có công nhận Người là lãnh tụ cộng sản kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng to lớn trong thế kỷ XX. Cho đến nay, chủ nghĩa yêu nước vẫn là giá trị cốt lõi của dân tộc Việt nam, là một trong những động lực quan trọng nhất góp phần gắn kết cộng đồng, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy đất nước phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, càng đòi hỏi phát huy tinh thần yêu nước cao độ của mỗi người, nhất là thế hệ thanh niên.

“Tôi là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự cho Tổ quốc tôi[1]. Cũng chính tình yêu nước đã trở thành hành trang duy nhất ở thời điểm Người bước xuống tàu Latutsơ Tơrêvin bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước của mình vào ngày 05/6/1911. Để rồi 30 năm sau, một chặng đường dài với bao cuộc trường chinh qua các đại dương và lục địa, ghi nhận sự trưởng thành của một con người về tuổi đời, về nhận thức, về tư tưởng, từ thân phận một người dân mất nước trở thành một chiến sĩ cộng sản đầy năng lực và sáng tạo. Nhưng điều có ý nghĩa vô cùng sâu sắc là sự trưởng thành đó gắn liền với vận mệnh của một đất nước, tương lai của một dân tộc.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, được nuôi dưỡng trong truyền thống yêu nước và đấu tranh bất khuất của gia đình, quê hương sông Lam núi Hồng “địa linh, nhân kiệt”. Những năm tháng thơ ấu, Người đã chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đời sống nhân dân cơ cực dưới sự thống trị hà khắc và tàn bạo của thực dân Pháp. Các cuộc đấu tranh do các tầng lớp sĩ phu yêu nước liên tiếp nổ ra, tuy nhiên tất cả đều thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man. Trong bóng đêm của chủ nghĩa thực dân, muốn giành lại độc lập, phải tìm một con đường cứu nước mới, nhưng đi đâu, tìm ở đâu? Đó là câu hỏi luôn dằn vặt trong suy nghĩ của các nhà yêu nước tiền bối lúc bấy giờ. Và với một quyết định táo bạo, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí sang phương Tây để xem họ như thế nào, rồi về giúp đồng bào mình.

Sáng ngày 05/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bước xuống tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình lịch sử ra đi tìm đường cứu nước, bắt đầu một bước ngoặc trong cuộc đời cách mạng của mình với hành trang duy nhất chính là lòng yêu nước. 

Chỉ với đôi bàn tay trắng, bằng ý chí sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi, với ý chí kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn, Người sẵn sàng làm mọi nghề lao động chân tay để sống cuộc đời của người lao động, hoà mình vào phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa và các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Rõ ràng, qua những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm, chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh có những chuyển biến mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình đã được nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, các dân tộc cùng cảnh ngộ bị áp bức như dân tộc mình.

Đầu năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Sau đó, lấy lên Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam ở Pháp, gửi tới Hội nghị Vécxây bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Mặc dù không đạt được một yêu cầu nào song việc gửi bản yêu sách đến một hội nghị quốc tế, sự xuất hiện đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc ở vũ đài chính trị tại sào huyệt của chủ nghĩa thực dân đã đánh thức sự thờ ơ của dư luận đối với một nước nhỏ bé bên kia bờ đại dương bị áp bức đau khổ, với chính sách cai trị hà khắc ở thuộc địa của thực dân Pháp nói chung. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến trong sự trưởng thành của Nguyễn Ái Quốc sau những khảo nghiệm thực tế. Bằng những hoạt động sôi nổi trong Đảng Xã hội Pháp, trong phong trào công nhân Pháp, Người nhanh chóng nắm bắt được thời cuộc và định hướng đúng đắn cho mình, cho con đường giải phóng dân tộc mình.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân Đạo. Chín năm sau ngày rời Tổ quốc, cầm tờ báo trên tay, người thanh niên yêu nước thấy bừng lên một ánh sáng mới. Từng dòng, từng chữ quý giá hiện ra tước mắt. Văn kiện lịch sử ấy của Lênin đã mở ra trước mắt Người một chân trời mới và là ngọn đèn soi đường giải phóng cho đồng bào của Người đang rên xiết dưới đế giày của thực dân. Văn kiện ấy đã khiến Người xúc động, tin tưởng, vui mừng đến phát khóc và dù chỉ ngồi một mình trong căn buồng tối nhưng Người vẫn nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[2].

Tháng 12/1920, Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Thời khắc đó đánh dấu Hồ Chí Minh từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Lênin và hoàn toàn tin theo ánh sáng của tư tưởng Lênin. Thực hiện bước ngoặt đó, trong gần mười năm bôn ba trên hành trình tìm kiếm nguồn sáng chân lý cho cách mạng, tìm lại hình cho một đất nước gần như bị xoá tên khỏi bản đồ thế giới. Sự lựa chọn của Hồ Chí Minh phù hợp với trào lưu tiến hoá của lịch sử, đã thức tỉnh, thôi thúc lớp lớp người Việt Nam yêu nước đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tập hợp đông đảo quần chúng dưới ngọn cờ cách mạng để làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám và tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ thắng lợi.

Phát huy tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, trước sự biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, mạng xã hội… đã tác động rất nhiều đến lòng yêu nước của thanh niên. Đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta vẫn diễn ra quyết liệt với thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo huyệt. Là đối tượng nhạy cảm, dễ bị kích động, các thế lực thù địch luôn tìm cách lôi kéo, lợi dụng giới trẻ, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong bộ phận thanh niên, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái đạo đức, lối sống trong thế hệ tương lai của đất nước.

Tiếp nối truyền thống quý giá của cha ông để lại, viết tiếp những trang sử hào hùng cho dân tộc, phát huy chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên tỉnh Bình Thuận nói riêng vẫn luôn không ngừng ra sức lao động, học tập chuyên môn, chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, có ý chí vươn lên trong cuộc sống; có nhận thức và thái độ chính trị đúng đắn, kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái trong đạo đức và lối sống; luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể để được cống hiến và trưởng thành; nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Minh chứng cho tinh thần yêu nước vẫn luôn là ngọn đèn soi rọi cho mọi suy nghĩ và hành động của thanh niên, hình thành nên một thế hệ thanh niên nhiệt tình, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn luôn muốn được cống hiến, phụng sự vì một nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống, lãng quên truyền thống cách mạng, bàn quan trước tình hình của đất nước, mơ hồ về chính trị, chưa xác định được trách nhiệm cua bản thân. Vì vậy, việc bồi dưỡng lòng yêu nước trong thanh niên hiện nay là một nhiệm vụ rất cần thiết nhằm nâng cao sức đề kháng cho thanh niên trước âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Chính vì vậy, để nâng cao lòng yêu nước cho thanh niên cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tính sáng tạo và thực chất trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo thành thói quen trong đời sống thanh niên. Kiên trì cụ thể hóa nội dung các chuyên đề học tập hằng năm thành những tiêu chí, chuẩn mực để rèn luyện phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Tuyên dương, lan tỏa kịp thời, thường xuyên các mô hình, các gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác các cấp theo từng chuyên đề, từng tiêu chí cụ thể.

Thứ hai, quyết liệt nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị. Đổi mới hình thức tuyên truyền, học tập, quán triệt chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, của Đoàn.

Thứ ba, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Xây dựng và thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho thanh thiếu niên. Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, dám đấu tranh chống lại các biểu hiện sai trái.

Thứ tư, triển khai các giải pháp thiết thực, phù hợp giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thanh niên. Tập trung tổ chức các chương trình, hoạt động có tính giáo dục nhân dịp các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc, của Đoàn, Hội, Đội. Đổi mới hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động về nguồn, đến với địa chỉ đỏ, bài học lịch sử; các cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử...

Thứ năm, nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật trong đoàn viên, thanh niên. Lựa chọn nội dung tuyên truyền về pháp luật, chính sách, quy định liên quan đến từng đối tượng thanh niên. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội trong triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên.

Hơn 50 năm ngày Bác đi xa, tư tưởng về tinh thần yêu nước của Người vẫn sáng mãi, đã, đang và sẽ được các thế hệ con, cháu tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước./.

Tố Trinh


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.575.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.562.


Các tin khác