Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 với ý nghĩa bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của trẻ em trên toàn thế giới. Chính phủ các nước phải có trách nhiệm bảo vệ đời sống thiếu nhi, trong đó có việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Ngày quốc tế thiếu nhi bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử buồn và khó quên của nhân loại. Rạng sáng ngày 01/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), bắt đi 173 người đàn ông, hơn 190 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng tàn sát 66 người và đưa 104 trẻ em vào trại tập trung, hơn 80 em đã chết trong phòng hơi độc, một số em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Hai năm sau, ngày 10/6/1944, chúng lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp). Chúng dồn hơn 400 người vào một nhà thờ, trong đó có rất nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em rồi phóng hoả đốt toàn bộ nhà thờ đó. Đó là một trong những tội ác không thể tha thứ của bọn phát xít khiến toàn nhân loại căm phẫn tột cùng và đau xót cho những đứa trẻ vô tội.

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị phát xít Đức sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lâý ngày 01/6 hàng năm làm Ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Từ đó đến nay, ngày 01/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.

Ở Việt Nam, ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 hàng năm đã trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Trong ngày này, trẻ em không những được nhận những món quà yêu thương và lời chúc mừng từ ông bà, cha mẹ, người thân mà còn được nhận sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trên cả nước. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa vào dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6 đã được tổ chức với mong muốn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tất cả trẻ em, vì một “Trẻ em hôm nay, thế giời ngày mai”.

Hiện nay, môi trường mạng - không gian tiện ích cho các hoạt động trong thời đại công nghệ. Việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ em được tìm hiểu những kiến thức để phục vụ học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức. Mạng xã hội ngày nay rất hấp dẫn đối với giới trẻ, đặc biệt với trẻ em, bởi nó là một cái kho khổng lồ chứa đựng các hình thức giải trí, nội dung hấp dẫn, kiến thức đa dạng, đồng thời có thể chia sẻ, kết nối bạn bè. Tuy nhiên, song hành với những lợi ích thì mạng xã hội cũng chứa đựng đầy rẫy những rủi ro nếu chúng ta không kiểm soát được, đặc biệt với đối tượng là trẻ em chưa biết cách chọn lọc thông tin, tự bảo vệ mình.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 03 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 01 trẻ em và hơn 175.000 trẻ em lên mạng đầu tiên vào mỗi ngày. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em ở Việt Nam thường dành từ 5-7 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội.

Theo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, tại Việt Nam có gần 97% trẻ có sử dụng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game.

Mạng internet mang lại nhiều giá trị tích cực cho trẻ em và thiếu niên, giúp con trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách thuận lợi, giao lưu và chia sẻ thông tin, tình cảm với những bạn đồng trang lứa. Công nghệ này đã phần nào làm mờ đi ranh giới không gian và thời gian, mở ra cơ hội học tập cho trẻ.

Ngoài ra, internet còn hỗ trợ quá trình học tập theo chương trình giáo dục phổ thôn thông qua các ứng dụng giáo dục trực tuyến, tạo điều kiện cho trẻ em vùng nông thôn tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn. Từ đó, giúp trẻ em tự chủ hơn trong học tập, đặc biệt trong các hoàn cảnh đặc biệt như dịch bệnh hoặc thiên tai.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều nguy cơ nếu sử dụng quá mức, thiếu kiểm soát. Ngoài những nguy cơ mà trẻ dễ gặp phải khi sử dụng internet quá nhiều như rối loạn tâm lý, nghiện game, nghiện Facebook, sa lầy vào thế giới ảo khiến trẻ bị hạn chế giao tiếp, thờ ơ vô cảm với cuộc sống thật, trẻ em cũng dễ dàng bị bắt nạt trực tuyến, lừa gạt, dụ dỗ, xâm hại đến sức khoẻ và tính mạng, hoặc bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như bạo lực, khiêu dâm. Chính từ những cạm bẫy từ mạng xã hội đó đã đưa đến rất nhiều vụ việc đau lòng, gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với bản thân, gia đình các em mà xã hội cũng kéo theo nhiều hệ luỵ.

Một nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP) cũng chỉ ra rằng, gần 36.5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Khu vực châu Á có rủi ro xâm hại trẻ em trên mạng là cao nhất với 33%. Chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy, tập huấn về đảm bảo an toàn trên mạng dưới một số hình thức.

Hiện nay, “vắc xin” phòng ngừa xâm hại cho trẻ em trên môi trường mạng thực sự chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn bị xem nhẹ; việc sử dụng internet nước ta còn khá dễ dãi, chưa có sự quản lý chặt chẽ, hầu như ai cũng có thể đăng tải video, hình ảnh có nội dung không lành mạnh lên mạng xã hội; nhiều bậc phụ huynh chỉ mải chạy theo đồng tiền, cuộc sống đã làm họ bị cuốn theo, vô tư trao cho con các thiết bị thông minh mà quên mất việc phải bảo vệ, phòng tránh những tác động tiêu cực từ mạng xã hội đến con mình…Từ đó, không phải vô tình đã khiến cho trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều điều tiêu cực từ mạng xã hội. Và thực tế rằng, trẻ em, thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung độc hại trên môi trường mạng thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ, e ngại tìm đến những kênh tiếp nhận và trợ giúp.

Do đó, biện pháp hiệu quả nhất cho đến nay không chỉ ở Việt nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay không chỉ từ phía gia đình mà là của toàn xã hội.

Việt Nam là một quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (ngày 20/02/1990), từ đó đến nay, rất nhiều văn bản được Đảng, Nhà nước ban hành với những quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển quá nhanh của internet, các thiết bị công nghệ đã khiến các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta còn thiếu và chưa được đồng bộ; hệ thống công nghệ thu thập, giám sát dữ liệu đang phải “chạy theo” thông tin độc hại; các quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em còn thiếu, chưa đủ sức nặng để thực hiện.

Hiện nay, hành lang pháp lý bảo vệ trẻ trên không gian mạng ở Việt Nam đã có và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể, Luật Trẻ em năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Ngày 01/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mục tiêu của chương trình bao gồm: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để nhận thức khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng và duy trì một môi trường mạng lành mạnh.

Đa số sự việc đau lòng gặp phải khi tương tác với mạng xã hội thường hay xảy đến với những gia đình ít quan tâm đến con cái. Do đó, bản thân của những bậc làm cha mẹ cần nhận thức rõ nững nguy cơ khi con em mình tiếp xúc với không gian mạng, có biện pháp kiểm tra, giám sát, bảo vệ con em mình trước những nguy cơ mà mạng xã hội mang lại. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm hơn khi các em tiếp xúc với môi trường mạng internet, không để trẻ dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử ngoài giờ học. Hãy học và chơi cùng con trên mạng internet. Bên cạnh đó, khi phát hiện ra các vụ việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng nên tình bào với cơ quan chức năng để kịp thời ngan chạn, xử lý.

Về phía nhà trường, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ lồng ghép vào các giờ sinh hoạt nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức về môi trường mạng, kỹ năng cho trẻ theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác trên mạng xã hội một cách an toàn là điều hết sức cần thiết.

Bởi mỗi đứa trẻ đều là niềm tin và hy vọng. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Xin đừng để xảy ra những việc đau lòng rồi mới thốt lên hai từ “giá như”. Mọi cố gắng, phấn đấu của chúng ta hôm nay đều vì một thế hệ tương lai tốt đẹp nhất./.


Nguồn tham khảo:

Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Bản tin an toàn thông tin Quý II/2021_Phần 5 - Rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng.

UNICEF (2017) UNICEF: Make the digital world safer for children - while increasing online access to benefit the most disadvantaged.

UNICEF (2018) More than 175,000 children go online for the first time every day, tapping into great opportunities, but facing grave risks.

 


Các tin khác