Vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Trải qua 76 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2024), từ một bài viết với cách hành văn giản dị, ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã lôi cuốn, động viên toàn dân, toàn quân hăng hái tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến nay, những giá trị sâu sắc mà Lời kêu gọi thi đua ái quốc để lại vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa.

Ngày 02/9/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Nhưng không lâu sau đó, thực dân Pháp quay trở lại nổ súng xâm lược nước ta lần thứ 2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Để lôi cuốn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đưa cuộc kháng chiến mau chóng giành thắng lợi, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Do đó, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trong cả nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, là hệ thống nhất quán giữa lý luận và thực tiễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích, cách làm; trách nhiệm của mỗi người dân trong phong trào thi đua yêu nước.

Dựa trên tình hình thực tiễn bấy giờ, Lời kêu gọi thi đua ái quốc vạch rõ mục đích thi đua yêu nước giai đoạn này lần lượt phải “diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm”. Để đem lại kết quả:“Toàn dân đủ ăn, đủ mặc, Toàn dân biết đọc, biết viết, Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Nhấn mạnh vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong kết quả phong trào thi đua cũng như trong thực hiện nhiệm vụ lâu dài của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “…bổn phận của người dân Việt Nam, bất kì sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”. Thi đua thông qua công việc cụ thể: “Đồng bào công nông thi đua sản xuất”, “Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh…”. Cách nói gần gũi, đơn giản nhưng chỉ rõ trách nhiệm, việc làm cụ thể của từng người, từng bộ phận, tầng lớp nhân dân.

Chính vì thế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy sức mạnh tiềm tàng của quần chúng nhân dân, huy động, lôi cuốn nhân dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước trên khắp các lĩnh vực, khắp các mặt trận. Để mỗi người dân Việt Nam “bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”.

Làn sóng thi đua hưởng ứng Lời kêu gọi đã diễn ra vô cùng sôi nổi. Trong kháng chiến chống Pháp, các phong trào thi đua nhằm diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hửng ứng tham gia một cách quyết liệt nhất, hăng say nhất. Đồng bào, chiến sĩ từ tiền tuyến đến hậu phương nỗ lực chiến đấu, sản xuất, học tập để góp sức đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đi đến thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã diễn ra như: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên hải”“Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang”, “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Một tấc không đi, một ly không rời”; “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… Phong trào thi đua diễn ra ở khắp các lĩnh vực, lôi cuốn tất cả các thành phần, tầng lớp nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng; góp phần làm nên ngày 30/4/1975 lịch sử, non sông liền một dải.

Sau năm 1975, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các phong trào thi đua cũng không ngừng được phát động. Tiêu biểu là các phong trào “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”, “Tất cả vì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,…Các phong trào đã góp phần hàn gắn vết thương sau chiến tranh, phục hồi đất nước nhất là về lĩnh vực kinh tế.

Điều đó cho thấy rằng, suốt chiều dài lịch sử bắt đầu từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc cho đến nay, các phong trào thi đua đã có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước. Mỗi giai đoạn đều có những nhiệm vụ riêng nhưng đều tập trung bám sát nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tiễn.

Hiện nay chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua dựa trên nền tảng giá trị lý luận và thực tiễn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Phong trào thi đua yêu nước bám sát nhiệm vụ chính trị, đạt nhiều thành tựu trên khắp các lĩnh vực, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”… Tạo được sự lan toả, nêu gương trong quần chúng nhân dân thông qua các “gương người tốt, việc tốt”. Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua yêu nước giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số hạn chế nhất định như một số nơi tổ chức phong trào thi đua còn mang tính hình thức, chưa liên tục và thường xuyên, có phát mà không động; chưa vận động, tập hợp đông đảo nhân dân tham gia…

Để công tác thi đua đạt hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh vận dụng những nội dung, phương pháp, cách làm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Một là, nâng cao hơn nữa sự lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thi đua để phong trào thi đua cụ thể, phù hợp, thiết thực, đem lại lợi ích thực chất cho nhân dân, xã hội, đất nước. Sự lãnh, chỉ đạo còn gắn với việc kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để kịp thời điều chỉnh, tránh để thi đua lệch hướng mục đích đặt ra.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới công tác khen thưởng, đổi mới hình thức tổ chức thi đua để phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình hình mới. Chú trọng đến việc đổi mới các thủ tục theo hướng tinh gọn, áp dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi trong công tác chuyên môn.

Ba là, nhân rộng gương điển hình tiên tiến “người tốt, việc tốt” bằng nhiều hình thức để khích lệ, cổ vũ nhân dân tiếp tục hăng hái tham gia thi đua yêu nước. Đồng thời, có ý nghĩa lan toả, nêu gương cho toàn dân phấn đấu thi đua đạt hiệu quả cao hơn. Phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị xã hội trong công tác vận động, tập hợp lực lượng nhân dân.

Bốn là, mỗi người dân cần tự ý thức về trách nhiệm của mình trong thi đua yêu nước. Không phải là những việc gì lớn lao, chỉ cần mỗi người làm tốt công việc hằng ngày của chúng ta, đã là thi đua yêu nước.

Đã 76 năm trôi qua nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc mãi là ánh sáng soi đường cho phong trào thi đua yêu nước hôm nay và mai sau.


Các tin khác