NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA ĐẢNG TA VỀ TRẺ EM, VỀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC, VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

  • /
  • 29.5.2013 - 8:28

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi”. Theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam “Trẻ em là công dân dưới 16 tuổi”. Như vậy, trẻ em là những lớp người chưa trưởng thành về thể chất và tinh thần, nhận thức chưa đầy đủ, do đó cần được bảo vệ.

Ở nước ta, trẻ em chiếm khoảng 41% dân số. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Phát huy đạo lý truyền thống của dân tộc ta và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xuất phát từ vị trí quan trọng của trẻ em đối với từng gia đình nói riêng, đối với xã hội nói chung, Đảng ta xác định bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là chăm lo cho tương lai của gia đình, của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đối với mỗi gia đình, trẻ em là nguồn hạnh phúc, là nơi gởi gắm những ước mơ, là sự duy trì và phát triển nòi giống. Đối với xã hội, trẻ em chính là những người chủ trong tương lai; vì vậy, để có những người chủ mạnh khỏe, tài năng, có lý tưởng trong tương lai, thì hôm nay chúng ta phải bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để chuẩn bị nguồn nhân lực, đào tạo những chủ nhân nối tiếp lịch sử của đất nước.

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chính là đào tạo những lớp người mới có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực và thể lực để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Chính vì tầm quan trọng của công tác này nên Đảng ta khẳng định bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Thực vậy, trẻ em là lứa tuổi đang lớn, từng bước trưởng thành; để cho trẻ có thể phát triển bình thường về thể chất, hoàn thiện về nhân cách cần phải có sự tham gia của mọi người, mọi gia đình, của nhà trường, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các ngành, các cấp. Các gia đình có trách nhiệm nuôi dạy các em khôn lớn, khoẻ mạnh, được học hành, vui chơi. Mỗi công dân trong xã hội đều có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhà nước phải tăng cường đầu tư ngân sách cho các chương trình, mục tiêu vì trẻ em, như: xoá đói giảm nghèo, vay vốn, cứu trợ xã hội, xây dựng trường học, bệnh viện, nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ và trẻ em, phát triển nền giáo dục… Mặt trận và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, rút kinh nghiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các ngành và cơ quan chức năng phải xác định, quan tâm và làm tốt nhiệm vụ của mình.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không phải là những hoạt động mang tính phong trào, cũng không thể thực hiện một cách tuỳ tiện; Đảng ta đã xác định đây là nhiệm vụ lâu dài và phải được thực hiện một cách khoa học. Xã hội nào cũng có trẻ em và do những đặc điểm về thể chất, tinh thần nên nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phải được tiến hành thường xuyên, không ngừng, trên cơ sở khoa học. Hiểu biết về tâm lý của trẻ em nói chung, cũng như đặc điểm tâm lý của từng độ tuổi trẻ em có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu được đối với những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là yếu tố đảm bảo cho phương pháp tiếp cận nghiên cứu chính sách trẻ em mang tính khoa học.

Ngoài ra, để đảm bảo việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được kết quả, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Các cấp uỷ Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Đảng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác trẻ em; đôn đốc, kiểm tra cơ quan chính quyền, đoàn thể thực hiện công tác trẻ em. Các cơ quan, chính quyền, đoàn thể các cấp phải tổ chức phổ biến và thực hiện luật pháp về trẻ em.

Quan điểm cơ bản chi phối toàn bộ đường lối của Đảng ta là coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước theo định huớng XHCN, mà trẻ em là lớp măng non, là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tưong lai của dân tộc. Trẻ em là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng khi còn trẻ còn chưa phát triển đầy đủ, còn non nớt cả về thể chất và tinh thần, dễ bị tổn thương, thì việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn luôn là mối quan tâm đặc biệt hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Đó không chỉ thể hiện tình cảm và đạo lý của dân tộc, mà còn là trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, là nhiệm vụ của mỗi công dân, mỗi gia đình và toàn xã hội./.

                                                         Thuận Bích


  • |
  • 1505
  • |

Các tin khác