Bác Hồ với nghề giáo

Dân tộc Việt Nam có một người thầy chung đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bác Hồ là tấm gương sáng cho mọi thế hệ Việt Nam noi theo. Đối với chúng ta, ngoài niềm tự hào: Người là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhà văn hóa lớn thì Người còn là thầy giáo kiệt xuất, là thầy của những người thầy đang trong sự nghiệp “trồng người” của hôm nay và mai sau.

Trong cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những thời điểm trực tiếp là nhà giáo, bắt đầu từ tháng 9 năm 1910 trước khi sang Pháp tìm đường cứu nước, khi Người đến với vùng đất Phan Thiết Bác đã dạy học tại trường Dục Thanh với tên gọi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Đối với Bác, việc dạy học chỉ là tạm thời, nhưng Người vẫn đem hết lòng nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước, nhưng có thể nói, chính buổi ban đầu ở ngôi trường nhỏ Dục Thanh đã đưa Người đến với nghề giáo - nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý.

Học trò của Bác thuộc nhiều đối tượng khác nhau như: già, trẻ, trai, gái; nông dân, cán bộ trong nước và ngoài nước. Bục giảng của thầy có lúc là một trường tiểu học, có khi là một trường đại học hay bất cứ nơi đâu trên con đường công tác. Với nhiều môn học khác nhau như chính trị, ngoại ngữ, lịch sử, văn học, thể dục... dù ở nơi nào Bác vẫn luôn được học trò quý mến vì Bác thương yêu học sinh hết mực và có cách giáo dục rất nhẹ nhàng mà thấm thía. Người dạy rằng: chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước.

Đối với học sinh, sinh viên, Người luôn quan tâm, xem đây là lực lượng kế thừa của cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời đại. Vì vậy, ngay buổi lễ khai giảng đầu tiên của ngày đầu thành lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 5 tháng 9 năm 1945, Bác đã gửi thư cho các học sinh, trong đó Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”[1].

Đối với thanh niên, Bác luôn chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, trong đó Bác dành sự quan tâm đặc biệt cho những sinh viên đang được đào tạo từ các trường Đại học, Cao đẳng, Bác chỉ rõ việc giáo dục đào tạo không phải là “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng chút một, mà quan trọng là phải truyền được cho các em tinh thần tự học, tự khám phá, chủ động, sáng tạo, giúp các em định hướng được mục đích của việc tự học tập, tự xác định được con đường phấn đấu cho tương lai. Chỉ như vậy các em mới có thể kiên trì trên con đường học tập theo phương châm “học, học nữa, học mãi” của lãnh tụ Lê-nin vĩ đại. Bác yêu cầu sinh viên: “Phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?” và tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7 tháng 5 năm 1958, Bác nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”[2].

Đối với đội ngũ giáo viên, Bác luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa người thầy với giáo dục và sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước là chặt chẽ, thống nhất. Trong đó, người thầy giáo là chủ thể có vị trí cực kỳ quan trọng và rất vẻ vang. Người nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”[3]. Bác xem việc dạy học là một nghề đào tạo, rèn luyện những thế hệ con người để xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Tuy sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng “…Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”[4].

Để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, trước khi đi xa, người không quên căn dặn trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân, với sự nghiệp giáo dục. Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: “Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[5].

Làm theo lời dạy của Bác, ngành giáo dục Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển, từ chỗ hơn 90% dân số mù chữ, đến nay cả nước đã cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục, nhiều học sinh, sinh viên đạt giải cao trên trường quốc tế, nguồn nhân lực ngày càng chất lượng, đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao về trình độ, những tấm gương cao đẹp của những thầy cô giáo xuất hiện ngày càng nhiều.

Không ngừng rèn luyện học tập và làm theo lời Bác, đội ngũ giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận luôn xác định vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh. Mỗi giảng viên thường xuyên trao dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, luôn thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xứng đáng là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Năm nay, ngày 20 tháng 11 lại về, trong không khí nao nức tri ân những người làm nghề giáo, tất cả chúng ta vẫn luôn  nhớ đến công lao to lớn của người thầy chung của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - “Ánh sáng soi đường” cho ngành giáo dục Việt Nam./.

 


[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 4, tr 35. Nxb, CTQG năm 2013

[2] Sđd, tập 12, tr 400. Nxb, CTQG năm 2013

[3] Sđd, tập 14, tr 402. Nxb, CTQG năm 2013

[4] Sđd, tập 14, tr 402. Nxb, CTQG năm 2013

[5] Sđd, tập 15, tr 612. Nxb, CTQG năm 2013


Các tin khác