Điều tôi cảm nhận được là các khóa sau này chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đã từng bước được nâng lên; nếu ở các khóa trước số đại biểu tham gia chất vấn còn ít (chỉ trong phạm vi 3 đến 4 đại biểu trong mỗi kỳ họp) thì hiện nay tăng lên nhiều hơn. Có những đại biểu như Nguyễn Toàn Thiện, Phạm Thị Minh Hiếu, Nguyễn Thị Huỳnh Hoa rất tích cực trong hoạt động chất vấn. Các câu hỏi nêu ra là những vấn đề nỗi cộm trên các lĩnh vực của địa phương mà cử tri quan tâm và bức xúc, nhất là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài chưa được ngăn chặn; những vấn đề liên quan quản lý đất đai, môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn... Về phía những người trả lời chất vấn cũng bớt sự vòng vo, chú trọng hơn việc đi thẳng vào nội dung, chỉ ra nguyên nhân của những thiếu sót, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục; đặc biệt có trường hợp như Giám đốc Sở xây dựng, ở kỳ họp thứ V, ông Xà Dương Thắng đã trả lời chất vấn bằng hình ảnh qua video clip để chứng minh rõ thêm vấn đề, tăng thêm tính thuyết phục. Qua trả lời chất vấn, có người đã thẳng thắn nhận trách nhiệm thiếu sót của mình. Người chủ trì điều hành phiên chất vấn khi kết thúc các vấn đề đã có kết luận rất cụ thể, rõ ràng. Điều rất mới là lần đầu tiên, kỳ họp thứ VI này, HĐND Tỉnh ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để các cơ quan chức năng liên quan căn cứ thực hiện; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện cho kỳ họp sau. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì còn một số hạn chế, cần cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của HĐND Tỉnh; cần lưu ý nhất là kỹ năng chất vấn của đại biểu. Qua theo dõi sáu kỳ họp của Khóa X (nhiệm kỳ 2016-2021) đã diễn ra, nhận thấy các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn quá dài, vừa nêu vấn đề, vừa phân tích diễn giải, làm cho nội dung chất vấn bị tản mạn, chiếm mất nhiều thời gian và người trả lời chất vấn cũng khó nắm vấn đề cốt lõi để trả lời. Nhìn chung các đại biểu tham gia chất vấn chưa phân định rõ, hay nói cách khác là còn lẫn lộn giữa nêu câu hỏi chất vấn với việc thảo luận, tranh luận. Vì vậy trong các kỳ họp tới, cần thực hiện phương châm “hỏi nhanh, đáp gọn”, các đại biểu tham gia chất vấn cần có sự chuẩn bị trước câu hỏi với nội dung ngắn gọn, rõ để trình bày trong khoảng thời gian chỉ một đến hai phút. Sau khi người trả lời chất vấn, nếu thấy chưa thuyết phục, cần làm rõ thêm thì tranh luận hoặc yêu cầu giải trình. Nội dung chất vấn không chỉ về những vấn đề thực trạng mà cần hỏi đến những giải pháp của sở, ngành cần làm gì để khắc phục hạn chế, yếu kém đó.
Về phía người trả lời chất vấn nên bớt việc đọc trả lời bằng văn bản mà cần tóm tắt nội dung, đi thẳng vào những điều của cử tri và đại biểu quan tâm; đồng thời chú trọng nêu rõ các giải pháp để khắc phục cho thời gian tới. Nên chăng Thường trực HĐND tỉnh cần có quy định thời gian cụ thể, nhất là người nêu câu hỏi chất vấn là bao nhiêu phút, nếu đại biểu nào nêu câu hỏi quá dài hoặc người trả lời chất vấn còn lòng vòng thì cần nhắc nhỡ hoặc có tín hiệu để báo hết thời gian (chuông), bởi quỹ thời gian hạn chế, cho nên sử dụng một cách hợp lý để những đại biểu khác còn được nêu câu hỏi. Các đại biểu dự họp nên phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm tham gia để nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được phong phú hơn; đến nay vẫn thấy còn những đại biểu trong suốt nhiều kỳ họp chưa một lần tham gia chất vấn. Mở rộng các lĩnh vực chất vấn, trả lời chất vấn cũng cần được lưu ý, bởi nhiều kỳ họp qua chủ yếu chỉ trong lĩnh vực Tài nguyên, môi trường và lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn; các lĩnh vực khác như Y tế và Giáo dục, đào tạo; trật tự an toàn xã hội còn ít được đề cập./.