Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tính phổ biến và tính đặc thù trong nhận thức về Chủ nghĩa xã hội

Tính phổ biến và tính đặc thù là những phạm trù triết học. Những phạm trù này được hình thành trong tiến trình phát triển của hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người. Việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù có ý nghĩa quan trọng trong nhận thức và cải tạo thế giới, đặc biệt, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc phân tích về mối liên hệ biện chứng này sẽ làm rõ được những quy luật chung của chủ nghĩa xã hội và sự thể hiện đặc thù, độc đáo, sáng tạo những quy luật ấy ở từng quốc gia.

Trong triết học, “tính phổ biến” và “tính đặc thù” còn được gọi là “cái phổ biến” và “cái đặc thù”, chúng có mối quan hệ mật thiết với cặp phạm trù cái chung và cái riêng. Theo quan điểm mácxít, “Cái riêng” là phạm trù “dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình riêng lẻ nhất định tồn tại như một chỉnh thể tương đối độc lập với cái riêng khác”[1].. “Cái chung” là phạm trù “dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính chung không chỉ có ở một sự vật, hiện tượng, kết cấu vật chất, mà còn được lặp đi lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng, kết cấu vật chất riêng lẻ khác[2]. “Cái chung” được chia thành cái phổ biếncái đặc thù. Cái chung có ở tất cả các sự vật, hiện tượng được nghiên cứu thì được gọi là cái phổ biến. Cái chung chỉ có ở một loại sự vật hoặc một nhóm nhỏ sự vật mà không xuất hiện ở những sự vật khác thì được gọi là cái đặc thù.

Tính phổ biến và tính đặc thù luôn có mối quan hệ khăng khít, không tách rời nhau, quy định lẫn nhau, chúng là một bộ phận của cái riêng, tồn tại trong cái riêng và thông qua cái riêng. Mặt khác, mối quan hệ giữa cái phổ biến và cái đặc thù còn thể hiện ở chỗ, cái này lấy cái kia làm tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của mình. Theo quan điểm duy vật lịch sử, tính phổ biến trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội là những vấn đề có tính quy luật, những giá trị bền vững, phản ánh những nét đặc trưng, bản chất của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà các quốc gia có thể vận dụng vào trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Còn tính đặc thù là các đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa vận dụng linh hoạt các vấn đề có tính phổ biến vào điều kiện cụ thể từng nước để tìm ra con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội riêng, phù hợp với dân tộc mình.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tính phổ biến trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội

Trên lĩnh vực chính trị: Bảo đảm sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong của mình là đảng cộng sản. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn thúc đẩy phong trào tiến lên, về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản[3]. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước chuyên chính vô sản trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong nhân dân. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, bởi vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng: bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ, đó là cuộc cách mạng đưa nhân dân lao động từ địa vị làm thuê trở thành người làm chủ, đứng ra tổ chức, quản lý và xây dựng xã hội mới.

Trên lĩnh vực kinh tế: Phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ, giai cấp công nhân khi trở thành giai cấp thống trị, thì nhiệm vụ quan trọng nhất là phải “tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”, xây dụng nền kinh tế hiện đại với năng suất lao động xã hội cao, bởi “xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới[4]. Từng bước xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, thiết lập và hoàn thiện chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu; tổ chức lao động mới; thực hiện phân phối theo lao động.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Chủ nghĩa xã hội có nền văn hóa phát triển cao, kết tinh những giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại; thực hiện giải phóng con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện. Giải phóng con người là mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩ cộng sản, đó là một sự giải phóng toàn diện đối với con người trên các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và đời sống tinh thần để tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện. Mục tiêu đó thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo cao cả của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo về xã hội tương lai: “thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người[5].

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tính đặc thù trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội

Khi bàn đến tính đặc thù của nhận thức về chủ nghĩa xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ nêu những vấn đề có tính phương pháp luận cho quá trình nhận thức và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Đây là những định hướng hết sức quan trọng để trên cơ sở đó, các đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa vận dụng linh hoạt các vấn đề có tính phổ biến vào điều kiện cụ thể từng nước để tìm ra con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội riêng, phù hợp với dân tộc mình. Đồng thời, tránh việc nhận thức giản đơn về chủ nghĩa xã hội; tránh sự dập khuôn máy những mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước này cho nước khác; tránh sự đề cao tính phổ biến, coi nhẹ tính đặc thù và ngược lại. Cụ thể: Khi áp dụng những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa xã hội khoa học phải căn cứ vào tính đặc thù của từng quốc gia, dân tộc. Cùng với việc chỉ rõ và phân tích những vấn đề có tính phổ biến của nhận thức về chủ nghĩa xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng nhấn mạnh rằng: các vấn đề phổ biến này lại được biểu hiện một cách khác nhau trong những điều kiện đặc thù ở từng quốc gia riêng biệt với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, truyền thống lịch sử, đặc điểm dân tộc… không giống nhau. Đó là biểu hiện tính đặc thù và nó đòi hỏi việc vận dụng những nguyên lý của CNXH khoa học cần phải phù hợp với điều kiện của từng quốc gia cụ thể. Đồng thời, trong nhận thức và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, các đảng cộng sản không chỉ vận dụng sáng tạo mà còn phải bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác phù hợp với điều kiện đặc thù để tìm con đường phát triển phù hợp cho dân tộc mình: “Nhiệm vụ của những người cộng sản là phải biết áp dụng những nguyên tắc phổ biến và cơ bản của chủ nghĩa cộng sản vào đặc điểm của những mối quan hệ giữa các giai cấp và các đảng, vào đặc điểm của sự phát triển khách quan hướng tới chủ nghĩa cộng sản, những đặc điểm riêng của mỗi nước, mà chúng ta phải biết nghiên cứu, phát hiện và dự đoán”[6].

Quan điểm trên của chủ nghĩa Mác - Lênin có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng khi nhận thức và vận dụng vào xây dựng chủ nghĩa xã hội:

Về ý nghĩa lý luận, góp phần khẳng định rõ nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới là đúng đắn, vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc thù. Việc nghiên cứu về tính phổ biến và tính đặc thù của nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội trên thế giới hiện nay góp phần bổ sung, phát triển, hoàn thiện hơn lý luận về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã căn cứ vào những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tiễn đất nước, kinh nghiệm của các đảng cộng sản và bối cảnh thời đại để phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nhằm giải đáp những vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đổi mới đã đặt ra. Qua gần 40 năm đổi mới, nhận thức về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từng bước được làm rõ về đặc trưng, phương hướng và các mối quan hệ lớn cần được giải quyết trong quá trình xây dựng XHCN. Nhận thức về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được tiếp tục được bổ sung qua các nhiệm kỳ đại hội của Đảng, đó là “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước[7].

Về ý nghĩa thực tiễn, việc kết hợp giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong quá trình đổi mới giúp Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, từ đó, củng cố niềm tin, ý chí quyết tâm của Đảng và Nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Góp phần đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Qua gần 40 năm đổi mới đất nước, nhờ việc kết hợp giữa những vấn đề có tính phổ biến với tính đặc thù của dân tộc, “Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD; năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,7 tuổi. Chỉ số HDI của Việt Nam hiện nay là 0.703. Giá trị HDI của Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng toàn cầu 115/191 quốc gia[8]; “GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước[9], Đảng ta đã khẳng định: “Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[10]./.


[1] Học viện CTQG Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Lý luận chính trị, H.2021. tr.61.

[2] Sđd.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,  t.4, tr.614-615

[4] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ Matxcơva. 1979, t. 39. tr..25,

[5] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,  t.4, tr.628

[6] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ Matxcơva. 1979, t. 41. tr..93,

[7] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. II, tr. 337

[8] Tổng cục thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023.

[9] Tổng cục thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024.

[10] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG ST, HN, 2021, tập I, tr.104.


Các tin khác