Một số nét nổi bật trong công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Bình Thuận

Tóm tắt: Trong 6 tháng đầu năm, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận đã cùng nỗ lực triển khai công tác dân vận theo chủ đề năm 2024 “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” gắn với chú trọng triển khai có hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 – 2025; chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác dân vận sát với điều kiện thực tế, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp tục triển khai Luật và các nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở; tập trung thực hiện dân chủ ở cơ sở trong minh bạch, công khai các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng; quan tâm nắm tình hình và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Nhiều phong trào được đẩy mạnh, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; mối quan hệ giữa chính quyền với Nhân dân được gắn bó hơn, củng cố được niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; đời sống đại bộ phận CBCC, viên chức và quần chúng Nhân dân được cải thiện. Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) từng bước được nâng lên, chất lượng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh minh bạch, hiện đại. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, TTHC cho cá nhân, tổ chức cơ bản bảo đảm yêu cầu đề ra, hạn chế việc đi lại nhiều lần khi thực hiện nhiều TTHC; phần lớn đội ngũ CBCC, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức kỷ luật, từng bước đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của Nhân dân.

Với những nỗ lực trên, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước tăng 7,1%, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xếp thứ 06/14 tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Về cơ cấu kinh tế trong GRDP, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 41,9%, lĩnh vực dịch vụ chiếm 31,41%, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 21,43%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,26%. Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) tăng 12,99%; giá trị sản xuất toàn ngành đạt 20.903 tỷ đồng, đạt 47,25% kế hoạch, tăng 9,61% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 06/09 khu công nghiệp đã triển khai đầu tư hạ tầng; đồng thời, tiếp tục tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm triển khai đầu tư xây dựng 03 khu công nghiệp còn lại[1]. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển ổn định, toàn tỉnh đón 4,59 triệu lượt khách, đạt 48,01% kế hoạch, tăng 5,01%; trong đó, khách quốc tế 234 nghìn lượt, tăng 91,18%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 11.832 tỷ đồng, đạt 46,4% kế hoạch, tăng 4,31%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ các ngành dịch vụ đạt 53.452 tỷ đồng, đạt 50,03% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Tập trung triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, biện pháp công tác đảm bảo an ninh trật tự; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc từng bước được củng cố, nhân rộng và phát huy hiệu quả, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, quy hoạch, xây dựng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đã lãnh đạo, chỉ đạo rà soát chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cấp huyện. Tiếp tục triển khai Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 và thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan Thiết.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là cải cách TTHC và chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà nước... nhằm nâng cao các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI, PCI gắn với thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024 của Tỉnh ủy “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, với một số kết quả nổi bật như sau:

Về cải cách thể chế: Hội đồng nhân dân tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 11 Nghị quyết và 21 Quyết định tập trung vào các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội; chế độ chính sách đối với người dân...) và cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo; trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 21/21 quyết định QPPL do UBND tỉnh ban hành, kiểm tra theo thẩm quyền 10 VBQPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành; qua kiểm tra, các văn bản này đều có nội dung và hình thức phù hợp với quy định hiện hành, không có văn bản nào kiến nghị xử lý.

Về cải cách thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 317/KH-UBND ngày 25/01/2024 về rà soát, đánh giá TTHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh, gồm: Đơn giản hóa bộ phận tạo thành của TTHC và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC so với thời gian quy định. Các đơn vị thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời những TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo quy định. Tính đến thời điểm hiện tại đã cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và liên kết trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị với 1.838/1.838 TTHC, đạt 100% (trong đó: cấp tỉnh 1.450 TTHC, cấp huyện 341 TTHC, cấp xã 165 TTHC, các cơ quan khác 45 TTHC); 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện đều mở chuyên mục và thực hiện công khai, niêm yết TTHC (bao gồm công khai danh mục TTHC, quy trình, biểu mẫu; danh mục dịch vụ công trực tuyến và TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích) để tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện; công khai kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Tổng số hồ sơ TTHC toàn tỉnh đã giải quyết xong là 254.402 hồ sơ, số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn là 247.351 hồ sơ, chiếm 97,23%, số hồ sơ giải quyết trễ hạn là 7.051 hồ sơ, chiếm 2,77%[2] (tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn giảm 1,58% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu trên lĩnh vực đất đai).

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính: Công tác rà soát, hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức; rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh tiếp tục được quan tâm. Tính đến nay, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 17/18 sở (còn Thanh tra tỉnh đang tiếp tục thực hiện); phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất về mô hình tổ chức của Trung tâm Hành chính công tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT- VPCP của Văn phòng Chính phủ. Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo quy định[3]; trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác  tuyên truyền để đảng viên và Nhân  dân trong tỉnh  nhận thức đầy đủ sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng  và những tác động tích cực của việc thực hiện chủ trương này để tạo sự đồng thuận cao khi triển khai thực hiện.

Về cải cách chế độ công vụ: Đến nay, đã phê duyệt Bản mô tả và Khung năng lực vị trí việc làm khối các cơ quan hành chính (gồm 20 sở, ngành và 10 huyện, thị xã, thành phố) và khối sự nghiệp đảm bảo tiến độ. Việc thực hiện văn hóa giao tiếp công sở theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được các sở, ban, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc; cán bộ, công chức, viên chức phát huy việc nêu gương, có thái độ chuẩn mực trong giao tiếp, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: Được UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện; một số cơ sở dữ liệu (CSDL) của tỉnh đã xây dựng, phát triển hoàn thiện và kết nối, đồng bộ với CSDL quốc gia như: CSDL thủ tục hành chính; CSDL cán bộ, công chức, viên chức; CSDL hộ tịch; CSDL hồ sơ sức khỏe điện tử. Các CSDL đang xây dựng, phát triển hoàn thiện: CSDL về đất đai, CSDL về tài nguyên khoáng sản, CSDL về tài nguyên nước, CSDL Du lịch,... Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã hoàn thành kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu với các CSDL quốc gia, hệ thống thông tin các bộ, ngành trung ương[4]. Triển khai mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho các sở, ngành, địa phương trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đến nay tỉnh đã đầu tư và triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (17/19 đơn vị, trừ Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh), 10/10 đơn vị cấp huyện và 124/124 đơn vị cấp xã với tổng số dịch vụ công trực tuyến là 1.024 dịch vụ công (gồm 775 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 249 dịch vụ công trực tuyến một phần); tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 742/1.024 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình, đạt 72,46%. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục, cải thiện điểm số, thứ hạng các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI, PGI của tỉnh trong thời gian tới theo Thông báo kết luận số 165/TB-UBND ngày 28/5/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 875 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký. Trong đó, nổi lên một số mô hình hay, hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực an ninh trật tự, kinh tế xã hội… được đánh giá cao, có sức lan tỏa, hiệu quả tại một số địa phương[5]. Với chủ đề 2024 “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, qua triển khai, toàn tỉnh đã có 123 mô hình được đăng ký tại các cơ quan, đơn vị; nhiều mô hình hay, hoạt động hiệu quả như: Thanh tra tỉnh thực hiện mô hình “Khéo trong công tác tiếp công dân, khéo trong việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo”; Cục Thuế tỉnh thực hiện mô hình “Xây dựng mô hình vận động người nộp thuế kê khai trung thực giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”; Sở Tư pháp thực hiện mô hình "04 không, 02 biết" (Không trễ hẹn; không gây phiền hà; không vòi vĩnh, tiêu cực; không bổ sung hồ sơ quá 01 lần. Biết hướng dẫn người dân khi dân cần; biết xin lỗi người dân khi hồ sơ trễ hẹn); Sở Nội vụ thực hiện mô hình "Sẵn sàng - Nỗ lực - Vô tư - Bảo đảm - Thân thiện"…

Công tác tiếp công dân, đối thoại giải quyết kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo trong 6 tháng đầu năm 2024 được các cơ quan, đơn vị chú trọng[6]. Thủ trưởng các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo quy định, gặp gỡ và đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Nội dung chủ yếu qua tiếp công dân và tiếp nhận đơn là về tranh chấp đất đai trong nội bộ Nhân dân; khiếu nại về việc thu hồi đất, bồi thường giải tỏa khi thu hồi đất; khiếu nại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phản ánh việc gây ô nhiễm môi trường của một số cơ sở sản xuất làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; tố cáo CBCCVC vi phạm các quy định của pháp luật.

Có thể thấy, thời gian qua, công tác dân vận được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm thực hiện. Qua đó, tập trung giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; quan tâm đến việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để tạo sự đồng thuận xã hội cao khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế-xã hội, QP-AN. Trong thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đất đai... Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; triển khai thực hiện Luật đất đai, Luật nhà ở... và các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp tình hình thực tiễn của tỉnh; gắn với thực hiện tốt công tác dân vận trong triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo những vấn đề bức xúc, kiến nghị quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt công dân vận trong thực hiện chủ đề của Tỉnh ủy năm 2024 “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” gắn với chú trọng triển khai có hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025...Hy vọng rằng, với những quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận của tỉnh nhà sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả như mong đợi, có được sự đồng thuận cao của Nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp.

Minh Hoài

 

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh 6 tháng đầu năm 2024


(1) Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 1, Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 2, Khu Công nghiệp Tân Đức.

(2) Cấp tỉnh đã giải quyết xong 74.381 hồ sơ, đúng hạn 74.243 hồ sơ, chiếm 99,82%, trễ hạn 138 hồ sơ, chiếm 0,18%; cấp huyện đã giải quyết xong 43.451 hồ sơ, đúng hạn 41.385 hồ sơ, chiếm 95,25%, trễ hạn 2.066 hồ sơ, chiếm 4,75%; cấp xã đã giải quyết xong 136.570 hồ sơ, đúng hạn 131.723 hồ sơ, chiếm 96,45%, trễ hạn 4.847 hồ sơ, chiếm 3,55%.

(3) UBND tỉnh ban hành Công văn số 2208/UBND-NCKSTTHC ngày 14/6/2024 yêu cầu UBND thành phố Phan Thiết; UBND huyện Bắc Bình triển khai thực hiện lấy ý kiến cử tri nội dung Đề án sắp xếp ĐVHC phường Lạc Đạo, phường Đức Nghĩa và phường Đức Thắng; Đề án sắp xếp ĐVHC phường Bình Hưng và phường Hưng Long; Đề án sắp xếp ĐVHC xã Phan Lâm và xã Phan Sơn đúng theo quy định của pháp luật và kế hoạch triển khai của tỉnh.

(4) (1) Cổng Dịch vụ công quốc gia; Dịch vụ thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia; Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Dịch vụ Thanh toán nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai trên Cổng DVC quốc gia cho cá nhân; (2) CSDL quốc gia về thủ tục hành chính; (3) CSDL quốc gia về dân cư; (4) CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; (5) Hệ thống Cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp); (6) Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); (7) Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính); (8) Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến Quốc gia_EMC (Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số) – Bộ Thông tin và Truyền thông;(9) Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam VNPOST; (10) Hệ thống phần mềm Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cập nhật cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); (11) Hệ thống dịch vụ công liên thông thực hiện 02 nhóm TTHC thiết yếu theo Đề án 06 (Liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thủ tục liên thông về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất); (12) Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (phân hệ tập trung tại Bộ Tài nguyên và Môi trường); (13) Cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện (Bộ Giao thông Vận tải); (14) Hệ thống quản lý giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải (Hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận tải đường bộ; Hệ thống Quản lý vận hành thông qua nền tảng LGSP; Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực cấp, đổi giấy phép lái xe); (15) Cổng Dịch vụ công của Bộ Xây dựng; Hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến Cấp phép xây dựng đối với Nhà ở riêng lẻ và cung cấp thông tin quy hoạch – Bộ Xây dựng.

(5) Cụ thể: Mô hình “Dân vận khéo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” của Công an tỉnh; Mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận tăng cường đoàn kết với dân tộc, tôn giáo” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Mô hình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” và “Tổ thuyền đoàn kết khai thác hải sản trên biển” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Mô hình “Số hóa các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Thuận”; Mô hình “Mỗi người làm một việc ý nghĩa”, “Bảo quản, chăm sóc và giữ gìn vệ sinh môi trường biển”, “Quỹ Tấm lòng vàng”, “Tuyến đường ánh sáng an ninh”, …

(6) Toàn tỉnh đã tiếp 2.228 lượt/ 2.464 người/ 2.376 vụ việc (giảm 80 lượt, tăng 88 người so với cùng kỳ năm 2023), trong đó: Tiếp công dân thường xuyên là 1.411 lượt/ 1.581 người/ 1.538 vụ việc


Các tin khác