Sự khác nhau giữa Xử lý vi phạm hành chính và Biện pháp xử lý hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành tạo cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định những chế tài xử lý vi phạm hành chính. Xử lý vi phạm hành chính gồm: xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hành chính. Để bảo đảm thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đạt hiệu quả, cần phải phân biệt xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hành chính, từ đó giúp thực hiện hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành tạo cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định những chế tài xử lý vi phạm hành chính. Để đạt hiệu quả trong xử lý vi phạm hành chính, ngoài chế tài xử phạt vi phạm hành chính, Luật còn quy định biện pháp xử lý hành chính. Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hành chính là hai nhóm chế tài khác nhau; cơ sở pháp lý, đối tượng áp dụng và thẩm quyền áp dụng khác nhau. Để bảo đảm thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đạt hiệu quả, cần phải phân biệt xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hành chính. Bài viết giúp bạn đọc phân biệt giữa xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hành chính từ đó giúp thực hiện hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Khác nhau giữa Xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hành chính thể hiện trên những nội dung chủ yếu sau: khái niệm, đối tượng áp dụng, hình thức xử phạt/biện pháp xử lý, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt/xử lý hành chính.

Về khái niệm

Xử phạt vi phạm hành chính[1] là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Biện pháp xử lý hành chính[2] là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Như vậy, khác nhau giữa xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính đó là xử phạt vi phạm hành chính là việc áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, còn biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm.

Về đối tượng áp dụng

Xử phạt vi phạm hành chính[3]:  Áp dụng đối với cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. (Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Biện pháp xử lý hành chính[4]:  Chỉ áp dụng với cá nhân trong nước,  không áp dụng đối với người nước ngoài. (Khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Như vậy, khác nhau về đối tượng áp dụng giữa xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính là đối tượng áp dụng xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, còn đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính chỉ là cá nhân trong nước.

Về hình thức xử phạt/biện pháp xử lý

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm[5]:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Trục xuất.

Các biện pháp xử lý hành chính gồm[6]:

- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

- Đưa vào trường giáo dưỡng;

- Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Như vậy, xử phạt vi phạm hành chính là áp dụng các hình thức xử phạt, còn xử lý hành chính là áp dụng các biện pháp hành chính: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đưa vào trường giáo dưỡng; Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính[7]: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính[8]: Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định như sau:

- Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 01 năm, hoặc 06 tháng, 03 tháng kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm tuỳ từng trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 01 năm, hoặc 06 tháng kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm tuỳ từng trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Trong thời hạn được quy định mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Về thẩm quyền xử phạt/xử lý hành chính

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước hoặc được trao quyền quản lý hành chính nhà nước: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm lâm; Kiểm ngư; cơ quan Thuế; Quản lý thị trường…

Thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính:

Thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã và Toà án nhân dân. Cụ thể: Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện.

Việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Một trong những hạn chế đó là vẫn còn có tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chưa nhận thức đúng đắn, chưa phân biệt được sự khác nhau giữa xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hành chính quy định trong Luật. Để bảo đảm thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đạt hiệu quả, cần phải phân biệt xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hành chính từ đó giúp thực hiện hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước./.

Trung Quân


1. Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

5. Khoản 1 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính.

6. Khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

7. Khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

8. Khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 


Các tin khác