Trong bối cảnh đất nước đang hướng tới sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, công tác dân tộc luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền tại mỗi địa phương. Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, trong những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận đã thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, quy định về công tác dân tộc, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các vùng đồng bào DTTS.
Những nỗ lực này đã góp phần tích cực trong việc triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từ đó đảm bảo cho đồng bào DTTS thụ hưởng đầy đủ các quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội với những kết quả đạt được nổi bật:
Thứ nhất: tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người về kinh tế cho đồng bào DTTS
Bình Thuận, tỉnh giàu tiềm năng phát triển kinh tế, song đồng bào dân tộc DTTS vẫn đối mặt với thách thức nghèo đói. Trong bối cảnh đó, các chính sách đảm bảo quyền con người về kinh tế đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS đã giảm 3,05%, tương đương 764 hộ. Cụ thể, số hộ nghèo DTTS đầu năm 2023 là 2.801 hộ (chiếm 10,78% tổng số hộ DTTS), đến đầu năm 2024 còn 2.037 hộ (chiếm 7,73% tổng số hộ DTTS và 30,77% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Tỷ lệ hộ cận nghèo vùng DTTS cũng giảm 2,13%, tương đương 514 hộ (từ 3.341 hộ vào đầu năm 2023 xuống còn 2.827 hộ vào đầu năm 2024).
Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 46,8 triệu đồng/người/năm. Tại 17 xã thuần DTTS, con số này thậm chí chỉ là 43,6 triệu đồng/người/năm. Sự chênh lệch thu nhập giữa các vùng DTTS trên địa bàn tỉnh cũng là vấn đề đáng quan ngại.
Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg tại 17 xã thuần đồng bào DTTS, tổng số tiêu chí đạt được là 223 tiêu chí. Đáng chú ý, có 03 xã đạt 19/19 tiêu chí, 03 xã đạt 18 tiêu chí và 01 xã đạt 15 tiêu chí. Không còn xã nào dưới 5 tiêu chí, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc trong việc cải thiện đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh, giúp đồng bào DTTS tiếp cận thông tin và tri thức dễ dàng hơn. Hiện nay, 98% hộ đồng bào DTTS sử dụng điện lưới quốc gia và 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những con số trên đây là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người về kinh tế cho đồng bào DTTS trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Với những thành quả đạt được, đồng bào DTTS đã và đang có cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, hướng tới một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn.
Thứ hai: bảo đảm quyền con người về văn hóa
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo quyền thụ hưởng văn hóa của đồng bào DTTS luôn được coi trọng và chú trọng triển khai hiệu quả tại tỉnh Bình Thuận. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy đoàn kết, hòa nhập và phát triển bền vững.
Công tác thông tin, tuyên truyền cho vùng DTTS và miền núi luôn được các cấp, các ngành tại tỉnh Bình Thuận quan tâm phối hợp thực hiện. Thiết chế và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở vùng đồng bào DTTS được quan tâm, đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa - thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc được duy trì và phát huy, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Điển hình là việc duy trì tổ chức ngày hội văn hóa các DTTS theo định kỳ, qua đó, lựa chọn, bồi dưỡng các vận động viên, các nghệ nhân tham gia ngày hội văn hóa Chăm, ngày hội thể thao các DTTS cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Bên cạnh đó, Đại hội (Hội nghị) đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024 cũng đang được chuẩn bị tổ chức.
Về cơ sở vật chất, hiện 17/17 xã thuần đồng bào DTTS đã có nhà văn hóa và 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, các lễ hội dân gian, các nghề thủ công truyền thống tiếp tục được duy trì. Điều này góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS.
Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn, Lễ hội Ramưwan của người Chăm Bàni, Lễ hội Rijà Nưgar, Lễ hội tại miếu Bà Chúa (Pô Inư Nưgar), Lễ hội Katê tại đền ông La Băng Lạc Sứ, Lễ hội dân gian tại đền thờ Thiên Ya Na của người Chăm, Tết Đầu lúa của người Cơho, Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa, Lễ Vía Thánh Quan Âm của người Hoa, Lễ Trung Nguyên, Lễ Cầu Phước của người Tày, Nùng, Lễ mừng lúa mới của người Raglai... đều được tổ chức và duy trì. Ngoài ra, các nghề thủ công truyền thống như làm gốm thủ công truyền thống của người Chăm, nghề dệt... cũng được bảo tồn và phát triển. Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích của đồng bào DTTS cũng được các cấp công nhận và bảo vệ. Toàn tỉnh hiện có 04 di tích quốc gia và 04 di tích cấp tỉnh của các DTTS. Trong năm 2024, có 2 di tích là Đền thờ Pô Nít, xã Hàm Liêm và Đền thờ Thiên Y A Na, xã Hàm Hiệp được đầu tư kinh phí, chống xuống cấp, tu bổ tôn tạo.
Song song đó, công tác thông tin, tuyên truyền đã triển khai tuyên truyền về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc một cách đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực, bao phủ toàn địa bàn vùng DTTS và miền núi. Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa, truyền thống của đồng bào các dân tộc trong cộng đồng.
Với những nỗ lực và thành tựu đạt được, tỉnh Bình Thuận đang từng bước đảm bảo quyền thụ hưởng văn hóa của đồng bào DTTS, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thứ ba: đảm bảo quyền con người về giáo dục và chăm sóc sức khỏe
Việc đảm bảo quyền con người về y tế và giáo dục cho đồng bào DTTS luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Tại tỉnh Bình Thuận, những nỗ lực đáng kể đã được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS trên các lĩnh vực này.
Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp và huy động từ nhiều nguồn lực, mạng lưới trường lớp trong vùng đồng bào DTTS đã được mở rộng và nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Toàn tỉnh hiện có 01 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và 04 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện. Hệ thống trường, lớp vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập 02 buổi/ngày.
Đội ngũ giáo viên ở các cấp học được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học được nâng lên. Điều này đã góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường (mầm non đạt 99,86%, tiểu học đạt 99,5%, trung học cơ sở đạt 92,91%, trung học phổ thông đạt 61,17%).
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Hiện có 04 huyện duy trì việc dạy và học tiếng Chăm tại 12 trường, với 143 lớp có khoảng trên 3.494 học sinh học tiếng Chăm. Đồng thời, các đơn vị cũng triển khai dạy tiếng Chăm 2 tiết/4 tiết/tuần cho tất cả các khối lớp tiểu học.
Song song với đó, các chính sách hỗ trợ cho học sinh là con em vùng đồng bào DTTS, theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của HĐND tỉnh, được triển khai đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định.
Ngoài việc nỗ lực quan tâm đến quyền con người về giáo dục thì việc đảm bảo quyền con người về y tế và chăm sóc sức khỏe cũng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào DTTS đã được củng cố, tăng cường và cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân tại chỗ. Đến nay, các xã thuần vùng DTTS đã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Các chương trình y tế quốc gia và các hoạt động xã hội, từ thiện về y tế ở vùng đồng bào DTTS được các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện, từng bước nâng cao ý thức của đồng bào trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Công tác vệ sinh phòng dịch được duy trì, các loại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đủ 8 bệnh truyền nhiễm đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 21,6%; đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 88,5%.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường... được quan tâm chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra tình trạng dịch bệnh trong vùng đồng bào DTTS.
Với những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành và sự đồng lòng, chung tay của toàn xã hội, quyền con người về y tế và giáo dục của đồng bào DTTS tại Bình Thuận đã từng bước được tôn trọng, đảm bảo, bảo vệ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện bình đẳng trong cộng đồng. Các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề và việc làm đã giúp đồng bào tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề, từ đó tạo điều kiện cho họ hội nhập và phát triển bền vững.
Những thành tựu đạt được nêu trên trong việc đảm bảo quyền con người cho đồng bào DTTS trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội tại tỉnh Bình Thuận là minh chứng sinh động cho sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp và chung tay của toàn xã hội trong việc thực hiện mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau". Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn nữa của cấp ủy, chính quyền để đảm bảo quyền con người một cách toàn diện và bền vững cho tất cả công dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tại tỉnh Bình Thuận./.
Lê Văn Huy
Khoa Nhà nước &Pháp luật
Tài liệu tham khảo:
1/ Báo cáo số 312/BC-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận về kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
2/ Báo cáo số 145/BC-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận về kết quả thực hiện công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.