Việc xây dựng và củng cố chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám và một số kinh nghiệm đối với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

79 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tinh thần bất diệt của những ngày tháng Tám lịch sử vẫn luôn cổ vũ, động viên mỗi người dân Việt Nam vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng với những bài học kinh nghiệm quý báu. Một trong những vấn đề này là việc xây dựng và củng cố chính quyền sau cách mạng giữa bối cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”, góp phần đưa dân tộc ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do. Nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”1.

Từ đây, Nhân dân ta đã trở thành chủ nhân của đất nước, quyết tâm bảo vệ nền độc lập mới giành được. Hệ thống chính quyền cách mạng ở các cấp nhanh chóng được thiết lập và củng cố… Bên cạnh những thuận lợi, Nhà nước Việt Nam và cả dân tộc phải đương đầu với những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng: đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề; hơn hai triệu đồng bào miền Bắc đã chết đói; hàng chục vạn hécta ruộng đồng bị bỏ hoang; các thế lực phản động chống phá cách mạng rất quyết liệt…

Đất nước bị các thế lực đế phản động bao vây và tiến công. Đầu tháng 9/1945, theo thoả thuận của Đồng minh ở Hội nghị Pốtxđam, Chính phủ Trung hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch đưa 200.000 quân vào phía Bắc vĩ tuyến 16 nước ta và Anh đưa quân vào phía Nam2 để tước vũ khí của quân đội Nhật Bản. Từ ngày 23/9/1945, quân Pháp núp sau quân Anh đã trắng trợn đánh chiếm Sài Gòn rồi Nam bộ hòng đặt trở lại sự thống trị của đế quốc Pháp đối với dân tộc Việt Nam… với một tiêu chung là tiêu diệt chính quyền nhân dân, xoá bỏ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Chưa bao giờ trên đất nước ta cùng một lúc có nhiều kẻ thù hung bạo và xảo quyệt như lúc này. Nước ta lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính quyền nhân dân có nguy cơ bị lật đổ, nền độc lập mới giành được có thể bị mất.

Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đối sách vô cùng sáng suốt, linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng rất kiên quyết. Riêng trong việc xây dựng và củng cố chính quyền đã được thực hiện rất quyết liệt và đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần giữ vững thành quả cách mạng.

Ngay sau khi tuyên bố độc lập, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra sáu việc cấp bách: Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói; mở phong trào chống nạn mù chữ; sớm tổ chức tổng tuyển cử; mở phong trào giáo dục cần kiệm, liêm chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò và tuyên bố tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết. Sau đó, Người đã nêu ra ba nhiệm nhiệm lớn: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.

Để đối phó với sự công kích trực diện của kẻ thù, ngày 11/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự động giải tán và rút vào hoạt động bí mật, đồng thời thành lập Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, hoạt động công khai.

Đồng thời đối với các tổ chức, đảng phái phản động, Nhà nước ban hành một loạt sắc lệnh: giải tán Đại Việt Quốc gia xã hội Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng; giải tán “Việt Nam Hưng quốc thanh niên” “Việt Nam Ái quốc thanh niên”, thiết lập các tòa án quân sự, giải thể các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương…

Với tinh thần làm chủ và khẳng định Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự do có chủ quyền, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải tiếp hành ngay một cuộc bầu cử toàn quốc theo hình thức phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội và thành lập Chính phủ chính thức. Báo Quốc hội số đặc biệt ngày 06/01/1946 đã dành khổ lớn trên trang nhất để in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bút tích Lời kêu gọi của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”. Kết quả, ở 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Ngày 02/3/1946, Quốc hội khoá I đã họp phiên đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lập ra Chính phủ chính thức, gồm 10 bộ, Chính phủ do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quốc hội nhất trí bầu Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban. Đồng thời các địa phương cũng tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và kiện toàn Uỷ ban hành chính các cấp. Quốc hội cũng thành lập ra Ban soạn thảo Hiến pháp mới và tại kỳ họp thứ 2 (09/11/1946), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Hiến pháp năm 1946).

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng bộ máy chính quyền dân chủ, trong sạch, đi đôi với việc chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục các khuyết điểm trong bộ máy chính quyền nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”5.“Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”6. Người nhắc nhở: “Nước ta là nước dân chủ; địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”7. Người còn viết: “Chính phủ cộng hoà Dân chủ là gì? là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”8

Cùng với việc xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước các cấp là việc tiếp tục tăng cường lực lượng, mở rộng hơn nữa mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết toàn dân chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt Hội Liên Việt), ra đời tháng 5/1946, nòng cốt là Mặt trận Việt Minh. Cùng với Mặt trận Liên Việt, các đoàn thể quần chúng và đảng phải dân chủ lần lượt ra đời: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (tháng 5/1946), Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (tháng 10/1946). Cuối tháng 11/1946, Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Đầu tháng 12/1946, Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức nhằm đoàn kết các dân tộc trong nước, chống âm mưu chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp.

Đối với vấn đề ngoại xâm, ngày 06/3/1946, Chính phủ ta đã ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp, đồng ý cho 15.000 quân Pháp thay thế quân Tưởng giải giáp quân Nhật. Đến tháng 6/1946, toàn bộ quân Tưởng rút khỏi Việt Nam; bọn phản động mất chỗ dựa nên ra sức chống phá, nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp đã mưu toan đảo chính lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 7/1946, âm mưu của chúng bị vạch trần, thông qua sự kiện vụ án phố Ôn Như Hầu. Vụ phá án đã đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng, làm tan rã hệ thống tổ chức của một đảng phản động, phá vỡ liên minh phản cách mạng giữa bọn phản động bên trong với thế lực xâm lược bên ngoài.

Như vậy, có thể thấy rằng trong điều kiện vô cùng khó khăn và trong thời gian rất ngắn; những chủ trương, biện pháp, sách lược và đối sách của Đảng, tinh thần quyết đoán, sáng tạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã củng cố, giữ vững và bảo vệ an toàn cho hệ thống bộ máy chính quyền cách mạng từ Trung ương đến cơ sở và những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, tạo thêm thời gian hoà bình, hoà hoãn, tranh thủ tích cực chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài; đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở trong những năm 1945-1946. Để rồi khi toàn quốc kháng chiến nổ ra (tháng 12/1946), chính quyền cách mạng đã thực sự vững mạnh và đủ sức lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng là vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Nhờ đó, cuộc kháng Pháp của nhân dân ta dù lúc đầu hết sức khó khăn nhưng dần dần ta đã chiếm ưu thế và giành thắng lợi cuối cùng.

Kế thừa và phát triển bài học kinh nghiệm về xây dựng và củng cố chính quyền sau cách mạng Tháng 8; Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những định hướng lớn trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động9; “Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở các quy luật thị trường. Tăng cường công tác giám sát, chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường, không can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường”10. Trên cơ sở đó, để hoàn thiện tổ chức, hoạt động của các thiết chế nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân công chức năng, nhiệm vụ và phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa các cấp quản lý, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

Một là, Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do cơ quan dân cử bầu hoặc phê chuẩn; tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp, đặc biệt là đại biểu tham gia lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan hành chính ở địa phương; xây dựng Quốc hội số, tổ chức các kỳ họp Quốc hội trực tuyến.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh; cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước - với tư cách là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại; tăng cường vai trò của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, như bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch nước trong việc đề nghị Quốc hội xem xét lại luật, bộ luật.

Ba là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội, thực hiện quyền hành pháp; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành…

Bốn là, xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trong đó, “xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, ổn định”11; tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với hoạt động của tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật và các loại tranh chấp, khiếu kiện theo pháp luật nhằm “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý của người dân và doanh nghiệp”12; “Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bổ trợ tư pháp và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án”13; đổi mới quản trị tư pháp theo hướng khắc phục tình trạng “hành chính hóa” trong quan hệ tố tụng giữa Tòa án các cấp và bảo đảm tính độc lập trong xét xử, như xây dựng thiết chế Hội đồng tư pháp quốc gia, tổ chức Đảng theo ngành dọc; triển khai đồng bộ, thông suốt Tòa án điện tử và xét xử trực tuyến.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định, trong đó hướng đến “xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”14; phân định rõ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, nâng cao tính chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương; gắn đổi mới tổ chức chính quyền địa phương với đổi mới hệ thống chính trị ở địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở; “Sáp nhập hợp lý một số đơn vị hành chính cấp xã, huyện phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển mới”15.

-------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 25, tr. 26.

(2) Kể cả quân Pháp bám theo quân Anh, số quân này có khoảng gần 100.000.

(3) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 19, 20.

(4) Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Số 8, ngày 5/9/1945 về việc giải tán “Đại Việt quốc gia Xã hội Đảng” và “Đại Việt Quốc dân Đảng”.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 12.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 375.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 434.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 74, 75.

(9), (10), (11), (12), (13), (14), (15)  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H.2021, tập 1, tr.284, 285, 149, 149, 149-150, 178, 127-128.

 


Các tin khác