Lớp Trung cấp lý luận chính trị, hệ không tập trung - Khoá 14 đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng

Thực hiện Kế hoạch số 406-KH/TCT, ngày 22/7/2024 của Truờng Chính trị tỉnh Bình Thuận, theo đó từ ngày 14/8 - 16/8/2024 nhà Trường đã tổ chức cho Lớp Trung cấp lý luận chính trị, hệ không tập trung - Khoá 14 đi nghiên cứu thực tế tại Khu di tích căn cứ Tỉnh uỷ Bình Thuận trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng.

Hướng dẫn đoàn đi nghiên cứu thực tế có đồng chí Nguyễn Khắc Nam Sơn - Phó Hiệu trưởng, trưởng đoàn; đồng chí Đinh Thị Thương - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, phó trưởng đoàn; đồng chí Huỳnh Văn Thông - Giảng viên khoa Nhà Nước và Pháp luật; cùng với 73 học viên Lớp Trung cấp lý luận chính trị, hệ không tập trung - Khoá 14.

Trong hành trình tại tỉnh Bình Thuận, Đoàn đã dừng chân thắp hương tưởng niệm và viếng Bác tại Khu di tích căn cứ Tỉnh uỷ Bình Thuận, được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và hoạt động cách mạng trong điều kiện khó khăn, gian khổ của Tỉnh uỷ Bình Thuận qua các thời kỳ đối với lực lượng vũ trang và nhân dân ta. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng anh dũng, hy sinh gian khổ nhưng vẻ vang, hào hùng của các thế hệ cha ông trên quê hương Bình Thuận. Nhân dịp này, Lớp Trung cấp lý luận chính trị - Khoá 14 còn phối hợp với Đảng uỷ, UBND xã Đông Giang để trao tặng 10 phần quà cho các học sinh nghèo, hiếu học của địa phương, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng.

Tiếp tục hành trình tại tỉnh Lâm Đồng, Lớp đã chọn nhiều điểm tham quan nổi bật, trong đó, điểm nhấn trong chuyến nghiên cứu thực tế của đoàn là đến Truờng Chính trị tỉnh Lâm Đồng Đoàn, được nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế du lịch tại tỉnh thời gian qua. Đồng chí báo cáo viên đến từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đã cung cấp cho lớp bức tranh tổng thể, sinh động trong phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là những cách làm hay, không ngừng đổi mới, sáng tạo mang tính đột phá trong tư duy của các thế hệ lãnh đạo để du lịch của tỉnh cất cánh và trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng. Mặt khác, đồng chí cũng chia sẻ nhiều bài học đắt giá cho sự tăng trưởng nóng về du lịch của tỉnh thời gian qua, nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn chưa được tháo gỡ để du lịch phát triển theo hướng bền vững.

Đặc biệt, đoàn đã dành thời gian để tham quan và nghe thuyết minh tại Di tích quốc gia - Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 - 1973). Nơi đây, đã ghi dấu sự đấu tranh dũng cảm, bản lĩnh ngoan cường của các chiến sĩ nhỏ tuổi. Được biết, Nhà lao Thiếu nhi Được thành lập vào đầu năm 1971. Chế độ cũ dùng hình thức mị dân để đánh lừa công luận, che đậy âm mưu thâm độc nhằm cách ly, đàn áp, tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam. Nơi đây đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 - 17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, gian khổ của nhà lao, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi cũng đã tập hợp lực lượng nòng cốt, thành lập bộ phận chỉ huy thống nhất, đề ra các yêu sách cụ thể để tiến hành các biện pháp đấu tranh liên tục, bền bỉ, xuyên suốt quá trình tồn tại của nhà lao. Trong quá trình đấu tranh, các tù nhân thiếu nhi cũng đã bị hành hạ, tra tấn dã man bằng nhiều hình thức. Với ý chí sắt đá, niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng, các chiến sĩ đã đấu tranh quả cảm, kiên cường buộc kẻ thù phải nhượng bộ và giải tán nhà tù vào năm 1973.  

Bên cạnh đó, đoàn đã dừng chân tham quan thực tế các điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương như Khu du lịch Mongo Land Da Lat, vườn hoa Vạn Thành, giao lưu văn hoá cồng chiêng tại Lang Biang.

Lớp Trung cấp lý luận chính trị, hệ không tập trung - Khoá 14 đã hoàn thành chuơng trình nghiên cứu thực tế đảm bảo mục đích, yêu cầu thành công tốt đẹp. Chuyến đi là cơ hội tốt để các học viên của lớp có thêm nhiều trải nghiệm ý nghĩa, rút ra những bài học hay, thiết thực để đưa vào bài thu hoạch, qua đó có thêm những đề xuất, giải pháp đối với địa phương tỉnh Bình Thuận trong phát triển kinh tế du lịch để đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai. Đồng thời, góp phần giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau mãi khắc ghi công ơn của thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến xương máu để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Từ đó, khơi gợi khát vọng xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như quê hương Bình Thuận ngày càng giàu mạnh./.


Các tin khác