Ở Việt Nam, từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ mới với những khó khăn, thử thách quyết liệt; đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân đánh phá hòng đưa miền Bắc quay trở lại thời kỳ đồ đá; chúng đã sử dụng 15 triệu tấn bom đạn các loại ném xuống Việt Nam. Ở Miền Nam Việt Nam, nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu dùng những vũ khí tàn ác nhất và những thủ đoạn chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan, chất độc hoá học và hơi độc, để giết hại hàng loạt đồng bào, phá hoại mùa màng, triệt hạ làng mạc. Ở miền Bắc Việt Nam, hàng ngàn máy bay Mỹ trút hàng chục vạn tấn bom đạn, phá hại các thành phố, xóm làng, nhà máy, cầu đường, đê đập, tàn phá cả nhà thờ, đình chùa, nhà thương, trường học. Trước khả năng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể còn lâu dài và vô cùng ác liệt, để khẳng định quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của đất nước, đồng thời chuẩn bị tư tưởng trước cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào một giai đoạn chiến đấu mới quyết liệt hơn, khó khăn, gian khổ và hi sinh nhiều hơn để giành lấy thắng lợi hoàn toàn, Lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát đi trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đăng trên Báo Nhân dân số 4484 ngày 17/6/1966.
Nội dung lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước năm 1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 03 phần rõ ràng, khúc chiết: một, đã vạch trần âm mưu thâm độc và tội ác vô cùng dã man của đế quốc Mỹ; hai, khẳng định quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc; ba, kêu gọi sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Người chỉ rõ cho toàn thế giới thấy rằng: nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình. Lời kêu gọi đầy sức thuyết phục của Bác đã chứng minh rằng kẻ thù dù có hung bạo đến đâu, dù có lắm súng nhiều tiền đến đâu thì cũng không thể thắng được Nhân dân Việt Nam: cái chính nghĩa phải thắng cái phi nghĩa; cái văn minh phải thắng bạo tàn; cái thiện phải thắng cái ác. Hoà bình là niềm tin và khát khao của nhân loại, nó không phải chỉ giành cho một dân tộc, một quốc gia mà là của cả loài người. Người tin tưởng “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng!”- Đó là hoà bình chân chính, hoà bình trong độc lập, tự do như chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong lời kêu gọi bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.
Về giá trị lý luận của tác phẩm: Tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” là sự kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, hình thành di sản tư tưởng quý báu với cốt lõi là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người, vì nhân dân. Trong di sản Hồ Chí Minh, độc lập của dân tộc không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với quyền con người, quyền được sống, quyền tự do, được mưu cầu hạnh phúc của nhân dân lao động, của giai cấp cần lao. Đất nước không thể phồn vinh, dân tộc không thể phát triển nhân dân không thể có cơm no, áo ấm và cuộc đời hạnh phúc nếu không có được độc lập, tự do. Độc lập, tự do của dân tộc, quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc trong một đất nước độc lập, tự do là vô cùng quý giá và thiêng liêng. Không ai có thể tự cho mình cái quyền can thiệp, có quyền xâm phạm độc lập, tự do của các quốc gia dân tộc khác, càng không thể có quyền thực hiện sự can thiệp đó bằng hành động vũ lực. Độc lập dân tộc hiện nay là các dân tộc phải độc lập hoàn toàn, độc lập thực sự trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, không bị lệ thuộc vào bên ngoài, có quyền quyết định con đường đi lên của dân tộc mình.
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” chỉ ra rằng, tự mình phải cứu lấy mình, từng dân tộc phải đứng lên tự quyết định lấy chính vận mệnh của dân tộc mình. Một dân tộc không thể có được độc lập, tự do nếu dân tộc ấy không tự đứng lên để giải phóng cho mình, nếu dân tộc ấy không tự biết cứu lấy mình, không có con đường đấu tranh đúng. Độc lập, tự do của các quốc gia dân tộc là một giá trị cao quý, thiêng liêng, là “không có gì quý hơn”, là kết quả đấu tranh liên tục, bền bỉ của cả dân tộc trước mọi hoàn cảnh khó khăn. Khi độc lập, tự do bị xâm phạm thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy. Và càng muốn có độc lập, tự do thì các dân tộc bị áp bức không thể ngồi yên chờ đợi, càng không thể trông chờ vào sự “ban ơn” của các nước đế quốc, thực dân. Muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự thì vấn đề quyết định trước hết phải giành cho được độc lập, tự do, phải vùng lên xoá bỏ mọi áp bức, nô dịch. Để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần đoàn kết một lòng. Không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.
Về giá trị thực tiễn: Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” trong Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước ngày 17/7/1966 của Chủ tịch Hồ Chí Mình là tư tưởng mang tầm vóc thời đại để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc thống nhất ý chí, niềm tin, củng cố đội ngũ, đoàn kết một lòng cùng bước vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tư tưởng đó đã thực sự trở thành lời hiệu triệu, thành mệnh lệnh của trái tim mỗi người dân Việt Nam, tạo nền tảng tư tưởng vững chắc cho việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, động lực chủ yếu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Lời kêu gọi ngày 17/7/1966 có sức lan tỏa rộng lớn và có sức mạnh tập hợp đoàn kết vô cùng mạnh mẽ. Đó là chân lý bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Đồng thời, khẳng định một niềm tin không gì lay chuyển nổi vào ngày mai tất thắng “đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”(2). “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng Hồ Chí Minh. Vì thế, Người không chỉ được tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam mà còn được thừa nhận là người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX. Sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta có ý nghĩa cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới; là một động lực quan trọng thúc đẩy ý chí, quyết tâm đấu tranh giành, bảo vệ và cùng cố nền độc lập dân tộc của nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh mới của cuộc đấu tranh dân tộc, giai cấp, của xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam giành được những thành tựu quan trọng được đông đảo các quốc gia, bè bạn quốc tế ghi nhận và tôn vinh. Tuy nhiên cần chú trọng với những thủ đoạn thâm độc đi ngược lại xu thế phát triển của đất nước, ước nguyện hòa bình, mưu cầu hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, các thế lực thù địch, xét lại, cơ hội chính trị đã cố tình bôi đen, xuyên tạc, phủ nhân sự thật lịch sử, tuyên truyền sai lệch nhằm làm cho một bộ phận quần chúng thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc, nhất là giới trẻ.
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” tiếp tục là động lực tinh thần và là tư tưởng dẫn dắt nhân dân Việt Nam trên con đường phát triển, đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Độc lập, tự do không chỉ về chính trị, không chỉ là vấn đề chủ quyền quốc gia, mà là độc lập, tự do trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đối với mỗi con người và đối với cả dân tộc. Trong mọi hoàn cảnh, dân tộc Việt Nam phải tự quyết định con đường phát triển của mình; phải giữ vững độc lập, tự chủ cả về chính trị và kinh tế, tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế mạnh mẽ. Điều cần nhấn mạnh là, trong bối cảnh mới, nhân dân Việt Nam không chỉ bảo vệ độc lập, tự chủ trên lĩnh vực kinh tế, mà cuộc đấu tranh để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng quân sự, ngoại giao... với những nội dung mới, hình thức mới và sắc thái biểu hiện mới. Các hình thức đấu tranh dân tộc, đấu giai cấp diễn ra quyết liệt, đan xen nhau trên tất cả các lĩnh vực, làm cho nhiệm vụ bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, chế chính trị của đất nước trở nên hết sức phức tạp.
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” nhắc nhở Đảng và nhân dân Việt Nam rằng, những cái gì là “bất biến” phải kiên định, giữ vững để có thể “vạn biến” được với thời cuộc. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự do của Tổ quốc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc, tự do, hạnh phúc, cuộc sống hòa bình của nhân dân... là cái “bất biến”, Đảng và nhân dân Việt Nam kiên quyết giữ gìn. Đồng thời, tranh thủ, tận dụng những điều kiện quốc tế thuận lợi vừa phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” tiếp tục làm sáng tỏ thêm trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta, vừa coi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ trung tâm; mặt khác cần chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng. Theo đó, Đảng ta xác định: củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của hệ thống chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc. Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, vượt qua mọi thách thức, khắc phục mọi khó khăn, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững./.
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tác phẩm được đạt tên là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, in trong t.15, tr.130-133.
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H2011, t.15, tr.131.