Tin mới nhất

Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tại tỉnh Bình Thuận, công tác chỉ đạo, triển khai việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này được thực hiện thường xuyên, trong đó công tác bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thồng tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm hàng đầu.

Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, với 101.733 khẩu/24.187 hộ; chiếm 8% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ ; trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro sinh sống tập trung ở 11 xã (Phan Dũng thuộc huyện Tuy Phong; Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Phan Tiến thuộc huyện Hàm Thuận Bắc; La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến thuộc huyện Hàm Thuận Bắc; Mỹ Thạnh, Hàm Cần thuộc huyện Hàm Thuận Nam; La Ngâu thuộc huyện Tánh Linh) và 20 thôn xen ghép; dân tộc
Chăm cư trú tập trung ở 04 xã (Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa thuộc huyện Bắc Bình; xã Phú Lạc thuộc huyện Tuy Phong) và 09 thôn xen ghép ở ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ; dân tộc Tày, Nùng, Hoa chủ yếu sống ở 02 xã (Hải Ninh, Sông Lũy thuộc huyện Bắc Bình) và 02 thôn xen ghép. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 01/01/2018 đến 30/6/2020, về cơ bản các văn bản được quy định chi tiết đã được Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành chức năng của địa phương nghiên cứu, ban hành các văn bản quy định chi tiết để triển khai thực hiện kịp thời và đầy đủ như: Quyết định số 5039/QĐ-BVHTTDL ngày 07/3/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Dự án “Xây dựng Bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020”; Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 01/01/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Từ năm 2018 đến nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở ban, ngành liên quan cấp tỉnh và cấp huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh. Một số nhiệm vụ trọng tâm gắn với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được địa phương tập trung triển khai thực hiện như: Bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tiêu biểu (lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn, lễ hội Ramưwan của người Chăm Bàni, Lễ Cầu an (Yô Yang) của người Chăm, lễ hội Nghinh Ông của người Hoa, lễ mừng lúa mới (Tết ăn đầu lúa) của tộc người Raglai và Cờho, lễ Tả Tài Phán (lễ Cầu an của người Nùng Hoa), lễ Đản sinh Phật Bà Quan Âm của người Hoa)... Tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với nghề làm gốm của người Chăm (xã Phan Hiệp thuộc huyện Bắc Bình), đồng thời, phối hợp với tỉnh Ninh Thuận xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển Làng nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; triển khai xây dựng hồ sơ khoa học lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; triển khai thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian) 4 dân tộc tiêu biểu tỉnh Bình Thuận (Chăm, Raglai, Cờho và Chơro) thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật”; triển khai Kế hoạch thực hiện 02 Đề án: “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” và “Kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…”.

Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số cũng được chú trọng, hầu hết các dân tộc thiểu số đều bảo lưu, sử dụng tiếng nói của mình trong sinh hoạt cộng đồng; chương trình dạy và học chữ Chăm vẫn được duy trì ở các trường Tiểu học có đồng bào Chăm thuộc 04 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân); chương trình phát thanh truyền hình tiếng Chăm vẫn được phát sóng thường xuyên trên truyền hình BTV (định kỳ 04 lần/tháng)…

Trong những năm qua, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư ngân sách để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa và hỗ trợ trang thiết bị cho các xã vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Kết quả đã đầu tư xây dựng 17/17 nhà văn hóa xã và 43/43 nhà văn hóa thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Hầu hết các thiết chế Nhà Văn hóa xã và thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tương đối tốt trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đều khắp các xã và thôn, bản, thu hút khá đông đồng bào đến giao lưu, học hỏi, sáng tạo, cùng tham gia biểu diễn tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh gắn với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, học tập, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh những mặt đạt được như trên, thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã được thể chế hóa, nhưng từ văn bản đến thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu những giải pháp khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện; Một số di sản văn hóa phi vật thể quý giá của các dân tộc đã và đang bị mai một, biến thể, mất mát khó có điều kiện và khả năng để phục hồi; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa là người dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ; năng lực đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số làm công tác văn hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, chưa qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lại thường xuyên biến động, không ổn định nên chưa đáp ứng được yêu 6 cầu đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;…

Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả việc triển khai chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thiết nghĩ, Ủy Ban nhân dân và các sở, ban ngành của tỉnh Bình Thuận cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc nói chung và công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo vệ, lồng ghép vào các chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản.

Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ khả năng tổ chức, duy trì hoạt động phong trào văn hóa cơ sở nói chung và thi hành chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, các hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thứ ba, cần quan tâm đầu tư một cách đồng bộ các thiết chế văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (bao gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ phục vụ, kinh phí duy trì hoạt động) nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ tư, huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội theo phương châm xã hội hóa để phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến đổi văn hóa cao./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số