Một vài suy nghĩ và đề xuất qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Công nghệ thông tin mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới các phương pháp và hình thức dạy học. 

Công nghệ thông tin mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới các phương pháp và hình thức dạy học. Những phương pháp dạy học theo cách tiếp cận kiến tạo, phương pháp dạy học theo dự án, dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề càng có nhiều điều kiện để ứng dụng rộng rãi. Nếu trước kia giảng viên trường chính trị chỉ nhấn mạnh tới phương pháp dạy sao cho học viên dễ hiểu, nhớ lâu thì nay phải đặt trọng tâm là hình thành và phát triển cho học viên các phương pháp học chủ động. Như vậy, việc chuyển từ “lấy giảng viên làm trung tâm” sang “lấy học viên làm trung tâm” sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Nhờ có máy tính điện tử mà việc thiết kế giáo án và giảng dạy trên máy tính trở nên sinh động hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với cách dạy theo phương pháp truyền thống, chỉ cần “bấm chuột”, vài giây sau trên màn hình hiện ra ngay nội dung của bài giảng với những hình ảnh, âm thanh sống động thu hút được sự chú ý và tạo hứng thú nơi học viên. Thông qua giáo án điện tử, giảng viên cũng có nhiều thời gian đặt các câu hỏi gợi mở tạo điều kiện cho học viên hoạt động nhiều hơn trong giờ học. Những khả năng mới mẻ và ưu việt này của công nghệ thông tin và truyền thông đã nhanh chóng làm thay đổi cách sống, cách làm việc, cách học tập, cách tư duy ... của giảng viên và học viên trong giờ học.

Do đó, mục tiêu của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là nâng cao một bước cơ bản chất lượng học tập, tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao chứ không đơn thuần chỉ là “thầy đọc, trò chép” như kiểu truyền thống, học viên được khuyến khích và tạo điều kiện để chủ động tìm kiếm tri thức, sắp xếp hợp lý quá trình tự học tập, tự rèn luyện của bản thân mình. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học đòi hỏi rất nhiều ở cơ sở vật chất, tài chính và năng lực của đội ngũ giảng viên. Từ kinh nghiệm trong những năm áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, chúng tôi xin nêu một số đề xuất để đồng nghiệp nghiên cứu trong quá trình tác nghiệp.

Một là, giảng viên cần mạnh dạn, không  ngại khó, tự thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử của mình sẽ giúp cho giảng viên rèn luyện được nhiều kỹ năng và phối hợp tốt các phương pháp dạy học tích cực khác.

Hai là, khi thiết kế bài giảng điện tử cần chuẩn bị trước kịch bản, tư liệu (Video, hình ảnh, bảng đồ, ….), chọn giải pháp cho sử dụng công nghệ, sau đó mới bắt tay vào soạn giảng.

Ba là, nội dung bài giảng điện tử cần cô động, xúc tích, hình ảnh, các mô phỏng cần sát chủ đề, những nội dung học viên ghi bài cần có qui ước (có thể dùng khung hay màu nền); nội dung bài giảng chứa nhiều liên kết nhất là liên kết đến hệ thống câu hỏi để khắc phục những tình huống sư phạm phát sinh, cần khai thác thế mạnh của CNTT trong kiểm tra đánh giá và kiểm chứng kết quả.

Bốn là, không lạm dụng công nghệ thông tin nếu chúng không tác động tích cực đến quá trình dạy học và sự phát triển của học viên; công nghệ mô phỏng nếu không phản ánh đúng nội dung, giá trị nghệ thuật và thực tế thì không nên sử dụng; chuẩn kiến thức ở mức độ vận dụng cần kết hợp bảng và sử dụng các phương pháp dạy học tích cực mới có hiệu quả.

Năm là, giảng viên cần học, tập huấn các lớp soạn, giảng bài giảng điện tử, thường xuyên truy cập vào các trang web chính thống để trao đổi và rút kinh nghiệm, tiếp thu những công nghệ mới và trao đổi những các làm hay với đồng nghiệp và phòng, khoa chuyên môn.

Sáu là, nhà trường trang bị thêm máy chiếu, nối mạng,… và hướng dẫn sử dụng, dự phòng kinh phí cho sửa chữa nâng cấp phần cứng, phần mềm giáo dục … để khắc phục sự cố và bảo quản sử dụng lâu dài.

Bảy là, Trường cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, xem đây là tiêu chí xếp loại, đánh giá thi đua … để kích thích lòng đam mê sáng tạo của giảng viên. Đồng thời sớm đưa ra tiêu chí đánh giá tiết dạy có sử dụng công nghệ thông tin, chuẩn bài giảng điện tử để có cơ sở thẩm định, tạo ra ngân hàng bài giảng điện tử có chất lượng.

Để đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong giảng dạy ở trường chính trị trong thời gian tới có hiệu quả, không có gì khác hơn, là nhà trường tăng dần mức đầu tư để không ngừng nâng cao, hoàn thiện và hiện đại hoá thiết bị, công nghệ dạy học. Bên cạnh đó, có sự chỉ đạo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất bằng chủ trương, kế hoạch và định hướng để các phòng, khoa, đội ngũ giảng viên có kế hoạch trong quá trình soạn giảng và tác nghiệp, góp phần làm thay đổi nội dung, phương pháp, hình thức dạy học, tạo nên được sự kết hợp giữa giảng viên và học viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp giảng dạy tích cực trong dạy và học ở trường chính trị./.


Các tin khác