Phụ nữ là trụ cột, linh hồn, là người giữ lửa hạnh phúc trong ngôi nhà của chính mình. Người xưa đã có câu tục ngữ “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Không phải ngẫu nhiên người ta gán việc xây tổ ấm cho người phụ nữ mà xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của họ trong việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Điều đó, được thể hiện thông qua vai trò là người vợ, người mẹ. Với vai trò làm vợ, đòi hỏi người phụ nữ phải là người chung thủy, tin tưởng, yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với chồng trong công việc của mỗi người, trong việc nuôi dạy con, trong các mối quan hệ ứng xử khác… Có như thế mới trở thành một người vợ tốt. Bên cạnh đó, người phụ nữ còn có thiên chức vô cùng thiêng liêng và cao quý mà tạo hóa đã ban cho họ đó là vai trò làm mẹ. Đây cũng là một trải nghiệm tuyệt vời, một hành trình đầy cam go và thú vị. Người mẹ có thể sẵn sàng hy sinh tất cả vì đứa con của mình.
Bên cạnh vai trò nêu trên, phụ nữ còn thực hiện chức năng của một nhà giáo dục. Nếu nói gia đình là trường học đầu tiên thì người mẹ chính là người thầy đầu tiên của con người. Người mẹ là người thường xuyên tiếp xúc, trực tiếp giáo dục và luôn theo dõi theo sự trưởng thành của con. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đứa trẻ đã chịu ảnh hưởng từ những thói quen sinh hoạt, những suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn của người mẹ. Khi được sinh ra, Mẹ lại tiếp tục dạy con những bước đi chập chững đầu tiên, phát triển ngôn ngữ, dạy con đạo lý làm người, đào tạo thế hệ mai sau thông qua những lời ru, câu chuyện kể. Chính những điều này, dần dần hình thành và tạo nền tảng ban đầu cho việc hình thành nhân cách của đứa trẻ.
Đồng thời, phụ nữ cũng là lực lượng lao động đông đảo của xã hội (chiếm 47%), theo điều tra của Uỷ ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ, thời gian lao động của nữ giới thường cao hơn nam giới từ 3 đến 4 giờ/ 1 ngày. Ngoài thời gian bươn chải kiếm sống góp phần tăng thêm thu nhập, phụ nữ còn phải làm công việc nhà, chăm sóc người thân và giáo dục con cái. Chính phụ nữ đã làm cuộc sống của con người ngày càng phong phú hơn, là người luôn thể hiện vai trò không thể thiếu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhận thức sâu sắc vai trò của gia đình cũng như tầm quan trọng của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, các cấp Hội phụ nữ, các tổ chức liên quan cần phải tạo điều kiện, hỗ trợ và phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ; qua đó giúp chị em nâng cao chất lượng cuộc sống, khẳng định vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội, cụ thể:
Trước hết, các tổ chức Hội và gia đình cần phải giúp đỡ, tạo điều điện để bản thân phụ nữ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình; họ phải có trình độ nhận thức về chính trị, xã hội, văn hóa cần thiết. Chỉ khi nhận thức được thì bản thân họ mới phấn đấu vươn lên, trở nên tự tin, học tập, lao động sáng tạo và tham gia các hoạt động xã hội.
Thứ hai, xây dựng và tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay để họ làm kinh tế, từ đó từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tổ chức dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm, tạo thêm thu nhập. Phụ nữ tự chủ về tài chính góp phần làm cho họ có tiếng nói và có điều kiện để vun vén cho hanh phúc gia đình.
Thứ ba, các cơ sở Hội, các tổ chức liên quan phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tích cực tuyên truyền, nêu bật những phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước, đó là “ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; giáo dục phụ nữ giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, tăng cường lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với gia đình và xã hội và không ngừng nâng cao kiến thức mọi mặt cho hội viên, phụ nữ; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”...
Thứ tư, tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các thành viên trong việc xây dựng gia đình đạt các tiêu chuẩn “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Đồng thời, thực hiện luật pháp, chính sách về hôn nhân và gia đình, về bình đẳng giới; đấu tranh xóa bỏ những hũ tục tập quán lạc hậu nhằm cản trở vai trò, sự phát triển của phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình, các tổ tư vấn, hòa giải về hôn nhân và gia đình; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người..., cung cấp những kiến thức, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản; thực hiện chính sách dân số, định hướng nghề nghiệp cho con cái…
Tóm lại, những yêu cầu trên của phụ nữ có thể đáp ứng khi bản thân mỗi chị em phải nỗ lực, đồng thời phải có chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội, các đoàn thể quần chúng. Đồng thời, gia đình , người thân phải phối hợp hành động, phải là điểm tựa, là cơ sở, động lực để phụ nữ lao động, học tập nhằm mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bền vững, góp phần phát triển xã hội./.