Lớp học đặc thù không thể nào quên

Hè năm 1973, tôi được Tỉnh ủy Bình Tuy triệu tập ra căn cứ học chính trị. Đây là một lớp học đặc biệt toàn diện từ công tác tổ chức, quản lý, đưa đón học viên đến nội dung chương trình, thầy giảng, học viên… Hơn 40 năm nhưng tôi vẫn thấy như mới diễn ra hôm nào…

Một đoàn cán bộ khoảng 4 -5 người vào ấp chiến lược Phước Thiện (Phường Tân Thiện ngày nay) đón, đưa tôi ra căn cứ. Tôi nhớ trong đoàn có anh Nguyễn Minh Hương, anh Hà Văn Giới…

Hồi ấy ta tổ chức đưa một cơ sở hoạt động hợp pháp trong phong trào sinh viên ở đô thị ra chiến khu học tập là rất cần thiết, nhưng phải thật chu đáo, bí mật, tuyệt đối an toàn. Sơ xuất điều gì có thể làm bể vỡ phong trào, tổn thất lớn cho cách mạng.

Phòng học, chỗ ăn, ở của tôi là một căn nhà nhỏ lợp tranh, nằm ẩn kín dưới những tán cây cao lớn, cạnh bên con suối nhỏ, róc rách nước quanh năm. Căn nhà sạch, mát khang trang, có sạp, ghế, bàn, võng, bọc võng đầy đủ.

Người trực tiếp phổ biến nội quy lớp học làm “chủ nhiệm lớp”, quản lý tôi là anh Ngô Văn Ly (Năm Ly) - Bí thư thị xã Lagi lúc ấy. Thỉnh thoảng về đêm tôi còn được tiếp xúc, tâm tình với anh Nguyễn Quang- cựu học sinh trường Phan Bội Châu là cơ sở, do tôi vận động đưa anh từ Phan Thiết vào Lagi thoát ly.

Ngày khai giảng, tôi mới biết lớp học có một thầy, một trò, một bảo vệ - Giảng viên duy nhất là đồng chí Trần Ngọc Tấn (Việt Hà) cán bộ lãnh đạo của Ban Dân vận Khu ủy Khu 6; anh Ngô Văn Cường - cần vụ của đồng chí Việt Hà, nguyên là cựu học sinh trường Trung học Bình Tuy làm bảo vệ (sau lớp học ấy một thời gian thì anh Cường đã hy sinh).

Thời gian khóa học một tuần lễ. Ngày lên lớp, tối tự nghiên cứu tài liệu. Cơm độn ăn ngày ba bữa, tắm rửa thoải mái, nhưng chỉ thông qua chủ nhiệm không được tiếp xúc với chị nuôi, y tá khác. Thời gian học hồi ấy quý hơn vàng vì hiếm có dịp gặp nhau, nên cả thầy và trò đều muốn trao và nhận nhiều thông tin cần thiết.

Thời ấy chúng tôi học không có giấy chứng nhận, cũng chưa cần bằng cấp, chứng chỉ; chủ yếu là học để hiểu, biết, để dám làm. Đói khát nhất là nắm cho được nội dung, phương thức vận động quần chúng nói chung, thanh niên, sinh viên học sinh nói riêng. Làm cách nào để đánh thắng Mỹ, ngụy giải phóng miền Nam.

Với điều kiện một thầy- một trò, nên nội dung trao đổi, truyền đạt sâu kỹ, cả đối thoại, chất vấn, tranh luận - bao nhiêu vấn đề tôi ấp ủ - tôi chưa giải đáp được cho quần chúng trong đô thị đều được đặt ra nhờ giảng viên giúp sức. Chủ yếu là những việc thực tế đang làm, đang gặp, đang bí cần tháo gỡ. Nội dung bài giảng hết sức thiết thực, người học phải nhớ, tài liệu, giấy viết ghi chép xong, cuối khóa đều nộp lại cho “Trường” khi về vùng địch.

Chương trình nội dung khóa học gồm:

- Tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam và phong trào thanh niên, sinh viên học sinh.

- 5 bước công tác dân vận và vận động thanh niên, học sinh.

- Nội dung Hiệp định Paris, Nghị định thư và phương pháp tuyên truyền; vận dụng tính pháp lý của Hiệp định Paris trong đấu tranh với địch.

- Phương pháp giành, giữ chính quyền, tiếp quản, xây dựng chính quyền cách mạng.

- Đạo đức người chiến sĩ cách mạng khi vào vùng địch tiếp quản chính quyền; phải chiến thắng mọi cám dỗ: tiền, gái…

Tôi còn được nghiên cứu Di chúc của Hồ Chủ tịch và Điếu văn do đồng chí Lê Duẩn trình bày trong lễ truy điệu Bác năm 1969.

Một lớp học ngắn ngủi nhưng đã trang bị cho tôi cả kiến thức, quan điểm, lập trường, đạo đức; đến hôm nay tôi liên hệ, nghiền ngẫm vẫn thấy mới và còn nguyên giá trị. Những điều tiếp thu được qua khóa học này góp phần giúp tôi bảo vệ khí tiết cách mạng khi bị địch bắt tra tấn, tù đày và giữ được phẩm chất sau khi miền Nam được giải phóng. Nội dung, thời gian học ngắn nhưng ý nghĩa, tác dụng sâu sắc, lâu dài.

Lễ bế giảng lớp học là một bữa cơm đạm bạc, có nhiều gạo trắng hơn khoai; một vài lời trầm buồn ấm áp chia tay giữa thầy, trò, người bảo vệ.

Chính chủ nhiệm lớp Ngô Văn Ly cùng tổ bảo vệ đưa tôi đi bộ rất xa, mấy giờ đồng hồ đến “bàn đạp”. Anh Ly gửi tôi lên một chiếc xe be chở gỗ và giao nhiệm vụ cho tài xế phải đưa tôi ra quốc lộ 1 an toàn. Xuống xe be, tôi vào Sài Gòn, ra Phan Thiết rồi mới về lại Lagi, Bình Tuy.

Bí mật như thế nhưng tôi bị sốt rét ác tính phải đi cấp cứu ở bệnh viện Bình Tuy, tên ấp trưởng Cẩm đến phòng bệnh “thăm” tôi thay vì đường, sữa, chanh, cam thì hắn hỏi:

- Mày học ở Sài Gòn tại sao bị sốt rét ?

- Ở đâu có muỗi Anôphen thì ở đó có ký sinh trùng sốt rét - tôi đáp.

Vấn đề cho phép tôi rút ra ở đây là để có một lớp học thật sự tốt như Bác Hồ đã từng nhắc nhở. Trước hết là nội dung chương trình phải sát thực tiễn, kế đó là thầy giảng phải có lý luận, vốn sống và tâm huyết. Người học phải học vì mục đích, động cơ trong sáng và có phương pháp, kỹ năng học tốt. Bên cạnh đó là công tác tổ chức, quản lý, chuẩn bị cho khóa học. Như lớp học của tôi, thầy Việt Hà từ Lâm Đồng đi bộ xuống Bình Tuy để giảng bài cho một lớp học chỉ một học viên, công phu đến chừng nào.   

Trong đời tôi được học nhiều khóa, nhiều chương trình nhưng lớp học đặc thù là một trong những dấu ấn sâu đậm, tác dụng lớn không thể nào quên. Tôi ao ước Trường Chính trị Bình Thuận sắp đến sẽ tổ chức được nhiều khóa học chu đáo, sâu sắc, ý nghĩa và tác dụng như thế./.  

 


Các tin khác