Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Bình Thuận

Trong hệ thống chính quyền của nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, chính quyền xã, phường, thị trấn (cấp xã) là cấp cuối cấp có vị trí rất quan trọng, đây là nơi tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở địa phương; là nơi làm việc trực tiếp với dân, nắm bắt và phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân. 

Hơn nữa, sự chuyên nghiệp, linh hoạt và tận tâm của cán bộ, công chức nhất là cán bộ lao động, quản lý cấp xã làm tăng uy tín của hệ thống chính trị.

Chính quyền cấp xã mạnh hay yếu, việc làm của cán bộ của cấp xã đúng hay không đúng đều tác động trực tiếp đến sự phát triển của địa phương, cũng như lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sẽ nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân.

Để nâng cao hiệu lực của chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã không những cần có lòng nhiệt tình cách mạng thể hiện ở lòng tận tụy, tinh thần trách nhiệm cao, mà còn phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ phụ thuộc phần nhiều vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Bình Thuận đã được đào tạo và chuẩn hóa về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Nhờ đó, năng lực thực tiễn, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vẫn còn có những hạn chế. Một bộ phận lớn còn hạn chế về chuyên môn, thiếu kỹ năng công tác nên khả năng vận dụng lý luận và tri thức khoa học vào xử lý, giải quyết công việc ở cơ sở gặp nhiều khó khăn, lúng túng, chưa đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình thực tiễn hiện nay trước yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước.

Nguyên nhân là do chương trình, nội dung giảng dạy còn mang nặng tính lý thuyết, chưa đi sâu hướng dẫn người học vận dụng lý luận vào giải quyết những tình huống cụ thể. Trước hiện trạng trên thì việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Trước hết cần phải đánh giá đúng thực trạng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian qua tại tỉnh Bình Thuận để có những giải pháp thiết thực liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hệ lớp phù hợp theo từng chức danh, thiết kế nội dung chương trình, phương pháp truyền đạt và xây dựng các tình huống quản lý cụ thể để vận dụng trong thực tiễn công tác.

Thứ hai, xác định mục tiêu đào tạo cán bộ cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội, thành thục về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy với công việc, có khả năng xử lý tình huống cụ thể ở địa phương, đáp ứng với yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cần tập trung các giải pháp sau đây:

Một là, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát hợp với đối tượng cần đào tạo ở cấp xã; bám sát mục tiêu yêu cầu thực tiễn công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp xã để thiết kế các chương trình bồi dưỡng sát với yêu cầu thực tiễn ở xã.

Hai là, nội dung chương trình phải bảo đảm kiến thức lý luận cơ bản về công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, vừa bảo đảm kỹ năng lãnh đạo, quản lý và tăng cường thực hành xử lý tình huống cho học viên, nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn. Đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng theo chức danh và vị trí công tác cho cán bộ cấp xã.

Ba là, đổi mới đồng bộ các biện pháp quản lý học viên trong quá trình đào tạo, quản lý khâu tự học, tự nghiên cứu, biết vận dụng sáng tạo những kiến thức cơ bản vào phân tích lý giải tìm ra các biện pháp tối ưu để xử lý vấn đề của thực tiễn địa phương đặt ra.

Bốn là, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên thêm về kiến thức thực tiễn, về công tác quản lý ở cấp xã thông qua các đợt nghiên cứu thực tế ở các địa phương. Mỗi giảng viên cần có kế hoạch, mục tiêu và nội dung nghiên cứu thực tế; xây dựng kế hoạch định kỳ đưa giảng viên nghiên cứu hoạt động tổ chức bộ máy cấp xã để nắm bắt nhu cầu bồi dưỡng, cập nhật bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; đề xuất kế hoạch đưa giảng viên trẻ nghiên cứu thực tế dài ngày ở cơ sở; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm tâm lý và trình độ nhận thức của học viên. Với những đề tài chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cụ thể trong hoạt động chính quyền cấp xã nên mời những giảng viên thỉnh giảng có am hiểu về vấn đề trên để giảng dạy.

Năm là, việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phải được đổi mới, yêu cầu học viên không những nắm vững kiến thức lý luận được trang bị mà còn phải biết liên hệ, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý ở cấp xã.

Sáu là, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Tăng cường công tác thư viện, cung cấp thông tin, tư liệu về tổ chức bộ máy hoạt động cấp xã, sưu tầm, biên soạn các bài tập xử lý tình huống diễn ra ở các địa phương để giảng viên và học viên tham khảo.

Trên đây là một số giải pháp cần nghiên cứu và tổ chức triển khai tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh nhà trong thời gian đến./.  


Các tin khác