Tìm hiểu Luật tổ chức Quốc hội 2014

Tại các Kỳ họp Quốc hội Khóa XIII nhiều Luật được Quốc hội ban hành và có hiệu lực ngày 01/01/2016 trong đó có Luật tổ chức Quốc hội năm 2014.

Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 20/11/2014, gồm 7 chương, 102 điều đã cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của Quốc hội; đồng thời kế thừa, bổ sung và phát triển các quy định mới so với Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 nhằm không ngừng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu,nguyện vọng của nhân dân xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

So với Luật Tổ chức Quốc hội  năm 2001 thì Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung tương đối cơ bản, toàn diện hơn tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội với nhiều điểm mới.

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 đã phân định rõ thời gian hoạt động của Đại biểu chuyên trách và không chuyên trách.

Tại Điều 23 của luật đã nêu rõ: Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Luật mới bổ sung thêm quyền hạn mới của Đại biểu quốc hội.

Điều 24 nêu rõ: Quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền đăng ký tham dự phiên họp do Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm (So với Luật năm 2001 thì đại biểu chỉ có quyền tham gia các phiên họp, thảo luận, biểu quyết các vấn đề và tham gia các hoạt động khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên).

Đã bổ sungthêm quy định củaỦy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 56 quy định: Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của Chính phủ. Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước khi trình UBTV Quốc hội xem xét, quyết định.

Luật mới cũng đã bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của UBTVQH trong việc tổ chức trưng cầu dân ý.

Cụ thể, Điều 59 quy định như sau: UBTV Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội. UBTV Quốc hội quy định về hình thức phiếu trưng cầu, trình tự bỏ phiếu và kiểm phiếu; quyết định thời gian cụ thể trưng cầu ý dân, nội dung ghi trên phiếu trưng cầu ý dân căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về việc trưng cầu ý dân; kiểm tra, giám sát việc trưng cầu ý dân. UBTV Quốc hội chịu trách nhiệm công bố kết quả trưng cầu ý dân với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Luật mới đã quy định về phối hợp công tác giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Theo quy định tại Điều 46 có nội dung như sau: Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; yêu cầu đại diện các cơ quan, tổ chức khác và công dân tham gia khi cần thiết. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Quy định thêm điều kiện bảo đảm cho Đại biểu Quốc hội.

Ngoài các điều kiện bảo đảm theo Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, Luật năm  2014 đã bổ sung điều kiện sau: Thời gian làm việc trong năm mà Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc. Đại biểu Quốc hội được ưu tiên trong việc mua vé tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, máy bay; được ưu tiên khi qua cầu, phà. Trong trường hợp ốm đau, đại biểu Quốc hội không thuộc diện cán bộ trung cấp, cao cấp thì được khám và chữa bệnh theo tiêu chuẩn quy định đối với cán bộ trung cấp. Đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội không phải là cán bộ, công chức, viên chức khi qua đời được hưởng chế độ về tổ chức lễ tang như đối với cán bộ, công chức (Điều 42).

Bên cạnh, những điểm mới nêu trên Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 còn bổ sung thêm quy định về hoạt động chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; bổ sung quy định về trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp của Ủy ban pháp luật - cơ quan của Quốc hội; Tổ chức giám sát, tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát tại địa phương./.


Các tin khác